Về xây dựng Chính phủ điện tử, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng chúng ta rất tích cực, cố gắng nhưng hiện mới chỉ đứng thứ 89 thế giới. Tiêu chí đánh giá xếp hạng này là hạ tầng, nhân lực, xung quanh cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Cả ba mặt chúng ta còn nhiều hạn chế và cần làm tốt hơn.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khi làm rõ thêm những vấn đề liên quan đến xây dựng Chính phủ điện tử; quản lý mạng xã hội; bảo đảm an toàn, an ninh mạng, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội chiều 17/11. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Về dịch vụ công trực tuyến, hiện chúng ta đang có 109.644 dịch vụ công, trong đó 95% nằm ở cấp tỉnh trở xuống, cấp bộ là 5%. Dù đã giao nhiệm vụ cụ thể nhưng hiện mới chỉ có 1% số dịch vụ công được cung cấp ở mức cao nhất là cấp độ 4 (tức là có kèm theo thanh toán), 5% số dịch vụ ở cấp độ 3. "Công nghệ thông tin chỉ là công cụ để cải cách hành chính và xây dựng Chính phủ điện tử. Vì vậy, cần phải xác định quyết tâm nhiệm vụ chính trị cụ thể là phải ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng Chính phủ điện tử, không chỉ là vấn đề biên chế, tiết kiệm thời gian, chi phí của người dân, DN, mà quan trọng hơn hết đó là công khai, minh bạch, chống tiêu cực, tham nhũng", Phó Thủ tướng phân tích và cho rằng điều quan trọng hàng đầu là nhận thức của tất cả mọi người.
Về báo chí và mạng xã hội, Phó Thủ tướng cho biết, theo thống kê, Việt Nam hiện có 67% số người dùng internet, 60% số người dùng mạng xã hội. Nhiều quốc gia họ quản lý mạng xã hội rất tốt, ví dụ như Nga, facebook chỉ đứng thứ 5, Nhật Bản đứng thứ 6 và ở Hàn Quốc facebook đứng thứ 7. Ở Đức chỉ có 30% người dân dùng mạng xã hội, vì họ ý thức lên mạng xã hội sẽ mất thông tin cá nhân. Tinh thần chung là tạo điều kiện phát triển mạnh nhưng đi đôi là quản lý phải thật tốt, đúng với quy định pháp luật, thông lệ quốc tế nhưng theo hướng cương quyết hơn. Dành nhiều thời gian nới về vấn đề an toàn thông tin, Phó Thủ tướng nêu quan điểm không thể không ứng dụng công nghệ thông tin, nhưng nếu không đảm bảo an toàn thông tin thì nguy hại vô cùng: Hiện về ứng dụng công nghệ thông tin chúng ta đứng thứ 89 thế giới - nhóm trung bình, nhưng về an toàn thông tin chúng ta đứng ngoài nhóm 100, tức nhóm trung bình yếu. Đặc biệt, có những chỉ số liên quan tới ý thức hành vi của người dân, Việt Nam nằm nhóm yếu nhất.“Trên thế giới, cứ 1 giây có 176 sự cố liên quan an toàn thông tin, có 3 cuộc tấn công mạng có chủ đích, 4 mã độc phát tán. Cứ một giờ có 200 tỷ thư trên thế giới được phát đi, 53% số đó là thư rác trong đó có mã độc. Tỉ lệ phát tán thư rác từ Việt Nam là số 1 thế giới. Tỉ lệ lây nhiễm qua cả thiết bị cá nhân ở Việt Nam cũng là cao nhất thế giới”, Phó Thủ tướng nói. Và cho biết, theo đánh giá năm 2016, Việt Nam có 71,3% thiết bị bị lây nhiễm mã độc. Ở các nước, 60% số người được phỏng vấn nhận ra nguy cơ từ chính các thiết bị mình đang dùng gây ra, còn Việt Nam số này chỉ là 11%. Về máy tính cá nhân của từng người dân, Việt Nam cũng đứng đầu khi có 61% máy nhiễm mã độc so với con số 19% trung bình trên thế giới.Từ các số liệu trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng chúng ta chưa nhận thức được nguy cơ mất an toàn thông tin. Người dân Việt Nam vì gần như không nhận thức được nguy cơ, ví dụ điện thoại khi có tin nhắn hay gì đến lập tức bấm vào ngay, mà không biết rằng các thông tin cá nhân của mình đều đã được các công ty thu thập về, thông tin này về lý thuyết phục vụ công ty đó nhưng hoàn toàn có thể bị lợi dụng lừa đảo, tống tiền, làm nhiều việc có hại cho mình. Hay như có USB sử dụng rất nhiều đầu máy khác nhau mà không hề lo ngại nguy cơ tiềm ẩn. "Đây là điều đáng báo động nhất về an toàn an ninh thông tin của chúng ta. Và phải nhiều năm mới gỡ hết, nếu không ý thức ngay từ bây giờ thì vô cùng nguy hiểm”, Phó Thủ tướng nói.