Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phố Wall bứt phá mạnh, có tháng giao dịch tốt nhất trong gần 3 thập kỷ

Nguyễn Thu (Theo CNBC, Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục leo dốc trong phiên giao dịch ngày 1/3 sau khi chứng kiến tháng giao dịch khởi sắc nhất trong gần 30 năm.

Lạc quan thương mại giúp S&P 500 và Nasdaq bừng "sắc xanh"
Trong phiên giao dịch ngày 1/3, chỉ số Dow Jones nhích khoảng 200 điểm, S&P 500 và Nasdaq cũng tăng mạnh.
Cả ba chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ đã đạt mức tăng kỷ lục trong tháng 2, ghi nhận tháng giao dịch tốt nhất kể từ năm 1991. Cụ thể, tính đến phiên ngày 28/2, chỉ số Dow Jones và S&P 500 tăng hơn 11%, trong khi Nasdaq Composite cộng 13,5% .
Chứng khoán Mỹ đã phục hồi trở lại trong phiên đầu tiên của tháng 3 nhờ thông tin tích cực rằng các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể kết thúc ngay sau 2 tuần nữa.
 Thị trường chứng khoán Mỹ tăng mạnh trở lại trong phiên 1/3.
Bên cạnh hy vọng về một kết quả cuối cùng sắp đạt được từ các cuộc đàm phán thượng mại Mỹ - Trung, nỗi lo ngại giảm dần với chính sách thắt chặt tiền tệ chặt hơn từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng đã thúc đẩy các nhà đầu tư đẩy mạnh mua vào trong phiên này.
Hai chỉ số S&P 500 và Dow Jones của thị trường chứng khoán Mỹ cùng tăng điểm, khép lại chuỗi ba phiên giảm trước đó. Phiên này, nhà đầu tư lại "phập phồng" hy vọng về một thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung, trong khi những dữ liệu u ám về ngành sản xuất phủ bóng lên thị trường.
Hãng tin Bloomberg hôm 28/2 dẫn nguồn thạo tin nói rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể có một cuộc gặp vào giữa tháng 3 này để ký kết một thỏa thuận thương mại. Vào cuối tuần trước, ông Trump tuyên bố hoãn kế hoạch tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng Trung Quốc.
Dù khả năng Washington và Bắc Kinh đi đến một thỏa thuận chấm dứt chiến tranh thương mại hiện chưa có gì chắc chắn, song những thông tin tích cực này vẫn giúp giới đầu tư phấn chấn hơn.
"Sự lạc quan về một thỏa thuận thương mại đang chiếm ưu thế trước mối lo về dữ liệu ngành sản xuất xấu đi" - chiến lược gia Ryan Detrick thuộc LPL Financial nhận định.
Một cuộc khảo sát do tư nhân tiến hành cho thấy hoạt động của các nhà máy ở Trung Quốc trong tháng 2 giảm tháng thứ ba liên tiếp.
Số liệu của Viện Quản lý nguồn cung Hoa Kỳ (ISM) cho thấy hoạt động của ngành sản xuất Mỹ giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2016. Một cuộc khảo sát của Đại học Michigan cho thấy niềm tin người tiêu dùng Mỹ trong tháng 2 thấp hơn kỳ vọng.
Theo ông Detrick, trong bối cảnh có nhiều dữ liệu xấu như vậy, nhà đầu tư tin rằng một thỏa thuận Mỹ-Trung có thể sẽ giúp cải thiện triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Chốt phiên giao dịch ngày 1/3, Dow Jones tăng 0,43%, đạt 26.026,32 điểm. S&P 500 tăng 0,69%, đạt 2.903,69 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 0,83% đạt 7.595,35 điểm.
Đây là phiên đầu tiên kể từ 8/11 chỉ số S&P 500 đóng cửa trên 2.800 điểm, một tín hiệu được nhiều chuyên gia đánh giá là tốt. Chỉ số này hiện chỉ còn thấp hơn 4,2% so với mức cao kỷ lục thiết lập vào tháng 9 năm ngoái. Năm nay, chỉ số đã tăng 11,8% nhờ những hy vọng về thỏa thuận thương mại và lập trường mềm mỏng hơn về chính sách tiền tệ của FED.
Tính cả tuần, S&P 500 tăng 0,4%, Dow Jones giảm 0,02%, và Nasdaq tăng 0,9%. Tính đến tuần này, Nasdaq đã có 10 tuần tăng liên tiếp, chuỗi tuần tăng dài nhất kể từ cuối năm 1999.
Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P, có 8 nhóm tăng giá phiên này. Trong đó, nhóm y tế với mức tăng 1,4% là nhóm đóng góp nhiều nhất vào sự đi lên của toàn chỉ số. Nhóm năng lượng tăng 1,8% dù giá dầu giảm.
 
