KTĐT - Ngày hôm qua 22/10, phố Wall đón nhận những thông điệp trái chiều về sức khỏe nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Hầu hết kết quả kinh doanh của doanh nghiệp lớn được công bố hôm qua đều vượt dự báo. Niềm tin quay trở lại các sàn cổ phiếu, nhà đầu tư tích cực bắt đáy sau 2 phiên điều chỉnh sâu.
Khởi đầu ngày giao dịch, chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều do áp lực chốt lời từ những phiên liền trước. Tuy nhiên, lượng cổ phiếu giá rẻ do bên bán xả ra chỉ khiến S&P và Nasdaq lình xình trong phiên buổi sáng. Thị trường nhanh chóng thể hiện sức bật mạnh sau khi hàng loạt các tập đoàn có tầm ảnh hưởng lớn công bố lợi nhuận quý III vượt xa dự báo như McDonald’s, hãng bảo hiểm Travelers, thời báo New York Times, PNC Financial và American Express - nhà phát hành thẻ tín dụng lớn nhất của Mỹ.
Trở lại vị trí đầu tàu dẫn dắt thị trường, chỉ số tổng hợp 24 ngân hàng hàng đầu trên phố Wall là KBW Bank Index bật mạnh 3,4%, trong đó Wells Fargo phục hồi mạnh nhất (4,4%). Sau tiếng chuông báo kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Dow Jones Industrial lấy lại 131,95 điểm, tương ứng 1,3%, vượt ngưỡng cản 10.000 điểm, lên 10.081,31 điểm. Standard & Poor 500 và chỉ số công nghệ Nasdaq Composite lần lượt ghi 1,1% và 0,7% vào quỹ điểm.
Ngày hôm qua 22/10, phố Wall đón nhận những thông điệp trái chiều về sức khỏe nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong khi chỉ số tổng hợp các chỉ báo kinh tế hàng đầu ở Mỹ được Bộ Thương mại thu thập và phân tích, tiếp tục tăng tháng thứ sáu liên tiếp và leo lên ngưỡng 103,5 điểm - cao nhất trong 2 năm, thì thống kê về số lao động thất nghiệp của Bộ Lao động lại cho thấy chiều hướng gia tăng trong 2 tuần gần đây.
Trong chiều hướng ngược lại, sàn cổ phiếu châu Âu lại mất điểm ngày thứ ba liên tiếp. Sự thất vọng của nhà đầu tư trước kết quả kinh doanh quý III của các tập đoàn đầu ngành trong khu vực Eurozone được cho là nguyên nhân chính kéo chậm đà phục hồi của thị trường. Trong số những doanh nghiệp báo cáo ngày hôm qua, đáng chú ý có Ericsson - nhà sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới, công bố lợi nhuận giảm 71% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi đó, Air Liquide SA - tập đoàn cung cấp mặt hàng gas công nghiệp lớn nhất thế giới hạ dự báo lợi nhuận quý III do doanh số bán hàng chậm chạp.
Chốt phiên, chỉ số tổng hợp 18 hàn thử biểu khu vực DJ Stoxx bốc hơi 1,2% giá trị - biên độ điều chỉnh mạnh nhất kể từ ngày 2/10, xuống 246,23 điểm. Bầu không khí ảm đạm bao trùm tâm lý nhà đầu tư, khi tất cả các bảng điện tử chứng khoán đóng cửa trong sắc đỏ. Tại London, FTSE 100 hạ 1%, trong khi đó tại Đức và Pháp, 2 chỉ số DAX 30 và CAC 40 lần lượt giảm 1,2% và 1,4%.
Chứng khoán châu Á cũng giảm điểm mạnh nhất trong 3 tuần. Áp lực chốt lời dâng cao, trong khi nhà đầu tư thận trọng trước những phỏng đoán về chính sách tiếp theo của Chính phủ Trung Quốc. Đón nhận ngày giảm điểm thứ hai trong tuần, chỉ số tổng hợp 23 hàn thử biểu khu vực châu Á MSCI bốc hơi 1%, xuống 119,38 điểm. Mốc 120 điểm vẫn là ngưỡng cản mạnh của chỉ số này, khi nguồn cung lớn áp đảo lực cầu đang có dấu hiệu chững lại.
Theo báo cáo được văn phòng chủ tịch Hồ Cẩm Đào công bố, tăng trưởng GDP trong quý III của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới là 8,9%, tuy thấp hơn mức dự báo 9% trước đó song đây vẫn là số liệu được nhiều nhà đầu tư chờ đợi. Thị trường sớm phát tín hiệu khởi sắc, nhưng sau đó lại chóng vánh quay đầu mất điểm trước những nhận định kém tích cực từ Cơ quan Thống kê trung ương.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc vẫn tăng lên theo từng tháng và nguy cơ lạm phát quay trở lại đang ở mức báo động. Đồng NDT suy yếu do chính sách điều hành lãi suất tín dụng thấp, gói kích thích 587 tỷ đôla đã bơm một lượng lớn tiền mặt vào nền kinh tế được cho là 2 nguyên do chính. Phiên này, sàn chứng khoán Thượng Hải tiếp tục có một phiên điều chỉnh, Shanghai Composite đóng cửa âm 0,6%.
Tại Tokyo, làn sóng bán tháo cổ phiếu các ngân hàng đẩy phong vũ biểu Nikkei 225 xuống 0,6%, lùi về mốc 10.267,17 điểm. Mitsubishi UFJ Financial - nhà cho vay lớn nhất của Nhật trượt 3,1%, những lo ngại về tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống tín dụng gia tăng khiến nhiều nhà đầu tư lo ngại về sự ổn định của các hoạt động tài chính của ngân hàng.
Phiên hôm qua, sắc đỏ vẫn là gam màu chủ đạo trên bảng điện tử. Các hàn thử biểu gồm Taiwan Taiex của Đài Loan, BSE Index (Ấn Độ), và Kospi của Hàn Quốc là những chỉ số chịu mức điều chỉnh mạnh nhất trong phiên, lần lượt giảm từ 1,2% đến 1,4%. Chứng khoán Singapore, Hong Kong, và Australia cũng đi xuống trong khoảng từ 0,3% đến 0,5%.