Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phòng ngừa biến chứng bàn chân do đái tháo đường

BS Nguyễn Hữu Hạnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đái tháo đường (ĐTĐ) có những biến chứng nguy hiểm như đục thủy tinh thể, xơ vữa động mạch, cao huyết áp, nhồi máu cơ tim… Tuy nhiên, một loại biến chứng ĐTĐ cũng rất nguy hiểm nhưng lại ít được người bệnh quan tâm là những tổn thương bàn chân do ĐTĐ, nếu không được điều trị kịp, người bệnh có nguy cơ phải đoạn chi và thậm chí có thể bị đe dọa tính mạng.

Bệnh khá phổ biến

TS BS Trần Quang Nam - Trưởng khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh cho biết, biến chứng loét chân do ĐTĐ là một biến chứng khá phổ biến và là một trong những nguyên nhân nhập viện hàng đầu của người bị ĐTĐ. Ước tính hàng năm có khoảng 1 - 4% số người bệnh ĐTĐ bị loét chân và 10 - 15% người bệnh ĐTĐ có ít nhất 1 lần loét chân trong đời từ khi được chẩn đoán mắc bệnh. Loét chân do ĐTĐ là nguyên nhân hàng đầu gây cắt cụt chi không do chấn thương ở người bệnh ĐTĐ. Các yếu tố làm gia tăng nguy cơ loét chân và cắt cụt chi ở người bệnh ĐTĐ bao gồm: Thời gian mắc bệnh kéo dài trên 10 năm, đường huyết không được kiểm soát tốt và có nhiều biến chứng kèm theo như biến chứng thần kinh, mạch máu ngoại biên và biến dạng bàn chân.
 Khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn. Ảnh: Phạm Hùng
BS Chuyên khoa 1 Nguyễn Thành Thuận - Khoa Nội tổng hợp cho biết: “Việc điều trị bàn chân ĐTĐ hiện nay gặp rất nhiều khó khăn do nhận thức chưa đúng đắn về mức độ nguy hiểm của bệnh. Đa số người bệnh chỉ đến khám khi bàn chân đã nhiễm trùng nặng hoặc hoại tử lan rộng, khi đó việc cứu bàn chân trở nên vô cùng khó khăn. Hơn thế nữa việc điều trị bàn chân ĐTĐ khá phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp đồng thời nhiều chuyên khoa như: nội tiết, chấn thương chỉnh hình, can thiệp mạch máu, tạo hình thẫm mỹ, vật lý trị liệu và phục hồi chức năng…”.

Vừa qua, BV Đại học Y Dược đã triển khai liệu trình điều trị phối hợp liên chuyên khoa đối với bàn chân ĐTĐ. Đây là phương thức điều trị đã được nghiên cứu trên thế giới cho thấy làm giảm tỷ lệ phải đoạn chi tới trên 50%. Sự phối hợp toàn diện, chặt chẽ và liên tục của các chuyên khoa trong phương pháp điều trị loét chân do ĐTĐ, cùng những tiến bộ y học đã giúp tỷ lệ cứu sống chi cao gấp 3 lần so với trước đây.

Những ca bệnh điển hình

Bác N.T.K, 70 tuổi, bị ĐTĐ típ 2 đã 20 năm. Người bệnh đã từng cắt cụt các ngón chân trái do nhiễm trùng. Tuy nhiên kể từ đó, bác K. không tái khám và theo dõi bàn chân thường xuyên. Một năm sau, khi thấy đầu ngón chân mình bị thay đổi màu sắc, chuyển dần sang màu đen, do không có cảm giác đau hay khó chịu nên bác không quan tâm và không để ý nữa, cho đến khi vùng hoại tử đen ngày càng lan rộng, loét và nhiễm trùng, người nhà mới đưa bác đến bệnh viện địa phương trong tình trạng hoại tử nhiễm trùng ngón 4, ngón 5 bàn chân trái và được chỉ định cắt cụt chi lần hai. Tuy nhiên, sau phẫu thuật, vết thương vẫn không lành và tình trạng hoại tử chân tiếp tục lan rộng. Người bệnh được chuyển lên điều trị tại bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh. Sau khi các chuyên gia nội tiết, mạch máu, chấn thương chỉnh hình… hội chẩn và đánh giá, bác K. được chỉ định điều trị bằng việc can thiệp tái thông mạch máu nuôi bàn chân, cắt lọc các mô hoại tử, chăm sóc tích cực vết thương, ổn định nội khoa, kiểm soát đường huyết thật tốt. Sau 6 tuần chăm sóc tích cực và theo dõi, vết thương của bác K. đã lành.

Cô N.H.L. (54 tuổi) bị ĐTĐ nhiều năm nhưng không được kiểm soát tốt. Một tuần trước nhập viện, cô thấy bàn chân ngứa, sưng tấy, nóng đỏ, đau và nổi nhiều bóng nước, nhưng vẫn không đi khám bệnh mà tự mua thuốc uống. Đến khi sốt cao lạnh run, nhiễm trùng ở chân lan rộng nhiều. Sau khi thăm khám, các bác sĩ đánh giá đây là tình trạng nhiễm trùng nặng, tụ dịch ở bàn chân và lan rộng hết cẳng chân bên trái, khả năng cắt cụt chi cao và tình trạng nhiễm trùng huyết có thể đe dọa tính mạng của người bệnh. Các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật cắt lọc vết thương, dẫn lưu mủ, cố gắng bảo tồn chân cho người bệnh. Sau 3 tháng điều trị nội khoa và chăm sóc vết thương tích cực, cuối cùng cô L. cũng đã lành vết thương hoàn toàn và giữ được bàn chân của mình.

TS BS.Trần Quang Nam khuyến cáo các biến chứng của ĐTĐ nói chung và biến chứng bàn chân nói riêng tuy rất nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu người bệnh kiểm soát tốt chỉ số đường huyết, có chế độ theo dõi, thăm khám sức khỏe định kỳ và không nên bỏ qua bất kỳ dấu hiệu bất thường nào trên cơ thể.