Vẫn chịu áp lực từ dữ liệu sản xuất "u ám"
Tuy nhiên, dữ liệu mới nhất về sản xuất của Hoa Kỳ đã gây thất vọng, làm giảm sự lạc quan của các nhà đầu tư trong phiên này.
Về dữ liệu kinh tế Mỹ, Viện Quản lý nguồn cung công bố chỉ số sản xuất đã giảm xuống 54,2% trong tháng 2, dưới mức kỳ vọng của các nhà kinh tế là 55,5%.
Chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) trong khu vực sản xuất do Markit khảo sát cũng gây thất vọng, khi chỉ đạt 53,0 điểm vào tháng 2, giảm từ mức 53,7 điểm trong tháng 1.
Bộ Thương mại báo cáo chỉ số lạm phát PCE đã tăng 0,1% trong tháng 12, so với mức tăng 0,4% trong tháng 11. Con số này cao hơn ước tính của các nhà kinh tế là mức giảm 0,4%. Nếu so với cùng cùng kỳ, chỉ số giá vẫn ổn định ở mức tăng 1,9%.
 Các thị trường chứng khoán ở châu Á tăng điểm trong ngày 1/3.
Niềm tin tiêu dùng do đại học Michigan khảo sát đạt 93,8 điểm trong tháng 2, thấp hơn so với mức dự báo của các nhà kinh tế là 95,6 điểm.
Trong khi đó, Chủ tịch ngân hàng dự trữ tại Atlanta là Raphael Binto hôm qua đã có bài phát biểu tại hội nghị Hiệp hội Kinh tế Kinh doanh Quốc gia diễn ra ở Washington, D.C. Ông cho biết vẫn hy vọng ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất một lần nữa trong năm nay khi lạm phát tăng lên.
Connor Campbell, chuyên gia phân tích tài chính của SpreadEx cho biết: “Cả hai chỉ số PMI sản xuất của Mỹ đều thấp hơn kỳ vọng đáng kể. Dù vậy, những con số này vẫn tốt hơn rất nhiều so với những dữ liệu công bố của Anh, Trung Quốc và khu vực đồng euro, trong đó cả Trung Quốc và EU thậm chí còn ghi nhận sự sụt giảm trong lĩnh vực sản xuất theo số liệu công bố đầu ngày. Tuy nhiên, các dữ liệu kinh tế của Mỹ cũng đã bắt đầu gây lo ngại”.
Theo chuyên gia Campbell, chính những số liệu kém khả quan này đã gây áp lực lên giá các cổ phiếu trước đó, khi chỉ số tương lai bị xóa mất mức tăng 170 điểm ngay trước khi chỉ số PMI được phát hành”.
Các thị trường chứng khoán ở châu Á tăng điểm trong ngày 1/3, dù giới đầu tư vẫn thận trọng khi chờ diễn biến tiếp theo sau kết quả chưa như mong đợi của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần hai.
Kết thúc phiên này, chỉ số Nikkei 225 tại thị trường Nhật Bản tăng 1% lên 21.602,69 điểm, chỉ số Hang Seng trên thị trường Hong Kong (Trung Quốc) tăng 0,6% lên 28.812,17 điểm và chỉ số Shanghai Composite tại thị trường Thượng Hải tăng 1,8% lên 2.994,01 điểm. 
Trong khi đó, thị trường Sydney (Australia) tăng 0,4%, thị trường Singapore và Wellington (New Zealand) đều tăng 0,3%, còn thị trường Jakarta (Indonesia) tăng 0,9%. Riêng thị trường Đài Bắc (vùng lãnh thổ Đài Loan) và Seoul (Hàn Quốc) đóng cửa nghỉ lễ. 
Tại châu Âu, các chỉ số chứng khoán cũng đóng cửa trong sắc xanh với chỉ số Stoxx Europe 600 tăng 0,4%.