Phòng khám miễn phí 20 năm
Trong phòng khám nhỏ, chỉ rộng khoảng 20m2 , trang thiết bị vỏn vẹn gồm chiếc giường cá nhân, bộ bàn ghế và tủ thuốc nhỏ. Tuy vậy vào mỗi buổi sáng thứ 2, thứ 5 hàng tuần, phòng khám luôn đông đúc và tấp nập. Bởi đó cũng là thời gian mở cửa phòng khám và phát thuốc miễn phí của bác sĩ Trương Thị Hội Tố (sinh năm 1933), cùng với bác sĩ Lê Thanh Thước (sinh năm 1932) và y tá Lê Thị Sóc (1930).
Bác sĩ Trương Thị Hội Tố cho biết: “Bệnh nhân đến phòng khám đa phần là các cụ cao tuổi, những người đã nghỉ hưu và người nghèo trên địa bàn. Cơ sở vật chất của phòng khám còn đơn sơ, do đó chúng tôi mới chỉ dừng lại ở việc đo huyết áp, xét nghiệm tiểu đường, khám và chữa một số bệnh thông thường. Trường hợp bệnh nặng hoặc cần có thời gian chữa trị lâu dài, chúng tôi sẽ có những tư vấn và lời khuyên cụ thể để bệnh nhân đến khám và chữa tại những cơ sở, bệnh viện uy tín”.
Bác sĩ Lê Thanh Thước đang khám bệnh tại phòng khám miễn phí.
Đã 20 năm kể từ khi nguyên Hiệu phó trường Cao đẳng Y tế Nam Định Trương Thị Hội Tố cùng 5 người bạn đều là những cán bộ y tế nghỉ hưu mở phòng khám miễn phí ở phố Hòa Mã. Ý định mở phòng khám ra đời sau những tháng ngày bác sĩ Tố tham gia Hội chữ thập đỏ quận Hai Bà Trưng, đạp xe nhiều cây số đi khám bệnh lưu động miễn phí. Sau nhiều lần chuyển địa điểm, hiện phòng khám từ thiện nằm trên phố Kim Đồng. Trong số những người bạn cũ, có người đã khuất, người đã quá già yếu, bà tiếp tục vận động ông Lê Thanh Thước (bác sĩ bệnh viện Việt Đức và bệnh viện K đã nghỉ hưu) và bà Lê Thị Sóc (y tá bệnh viện Xanh Pôn) cùng tham gia.
Bên ngoài phòng khám có ghi lịch phân công khám nhưng bác sĩ Lê Thanh Thước giải thích: “Hồi đầu có phân công lịch nhưng người bệnh đến đây khá đông, khoảng trên dưới 20 bệnh nhân. Do đó, chúng tôi phải cùng có mặt để mọi người không phải chờ lâu và tránh tình trạng bệnh nhân không được khám”.
Vẫn cống hiến nếu còn sức khỏe
Để phòng khám hoạt động được, các bác sĩ đã tự nguyện góp lương hưu, tiền dành dụm, tiền con cháu biếu để mua sắm vật dụng khám chữa bệnh và mua thuốc phát miễn phí cho người nghèo. Hiện nay, tiếng lành đồn xa, phòng khám đã nhận được sự giúp đỡ của nhiều tổ chức, đoàn thể và cá nhân.
Bác sĩ Trương Thị Hội Tố ghi lại kết quả khám bệnh.
Bà Nguyễn Thị Thanh (71 tuổi – phường Giáp Bát) tâm sự: “Đã 1 năm nay, cứ đều đặn 1 tuần 2 buổi, tôi đều đến đây nhờ các bác sĩ đo huyết áp và thấy yên tâm hơn về sức khỏe. Các bác sĩ ở đây rất nhiệt tình, ai có nhu cầu khám hay xin thuốc đều được đáp ứng”. “Đến với phòng khám người bệnh không chỉ được khám chữa bệnh miễn phí mà còn được các bác sĩ hỏi han, quan tâm tận tình về cuộc sống, tạo nên không khí cởi mở, thân thiện”, bà Lê Thị Hảo (75 tuổi – phố Thịnh Liệt) cho biết.
Từng làm việc ở bệnh viện Việt Đức và bệnh viện K nên bác sĩ Thước hiểu được phần nào tâm lý của những bệnh nhân cao tuổi. Do vậy, ông rất ân cần thăm khám cho mọi người, sẵn sàng trả lời và tư vấn mọi thắc mắc liên quan đến sức khỏe cũng như cuộc sống.
Ông chia sẻ: “Dù ngày nắng hay mưa nhưng đến lịch mở cửa phòng khám, chúng tôi vẫn có mặt, bởi biết chắc phòng khám vẫn có bệnh nhân. Chúng tôi còn sức khỏe thì phòng khám vẫn còn mở cửa”. “Nỗi niềm trăn trở của các bác sĩ ở đây là tuổi đã cao, không biết còn có thể duy trì phòng khám được bao lâu nữa. Nếu không tìm được thế hệ bác sĩ trẻ khác, không biết số phận phòng khám sẽ ra sao”, bà Lê Thị Sóc băn khoăn.
Tuy tuổi đã cao, những “tấm lòng vàng” đó vẫn hàng ngày miệt mài đọc tài liệu y học để cập nhật những kiến thức mới, các loại thuốc mới để tư vấn cho bệnh nhân, vẫn đi quyên góp tiền gây quỹ hỗ trợ những gia đình nghèo khó, hoàn cảnh..."Còn sức, chúng tôi vẫn tiếp tục làm việc thiện, vì đó là tâm nguyện của chúng tôi”, bà Tố tâm sự.
Hình ảnh những mái đầu bạc trắng, giọng nói ôn tồn, nhỏ nhẹ chu đáo khám và giải thích bệnh tình cho từng người bệnh để lại những ấn tượng sâu đậm cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và những nhà hảo tâm tới thăm phòng khám.