“Trước khi họp Chính phủ tháng 9 cũng có những ý kiến đề cập đến việc chúng ta tăng trưởng có chạy theo dầu thô, tín dụng hay không khi mà tăng trưởng GDP quý 1, 2 đạt thấp nhưng quý 3 lại tăng đột biến; năm 2017 tăng trưởng 6,7% nhưng mục tiêu năm sau lại chỉ đặt mục tiêu 6,5%-6,7%; GDP tăng 6,7% nhưng tại sao thu ngân sách chỉ tăng 2,3%?..." - Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đưa ra hàng loạt các phân tích để bác bỏ những hoài nghi về tốc độ tăng trưởng kinh tế ngoạn mục trong quý 3/2017.
Trả lời câu hỏi về việc tại sao tăng trưởng cao nhưng thu ngân sách chỉ ước tăng 2,3%, Phó Thủ tướng nêu ví dụ như sản xuất, tiêu thụ ô tô. Hiện người tiêu dùng có tâm lý chờ thuế ô tô năm sau giảm, giá rẻ hơn nên không mua vào thời gian này. Điều đó đã ảnh hưởng đến những tỉnh vốn phụ thuộc vào công nghiệp ô tô như: Quảng Nam, Vĩnh Phúc… “GDP tăng cao nhưng thu ngân sách không được như mong đợi là vì vậy” - Phó Thủ tướng nói.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, năm 2017, nền kinh tế bắt đầu đối mặt với sự sụt giảm sâu của công nghiệp khai khoáng khi khai thác dầu thô, than đá giảm. Với than đá là do chi phí, giá thành khai thác cao. Còn dầu thô, năm 2017 chỉ đặt kế hoạch khai thác 13,58 triệu tấn, giảm so với năm 2016 và 2015 lần lượt 3 triệu tấn và hơn 4,5 triệu tấn. Trong khi đó, với mỗi 1 triệu tấn dầu thô so sánh giá năm 2010 thì tương đương 0,25% GDP. Nếu như trước đây, kinh tế tăng trưởng chậm thì có thể tăng lượng khai thác nhưng năm nay khó vì trữ lượng dầu thô giảm… Do đó, có thể khẳng định, tăng trưởng quý 3 không dựa vào dầu thô.
Về câu hỏi liệu tăng trưởng có dựa vào tín dụng? Theo dự kiến, tăng trưởng tín dụng năm 2017 sẽ tăng 18% so với năm 2016. Đây là chỉ tiêu định hướng, Quốc hội không giao. Tuy nhiên, Chính phủ định hướng có thể điều hành tăng trưởng tín dụng 20-21% nhưng mức này có đạt hay không tùy vào khả năng hấp thụ của nền kinh tế. Trong 9 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng đạt 11% - tương đương cùng kỳ năm 2016. Điều đó khẳng định, tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm cũng không dựa vào tín dụng. Phó Thủ tướng cũng khẳng định, từ nay đến cuối năm sẽ không có chuyện lạm phát tăng cao.
Vậy, động lực tăng trưởng 9 tháng và cả năm 2017 dựa vào đâu? Theo Phó Thủ tướng, đầu tiên là công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng mạnh đã bù đắp sự sụt giảm của công nghiệp khai khoáng. Điển hình trong đó là tăng trưởng mạnh mẽ của Samsung Việt Nam với sản phẩm Samsung Note 8 khi quý 3 bán ra thị trường. Với đà này, khả năng năm 2017 tăng trưởng của công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ tăng cao nhất kể từ năm 2010 đến nay: khoảng 13-13,5% và giúp tăng trưởng của toàn ngành sản xuất công nghiệp tốc độ tăng 7-7,5%. Động lực thứ hai là công nghiệp xây dựng dự kiến tăng trưởng khoảng 7% và sẽ đóng góp khoảng 2,5-2,6 điểm phần trăm trong tăng trưởng GDP. Động lực thứ ba là tăng trưởng của dịch vụ du lịch với mục tiêu cả năm có thể đạt 14-15 triệu khách quốc tế đến Việt Nam. Tăng trưởng của ngành sẽ đóng góp khoảng 3,2 điểm phần trăm tăng trưởng trong GDP và “thừa sức bù đắp từ dầu thô”. Điểm quan trọng khác là tăng trưởng từ ngành nông, lâm thủy sản với 9 tháng tăng trưởng khoảng 2,78% (cả năm mục tiêu trên 3%) – tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2016, và đã đóng góp 0,43 điểm phần trăm tăng trưởng 9 tháng đầu năm.
“Nếu cố gắng tăng 1 triệu tấn dầu thô thì thà tăng 1 triệu khách du lịch còn hơn, bởi nó vừa xanh, vừa sạch, vừa đẹp, vừa an toàn. Từ nay về sau dầu thô không còn là chỗ dựa nữa” - Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Cũng theo Phó Thủ tướng, năm 2017, tăng trưởng về vốn chiếm 53% trong tổng tăng trưởng. Tuy vốn ngân sách giải ngân chậm nhưng đang được bù lại từ giải ngân của khu vực doanh nghiệp FDI, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 33-34%.