Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phòng, chống dịch Covid-19: Phải thể hiện rõ vai trò của báo chí

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù các cơ quan báo chí đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền nhằm góp phần quan trọng vào việc ứng phó với dịch Covid-19 nhưng vẫn xuất hiện những bài báo đưa thông tin sai lệch gây hoang mang dư luận, thậm chí là phục vụ mục đích câu view.

Báo chí làm tốt công tác chống dịch
Theo đánh giá mới đây của Tiểu ban Truyền thông (thuộc Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19), thời gian qua, với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, sự đồng hành với ý thức trách nhiệm cao của người dân trong việc hợp tác cùng chính quyền thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, Việt Nam đã kiểm soát tốt tình hình. Đặc biệt, các cơ quan báo chí đã thể hiện được rõ vai trò quan trọng của mình trong thời gian vừa qua.
Tình hình phòng, chống Covid-19 liên tục được các cơ quan báo chí cập nhật đầy đủ.

Cụ thể, các cơ quan báo chí đã chủ động tăng thời lượng, số lượng các tin, bài khuyến cáo, hướng dẫn người dân nhận thức đầy đủ nguy cơ và cách thức phòng ngừa dịch bệnh, cũng như nâng cao ý thức về việc tuân thủ các khuyến cáo, biện pháp của cơ quan chức năng nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh.
Việc cập nhật thường xuyên, liên tục, chính xác, đầy đủ của cơ quan báo chí về diễn biến tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng chống, ngăn chặn lây lan dịch bệnh từ nguồn chính thức của cơ quan cơ quan có thẩm quyền đã giúp ngăn chặn sự hoang mang, lo lắng cho xã hội trước nhiều nguồn tin giả, tin sai sự thật về Covid-19 đã và đang xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội.
Nhận định về vai trò truyền thông trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, với việc tích cực trong công tác tuyên truyền, phản ánh chính xác, trung thực tình hình của cơ quan báo chí đã góp phần quan trọng trong việc kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh tính đến thời điểm này của cả nước.
Người đứng đầu ngành TT&TT cũng khẳng định, nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan báo chí trong thời gian tới là tiếp tục giữ thế chủ động, tích cực phòng, chống dịch Covid-19 thành công, giảm thiểu tác động, ảnh hưởng, thiệt hại đến phát triển kinh tế của đất nước. Không dừng lại ở đó, các cơ quan báo chí cần sáng tạo, đa dạng hóa hình thức tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tới toàn dân, tạo sự tin tưởng, yên tâm trong toàn xã hội.
Vẫn còn những hạt sạn
Có thể khẳng định, tới thời điểm hiện tại, việc Việt Nam kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19 có vai trò rất lớn của các cơ quan báo chí dưới sự chỉ đạo nhất quán từ Chính phủ, Bộ TT&TT và Bộ Y tế. Tuy nhiên vẫn ít nhiều xuất hiện các thông tin câu view, sai sự thật hoặc thậm chí là gây hoang mang cho xã hội đến từ những tờ báo chính thống.
Những thông tin dạng trên đã bắt đầu xuất hiện ngay từ thời điểm đầu tiên dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam. Khi đó có tờ báo đã khẳng định virus Corona có thể lây lan trong không khí. Thông tin này đã tạo ra sự hoang mang lớn trong xã hội... Chỉ đến khi Bộ Y tế lên tiếng về việc nhiều cơ quan báo chí đã nhầm lẫn trong thuật ngữ chuyên môn, lúc đó sự lo lắng của người dân mới được bình ổn trở lại.
Hay mới đây, một tờ báo đã đăng tải việc tôm hùm Phú Yên rớt giá thảm hại chỉ còn 200.000/kg vì dịch Covid-19. Tuy nhiên, trên thực tế, các thương lái vẫn thu mua với giá 500.000 - 600.000/kg. Mặc dù về sau thông tin đã được cải chính nhưng chính việc sai lệch như vậy đã tạo thêm nhiều bất lợi cho người nuôi trồng bởi đó sẽ là cơ hội để thương lái ép giá xuống thấp hơn nữa, khiến tôm hùm tiêu thụ gặp khó khăn lớn.
Ngoài ra, cũng phải kể đến những bài báo đã tạo ra hoang mang lớn tại địa phương dạng như 20 giáo viên và học sinh ở Điện Biên nghi nghiễm Covid-19. Thậm chí có một số báo còn lợi dụng tình hình dịch bệnh nhằm đăng tải những tin tức nhảm nhí, chủ yếu có mục đích câu view như: Chống ngoại tình qua chiếc khẩu trang, quạ đen bay đầy trời Hàn Quốc...
Nói về tình trạng trên, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử Lưu Đình Phúc cho rằng, nhìn chung các cơ quan báo chí đã thực hiện tốt vai trò của mình trong việc tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19. Mặc dù vậy, một số báo đã đăng tải những bài viết có nội dung không phù hợp, thông tin không chính xác gây hiệu ứng không tốt trong xã hội.
Tại thời điểm toàn quốc đang cùng chung vai chống dịch, báo chí cần đưa tin một cách chính xác, trung thực có kiểm chứng từ cơ quan chức năng. Đặc biệt, không khai thác thông tin theo mạng xã hội nhằm tránh tạo hoang mang trong dư luận.
Cục trưởng Lưu Đình Phúc cũng lưu ý, việc đưa tin về người Việt ở Hàn Quốc và người Hàn ở Việt Nam có liên quan tới dịch bệnh cần hết sức cẩn trọng. Tránh đưa những thông tin sai lệch, tiêu cực có thể ảnh hướng tới quan hệ ngoại giao giữa 2 quốc gia.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân chống dịch Covid-19, báo chí cũng cần thực hiện đồng bộ công tác trợ giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, các ngành nghề hoạt động trở lại, qua đó đưa cuộc sống về lại bình thường như trước đây, ông Lưu Đình Phúc nói.