Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Bộ KH&ĐT phải rà soát lại vướng mắc trong việc giải ngân đầu tư công, đẩy nhanh tốc độ giao vốn và giải ngân; phải tạo ra được chuyển biến căn bản từ nay đến cuối năm về vấn đề này, nhất là vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) và vốn ODA”- Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu chỉ đạo tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2019 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ KH&ĐT trong 6 tháng cuối năm.

Theo báo cáo, đến hết tháng 6/2019, thanh toán vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước và vốn TPCP của các địa phương đạt 96.639 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 32,85%, thấp hơn 1,88% so cùng kỳ năm 2018. 3/5 nguồn vốn có tỷ lệ giải ngân thấp là vốn TPCP, vốn ODA, vốn ngân sách trung ương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia.
Trong đó, tỷ lệ giải ngân vốn TPCP thấp nhất, đạt 9,5%. Năm 2019 có 17 địa phương được giao kế hoạch giải ngân vốn TPCP. Đồng Nai là địa phương có số vốn TPCP kế hoạch năm 2019 lớn nhất 6.990 tỷ đồng, chiếm 73% kế hoạch vốn của cả nước, nhưng mới giải ngân được 310 tỷ đồng, bằng 4,45% kế hoạch.
Tỷ lệ giải ngân theo số liệu tổng hợp của Kho bạc Nhà nước nguồn ODA mới đạt 12,14%, tính đến tháng 6/2019. Trong đó, 8/59 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 30%; có 28 địa phương giải ngân ODA bằng 0%. Có 53 địa phương được giao kế hoạch giải ngân vốn ngân sách trung ương đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia nhưng trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân mới đạt 21,33%.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Bộ KH&ĐT phải trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước, đi đầu trong cải cách thể thế và quản lý nhà nước.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ yêu cầu tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân, giao vốn cho đầu tư công, đặc biệt là vốn TPCP và vốn ODA. “Từ nay đến cuối năm phải tạo chuyển biến cơ bản giải ngân đầu tư công, để sau 2020 với Luật đầu công sửa đổi, tạo ra bước tiến mới trong giải ngân đầu tư công, lúc đó không thể đổ cho vấn đề thể chế nữa” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Liên quan đến quy hoạch tổng thể, Phó Thủ tướng cho rằng phải tháo gỡ các vấn đề vướng mắc, lập quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng. “Cái này làm tốt sẽ khơi thông động lực tăng trưởng, nếu làm chậm và không đúng sẽ làm cản trở phát triển đất nước” - Phó Thủ tướng nói.
Về tình hình kinh tế, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, kinh tế trong nước và thế giới trong 6 tháng cuối năm 2019 được dự báo khó khăn và diễn biến khó lường. Bộ KH&ĐT là tổng tham mưu trưởng của nền kinh tế, cần chủ động hơn nữa trong việc tham mưu các chính sách tài khóa, tiền tệ và thương mại.
"Đặc biệt, các đồng chí phải có những phân tích, đánh giá tình hình kịp thời, tham mưu cho chính phủ những giải pháp căn cơ” - Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ KH&ĐT 6 tháng cuối năm. Ông cũng yêu cầu Bộ KH&ĐT phải trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước, đi đầu trong cải cách thể thế và quản lý nhà nước.
Phó Thủ tướng gợi ý Bộ KH&ĐT thành lập một ban cải cách, sau đó giúp Chính phủ liệt kê những vướng mắc trong thể chế, chính sách và đề xuất các giải pháp khắc phục. Đó chính là ưu tiên hàng đầu nhằm khơi thông nguồn lực, tạo đà cho tăng trưởng bền vững.
“Sáng nay, Thủ tướng nhờ tôi nhắn nhủ tới các đồng chí rằng Bộ KH&ĐT phải xây dựng được các thể chế chính sách để kiến tạo và phát triển, xứng đáng là bộ tổng tham mưu của toàn bộ nền kinh tế” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chia sẻ tại hội nghị.
Liên quan tới công tác chuẩn bị xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong bối cảnh các quy định của Luật Đầu tư công năm 2014 chuẩn bị hết hiệu lực để chuyển sang thực hiện các quy định mới của Luật Đầu tư công năm 2019 vừa được Quốc hội thông qua, toàn bộ thời gian lập, thẩm định, quyết định và thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 sẽ thực hiện theo các quy định mới.
