Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phòng ngừa bệnh dễ mắc cho trẻ vào mùa hè

Anh Đào (tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vào mùa hè, độ ẩm không khí khá cao tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, siêu vi,... bùng phát. Trẻ em dễ mắc bệnh nếu bố mẹ không biết cách phòng ngừa đúng cách.

Vì sao trẻ dễ bị bệnh vào mùa hè, ngày nắng nóng?

Phòng ngừa bệnh dễ mắc cho trẻ vào mùa hè - Ảnh 1

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet

Đầu tiên, chúng ta có thể thấy là do thời tiết nóng bức của mùa hè nên trẻ có thể mắc nhiều bệnh khác nhau thậm chí bé còn có thể bị nhiều lần cùng một bệnh trong cả mùa hè nếu như bố mẹ không biết cách chăm sóc cho bé.

Bên cạnh đó, vào mùa hè hay những ngày nắng nóng thì độ ẩm không khí khá cao tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, siêu vi,… bùng phát. Trẻ em trở thành đối tượng dễ mắc bệnh vì sức đề kháng còn yếu kém.

Bệnh trẻ dễ mắc trong mùa nóng

Tiêu chảy cấp

Nhiệt độ và độ ẩm cao tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn, nấm phát triển nên thức ăn bị hư hỏng nhanh. Ruồi, muỗi, chuột, gián, kiến... sinh sôi nảy nở, làm lây lan các mầm bệnh đường tiêu hóa qua thực phẩm và nước uống, gây tiêu chảy.

Tiêu chảy cấp chủ yếu xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi. Lúc này, việc quan trọng nhất là đánh giá mức độ trẻ bị mất nước và bù nước điện giải bằng cách uống dung dịch oresol. Chỉ truyền dịch khi trẻ mất nước nặng, nôn nhiều, không thể uống được hoặc đi ngoài rất nhiều không thể bù kịp bằng đường uống. Dùng kháng sinh và men tiêu hóa vi sinh phải theo chỉ định của bác sĩ, không được tự ý dùng thuốc trị tiêu chảy.

Trẻ có một trong các dấu hiệu sốt cao liên tục, co giật, nôn nhiều, không ăn uống được, chướng bụng, phân có máu, cần đưa vào viện khám. Khi đó tiêu chảy có thể là biểu hiện của một bệnh khác nặng hơn.

Bệnh đường hô hấp

Trẻ dưới 5 tuổi viêm đường hô hấp thường do nhiễm virus hoặc vi khuẩn, dị ứng với thời tiết hoặc các loại dị nguyên khác có trong không khí, bụi. Bệnh xảy ra khi có yếu tố thuận lợi như nóng lạnh bất thường; uống nước quá lạnh hoặc nước đá, kem. Biểu hiện là sốt cao, hắt hơi, sổ mũi, chảy mũi, ngạt mũi, đau rát họng, ho, khàn tiếng hoặc có khi mất tiếng, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ khớp.

Trẻ ho, sổ mũi, nghẹt mũi, nên vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý. Nếu ho khan gây kích thích nhiều, cho trẻ dùng thuốc giảm ho chứa thảo dược vì ít tác dụng phụ và nên tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi dùng.

Nếu trẻ sốt, cho uống thuốc hạ sốt và uống nhiều nước, sau đó đưa đi khám. Tiếp tục cho trẻ ăn, bú như bình thường, chia nhỏ các cữ ăn trong ngày giúp tăng khả năng tiêu hóa.

Trẻ bị khó thở, thở nhanh, co rút lồng ngực, thở có tiếng bất thường hoặc bị sốt cao co giật, bỏ bú, bỏ ăn hoặc tím tái là trường hợp nặng, cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất.

Tay chân miệng

Đây là bệnh do Enterovirus (EV71) và Coxcakieruses gây nên. Bệnh lây chủ yếu theo đường tiêu hóa, từ người sang người, nguy cơ lây bệnh tăng cao trong môi trường tập thể.

Trẻ sốt nhẹ, đau họng, đau miệng, chảy nước miếng và biếng ăn. Trẻ nhỏ thường đau khóc, bỏ bú, miệng có những vết loét đỏ như lở miệng, xuất hiện nhiều ở vòm miệng, môi trong, lợi, lưỡi. Tiếp theo, trẻ xuất hiện những vết phát ban dạng phỏng nước, hoặc vết nổi cộm trên da lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông.

Bệnh có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Cần đưa trẻ đi khám ngay nếu có một trong các dấu hiệu sau: Sốt cao liên tục trên 39 độ C, đáp ứng kém với thuốc hạ sốt; giật mình, rùng mình lúc thức, giật mình nhiều lúc ngủ (hơn hai lần trong 30 phút), ngủ gà, li bì; nôn nhiều, đi loạng choạng; vã mồ hôi, chân tay lạnh, nổi vân tím; khó thở, thở nhanh.

Thủy đậu

Bệnh thủy đậu do siêu vi Varicella zoster gây ra. Biểu hiện chính là các tổn thương dạng bóng nước trên da và niêm mạc. Khi siêu vi xâm nhập cơ thể, khoảng 10-20 ngày (gọi là thời kỳ ủ bệnh) mới xuất hiện các triệu chứng sốt, đau đầu, uể oải, chán ăn.

