KTĐT - Kết thúc ngày giao dịch 9/11, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 60,09 điểm (-0,53%) xuống 11.346,75 điểm. S&P 500 hạ 9,85 điểm (-0,81%) xuống 1.213,40 điểm.
Phố Wall mất điểm phiên thứ hai do sự đi xuống của nhóm cổ phiếu tài chính ngân hàng và nguyên liệu thô trước lực bán tháo mạnh vào cuối phiên của giới đầu tư.
Kết thúc ngày giao dịch 9/11, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 60,09 điểm (-0,53%) xuống 11.346,75 điểm. S&P 500 hạ 9,85 điểm (-0,81%) xuống 1.213,40 điểm. Nasdaq trừ 17,07 điểm (-0,66%) xuống 2.562,98 điểm.
Khối lượng giao dịch trên cả 3 sàn New York, American và Nasdaq đạt 8,9 tỷ cổ phiếu, cao hơn mức trung bình hàng ngày 8,72 tỷ cổ phiếu từ đầu năm tới nay.
Trên sàn New York, cứ 11 cổ phiếu giảm điểm thì có 4 cổ phiếu lên điểm, còn ở sàn Nasdaq, cứ 19 cổ phiếu giảm điểm thì có 7 cổ phiếu tăng điểm.
Thị trường mở phiên tăng nhẹ sau khi Bộ Thương mại Mỹ công bố lượng hàng tồn kho tháng 9 tăng 1,5%, cao gấp đôi so với dự báo. Đà tăng suy yếu vào cuối phiên, khi nhà đầu tư đẩy mạnh bán ra.
Phiên hôm qua, giảm sâu nhất là nhóm cổ phiếu tài chính và nguyên liệu thô. Trong đó cổ phiếu tài chính ngân hàng giảm 2,2% và nguyên liệu thô giảm 1,6%.
Đáng chú ý trong nhóm tài chính, cổ phiếu Bank of America giảm 2,7%, cổ phiếu Citigroup và Wells Fargo giảm hơn 3%. Chỉ số S&P 500 tài chính GSPF giảm tới 2,2%.
Theo giới phân tích, thị trường Mỹ đi xuống do những hoài nghi về khả năng thành công của gói kích thích kinh tế trị giá 600 tỷ USD của Cục Dự trữ Liên bang (FED) được công bố hồi tuần trước. Điều này khiến nhà đầu tư đổ xô mua vàng để tránh bão.
Đêm qua giá vàng tiếp tục tăng mạnh, trong phiên có lúc lên tới 1.424,30 USD/ounce. Giá bạc cũng tăng lên mức cao nhất trong 30 năm. Trên thị trường ngoại hối, chỉ số USD cũng hồi phục khá, khi tăng 1% so với rổ các tiền tệ khác.
Mối nghi ngờ về sự thành công của gói kích thích 600 tỷ USD cũng đẩy mạnh hoạt động chốt lời các thị trường châu Á, khiến các sàn chứng khoán trong khu vực có kết quả đan xen tăng giảm trong phiên 9/11.
Kết thúc ngày giao dịch, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,39%, Shanghai Composite của Trung Quốc hạ 0,78%, Hang Seng của Hồng Kông hạ 1,02%.
Ở chiều ngược lại, chỉ số Taiex của Đài Loan tăng 0,14%, Kospi của Hàn Quốc tăng 0,02%, Straits Times của Singapore tăng 0,4%. Chỉ số MSCI khu vực châu Á Thái Bình Dương giảm 0,2% xuống 134,98 điểm.
Trong khi đó, khu vực chứng khoán châu Âu rực sắc xanh. Chỉ số FTSE 100 của Anh tăng 25,23 điểm lên 5.875,19 điểm, DAX của Đức tăng 37,31 điểm lên 6.787,81 điểm, CAC 40 của Pháp tăng 32,01 điểm lên 3.945,71 điểm.