Bộ KH&ĐT cũng đã nghiên cứu, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Chỉ thị xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 theo hướng trước mắt tập trung đánh giá các kết quả đạt được, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, tổng hợp nhu cầu đầu tư công phù hợp với những định hướng lớn về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới, phù hợp với Đề án cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
"Bộ KH&ĐT đang khẩn trương nghiên cứu, xây dựng dự thảo quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025, lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, tiếp thu, hoàn chỉnh trình Thủ tướng Chính phủ trong quý IV năm nay", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thông tin.
Hà Nội mong đẩy nhanh giải ngân vốn ODA
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, 6 tháng đầu năm tình hình kinh tế - xã hội Thủ đô phát triển toàn diện. Kinh tế vĩ mô ổn định, GDP tăng cao so với cùng kì đạt 7,21%, thu ngân sách đạt trên 133 nghìn tỷ đồng, đạt 50,9% dự toán (cùng kỳ đạt 50,4%). Khách du lịch tăng. Môi trường kinh doanh được cải thiện. Chỉ số PCI tăng 4 bậc. Thu hút FDI 5,03 tỷ USD, thu hút 20,5 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngân sách. TP cấp mới 13.630 DN thành lập, tăng 9 % về số lượng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 12%, cùng kì tăng gần 10%. Quản lý đô thị được quan tâm, các lĩnh vực văn hóa xã hội, an sinh xã hội được đảm bảo.
6 tháng cuối năm tập trung phấn đấu hoàn thành, đạt vượt mức chỉ tiêu thu ngân sách 2019 mà Chính phủ giao là đạt trên 263.000 tỷ đồng, đôn đốc triển khai kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản đặt ra đầu năm, tổng mức đầu tư phát triển 2019 của Hà Nội là trên 45.000 tỷ đồng. Tiếp tục tăng cường đẩy mạnh thực hiện triển khai lập các quy hoạch phân khu và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phấn đấu công tác giao đất dịch vụ đạt trên 70% theo mục tiêu đề ra.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, việc giải ngân vốn ODA còn đang rất thấp so với nhu cầu thực tế. Cụ thể, tuyến đường sắt Nhổn - ga Hà Nội mới được giao 739,4 tỷ đồng so với nhu cầu 1.395 tỷ đồng trong năm nay. Ngoài ra, dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá cũng mới chỉ được cấp phát 301,6 tỷ đồng so với nhu cầu 750 tỷ đồng.
"Đề nghị Bộ KH&ĐT bổ sung rà soát ứng trước vốn ngân sách trung ương cho các dự án”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội kiến nghị.
Đại diện UBND TP Hà Nội cũng cho biết, đối với các dự án ODA mà ngân sách trung ương chưa kịp thời bố trí, TP đã có tờ trình báo cáo Thủ tướng cũng như các bộ, ngành. Hà Nội đề nghị Bộ KH&ĐT tham mưu giúp về cơ chế nguồn vốn.
Về Luật Quy hoạch, TP kiến nghị Chính phủ và Bộ KH&ĐT sớm hướng dẫn điều kiện, bố trí vốn và thanh quyết toán để có căn cứ triển khai Luật Quy hoạch giai đoạn 2011 - 2030 và kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. TP kiến nghị sớm sửa đổi luật liên quan đến đầu tư, như Luật Đấu thầu, luật DN để các địa phương có căn cứ thực hiện trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản cũng cho biết, UBND TP Hà Nội đã ban hành 2 đề án hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo khởi nghiệp. Tuy nhiên, hiện có một số chính sách đề nghị Bộ KH&ĐT sớm tham mưu, ban hành chính sách ưu đãi hỗ trợ DN nhỏ và vừa, đặc biệt là DN chuyển đổi từ hộ kinh doanh, DN khởi nghiệp sáng tạo.
Vấn đề thanh toán dự án BT, Hà Nội khẳng định đang chờ nghị định của Chính phủ và đề nghị Bộ KH&ĐT phối hợp với Bộ Tài chính sớm ban hành.