Lúc này, trên da người bệnh có thể xuất hiện những hồng ban đường kính vài mm, sau 1-2 ngày mới xuất hiện nốt như hạt đậu. Đa số nốt đậu đường kính dưới 5 mm, có khi tới 10 mm. Nốt nổi nhiều là dấu hiệu cảnh báo bệnh có thể diễn tiến nặng. Mụn bóng nước lúc đầu chứa một chất dịch trong, khoảng một ngày sau trở nên đục như mủ, 2-3 ngày kế tiếp thì vỡ ra, các mụn sẽ đóng vảy.

Nên cách ly trẻ ở nhà trong giai đoạn mắc bệnh và điều trị để tránh lây lan. Không để trẻ gãi làm vỡ bọng nước và gây viêm nhiễm trên da; cắt móng tay, móng chân và vệ sinh tay chân, thân thể sạch sẽ. Cho trẻ ăn thức ăn mềm, lỏng, chia thành nhiều bữa, giàu dinh dưỡng; uống đủ nước, sữa, nước trái cây để cung cấp đủ khoáng chất, vitamin. Mặc quần áo mềm, thoáng để tránh cọ sát vào các nốt phỏng.

Tắm nước ấm, sử dụng một số loại kem dưỡng được bác sĩ khuyến cáo để giảm ngứa, giảm khó chịu cho trẻ. Nếu bệnh không thuyên giảm, trẻ mệt mỏi, có các triệu chứng bất thường, đưa đi khám ngay.

Sốt xuất huyết

Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue. Muỗi vằn là nguyên nhân lây lan bệnh, truyền virus Dengue từ người bệnh sang người khỏe mạnh. Bệnh nhẹ, bệnh nhân sốt cao, phát ban, đau cơ và khớp, rối loạn đông máu, suy đa tạng. Sốt xuất huyết có thể tiến triển nặng nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, nguy hiểm tính mạng.

Khi nghi ngờ trẻ em có dấu hiệu sốt xuất huyết, cần đưa đến bệnh viện khám và chẩn đoán. Trẻ sốt trên 38,5 độ C, cho uống thuốc hạ sốt paracetamol. Không được dùng aspirin hay ibuprofen, vì có thể dẫn đến xuất huyết, toan máu.

Khuyến khích bé uống nhiều nước (nước sôi để nguội), oresol (nước điện giải), nước trái cây (nước dừa, cam, chanh) hoặc cháo loãng pha với muối, để bổ sung chất điện giải. Ăn uống trong ngày nên chia làm nhiều bữa nhỏ, thức ăn loãng, dễ tiêu.

Không nên dùng thực phẩm và nước uống có màu sẫm để tránh trường hợp bị nhầm lẫn với xuất huyết tiêu hóa. Cho trẻ nghỉ ngơi tại nhà, hạn chế vận động thời gian bị sốt xuất huyết.

Dấu hiệu chuyển nặng là vật vã, lừ đừ, đau bụng ngày càng nặng; da xung huyết nhưng tứ chi lạnh; nôn ói đột ngột, liên tục, xuất huyết tiêu hóa đột ngột; đưa trẻ đến bệnh viện ngay.

Một số biện pháp phòng ngừa bệnh cho trẻ vào mùa hè, ngày nắng nóng

Tạo thói quen vệ sinh cá nhân tốt

Xây dựng thói quen rửa tay sạch sẽ, đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và chơi đùa. Điều này giúp trẻ loại bỏ hiệu quả những tác nhân gây bệnh nguy hiểm từ chính đôi bàn tay của mình.

Ăn uống hợp vệ sinh

Bạn nên vệ sinh trong cách chế biến và bảo quản thức ăn cho bé. Đồ ăn của bé không nên hâm lại nhiều lần, nếu bé ăn thừa thì nên đổ bỏ.

Bạn phải tuân thủ chặt chẽ theo quy định an toàn vệ sinh thực phẩm của bộ Y tế, nhằm loại trừ tối đa các tác nhân gây bệnh ở đường tiêu hóa có thể gây hại cho sức khỏe của trẻ.

Tạo môi trường sống trong lành và an toàn

Luôn giữ môi trường xung quanh trẻ thông thoáng, trong lành như: phát quang môi trường, loại bỏ những nơi nước đọng nhằm ngăn chặn sự phát triển của muỗi vằn là trung gian truyền bệnh sốt xuất huyết, giúp hạn chế sự lây nhiễm của các bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm.

Ngoài ra, phụ huynh nên tạo thói quen khi ngủ mắc màn, tham gia phong trào diệt lăng quăng,…

Tăng cường lượng dịch uống

Thường xuyên cung cấp nước cho trẻ, đặc biệt là những loại nước uống giàu khoáng chất và nhiều vitamin như các loại nước ép trái cây, nước cam tươi, nước dừa tươi, nước sôi nguội,… giúp cơ thể trẻ luôn luôn mát mẻ và tăng cường sức khỏe để chống chọi với bệnh tật.

Tiêm ngừa đầy đủ

Phòng ngừa bệnh dễ mắc cho trẻ vào mùa hè - Ảnh 2

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet

Những loại bệnh lý nguy hiểm phù hợp với lứa tuổi của trẻ bằng các loại vắc xin sẵn có, giúp trẻ được bảo vệ tốt nhất trong suốt mùa nắng nóng này.