Vị này cung cấp thông tin, tính đến nay, ngân hàng đã cho vay được khoảng 200 tỷ đồng với gần 700 khách hàng tại 50 tỉnh, TP trên cả nước. Từ nay đến cuối năm, dự kiến sẽ giải ngân hết con số 1.000 tỷ đồng được giao. Đây là chương trình tín dụng dài hơi, do Chỉnh phủ ban hành, không phải gói vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng như trước đây. Vì lẽ đó, nhóm đối tượng đúng quy định sẽ được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
1.000 tỷ đồng hỗ trợ chính sách nhà ở xã hội có vẻ chưa thấm so với nhu cầu của số đông người thu nhập thấp. |
“Người vay trước hay vay sau đều nằm trong chương trình bố trí vốn hằng năm của Chính phủ, không vay được năm nay, năm sau vay. Một khi đã đặt bút ký thì sẽ được thụ hưởng trọn gói theo lãi suất ưu đãi (4,8%/năm), chúng tôi có thủ thuật điều hành kế hoạch vốn. Người dân không lo chịu cảnh đem con bỏ chợ” - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội khẳng định.
Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan tới tiến độ giải ngân gói tín dụng liệu có chậm, ông Lý cho hay phù hợp với lộ trình hiện tại. Nếu nóng ruột đẩy vốn nhanh nhưng cân nhắc nhiều mặt, không thể bỏ đi các điều kiện được. Cho vay nhanh, dễ sai đối tượng, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Hiện nay, một số tỉnh, thành phố đã cho vay được nhiều. Cụ thể như Quảng Nam: 31 tỷ đồng, Đà Nẵng: 21 tỷ đồng, Bắc Ninh: 15 tỷ đồng, Hưng Yên: 9 tỷ đồng... Riênh, hai TP lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh giải ngân được ít hơn do nguyên nhân căn bản là các dự án nhà ở xã hội đang thế chấp; người dân cân nhắc, lựa chọn kỹ càng hơn...
“Vừa rồi Chủ tịch Quốc hội cho biết sẽ ưu tiên thêm vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Trong đó. tập trung cho người nghèo đô thị, công nhân khu công nghiệp vay. Khi có thêm vốn, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ đẩy mạnh sản phẩm 1 trước để người dân được thụ hưởng ngay vốn Chính phủ, còn sản phẩm 2, thêm sự lựa chọn cho dân. Nhu cầu vốn sau năm 2020 khoảng 18.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng đã có tờ trình xin bổ sung thêm 3.000 tỷ đồng.” – ông Lý bật mí thêm.
Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cũng từng có văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm xem xét, chỉ đạo sớm giải quyết kiến nghị của Bộ Xây dựng, tạo điều kiện thực hiện hiệu quả chính sách nhà ở xã hội trong giai đoạn 2018-2020. Trên thực tế khi dừng gói 30.000 tỷ đồng, nhiều chủ đầu tư không giao được căn hộ cho người mua, điển hình như: Dự án Bright City (Hà Nội); hoặc dự án HQC Plaza, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. Trong khi, theo quy định: kể từ ngày 1/1/2017 đến nay, người mua nhà ở xã hội mà chưa được nhận nhà trong năm 2016, không được tiếp tục giải ngân vốn tín dụng ưu đãi, mà phải chuyển sang vay ngân hàng với lãi suất thương mại khiến cho người mua nhà lâm cảnh cực kỳ khó khăn. |