Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phong tặng danh hiệu nghệ nhân lần III: Hy vọng không bỏ sót nhân tài

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết ở Hà Nội, nghệ nhân làm thuyền buồm đi ngược gió Lê Đức Chắn ở Quảng Ninh… thêm một lần có tên trong danh sách đề xuất công nhận Nghệ nhân Nhân dân năm 2021. Công chúng mong mỏi những nhân tài này sẽ đón nhận tin vui vào cuối năm nay thay vì trượt danh hiệu chỉ vì những quy định cứng nhắc của số phiếu như năm 2019.

Đệ nhất ẩm thực Hà thành vui mừng vì đã có tên
Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ vừa đăng tải công khai danh sách lấy ý kiến Nhân dân trước khi trình Hội đồng cấp Nhà nước đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân (NNND), Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Theo danh sách này có 31 tỉnh, TP (gồm An Giang, Bắc Giang, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Bình Định, Bình Thuận, Cần Thơ, Đắk Lắk, Đắk Nông, Điện Biên, Hà Giang,….) có nghệ nhân được đề nghị xét tặng. Điều đặc biệt dễ nhận thấy là trong danh sách Hội đồng cấp Bộ trình Hội đồng cấp Nhà nước có 2 nghệ nhân đã từng có tên ở lần xét tặng năm 2019 là nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết ở Hà Nội và nghệ nhân làm thuyền buồm đi ngược gió Lê Đức Chắn ở Quảng Ninh.
Nghệ nhân ẩm thực Ánh Tuyết
Còn nhớ, năm 2019 nghệ nhân Ánh Tuyết và nghệ nhân Lê Đức Chắn đều trượt danh hiệu NNND vì không đủ 90% số phiếu của hội đồng bầu chọn theo quy định của Nghị định xét tặng có hiệu lực thời điểm đó. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa đã bày tỏ sự tiếc nuối với kết quả này. Trước tình huống này, TS Trần Hữu Sơn - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa dân gian ứng dụng cho rằng việc trượt là rất đáng tiếc, chứng tỏ sự vô tình của thủ tục hành chính. Theo Nghị định 62/2014/NĐ quy định phải đạt 90% số phiếu của hội đồng (chỉ 2/13 người không đồng ý là trượt) là làm khó nghệ nhân. Trong khi theo đánh giá của phần đông người trong ngành, nghệ nhân Ánh Tuyết mang các danh hiệu: Trứ danh ẩm thực đất Hà thành hay đệ nhất ẩm thực Hà Thành, là người gìn giữ tinh hoa ẩm thực Hà Thành, nắm giữ những bí quyết nghề nghiệp của nhiều làng nghề nổi tiếng. Nghệ nhân Ánh Tuyết đã từng phục vụ nhiều sự kiện ngoại giao cấp cao. Cho tới nay, bà đã dạy nấu ăn cho hơn vạn khách nước ngoài, trong đó có nhiều đại sứ và phu nhân. Bà cũng giữ nhiều món Hà Nội tưởng chừng như đã thất truyền như xôi dị, bánh cốm mốc.
Nghệ nhân làm thuyền buồm đi ngược gió Lê Đức Chắn

Còn nghệ nhân làm thuyền buồm đi ngược gió của Quảng Ninh là ông Lê Đức Chắn giữ bí quyết này đáng kể trong tiến trình hàng hải Việt Nam. Bảo tàng Quảng Ninh, Bảo tàng Dân tộc học đều mời ông cộng tác và làm mô hình. Nhưng rồi hồ sơ xét tặng của 2 nghệ nhân đều phải xếp lại vào năm 2019 Hội đồng cấp Bộ. Năm 2021, Quảng Ninh và Hà Nội tiếp tục đề xuất công nhận danh hiệu NNND cho các nghệ nhân này không chỉ vì quy định xét tặng đã cởi mở hơn, mà thật sự họ xứng đáng. “Tôi rất mừng vì mình lại có tên trong danh sách đề nghị xét tặng lần này” – NNƯT Ánh Tuyết bày tỏ.
Danh hiệu để phân biệt sự sáng tạo
Theo quy định có hiệu lực trong đợt xét tặng năm 2021, tỷ lệ bỏ phiếu đồng thuận cần đạt 80% số phiếu là hồ sơ sẽ đủ tiêu chuẩn xét tặng. Tại danh sách hội đồng cấp Bộ trình Hội đồng cấp Nhà nước lần àny TP Hà Nội có 11 hồ sơ xét tặng danh hiệu NNND gồm các NNƯT: Bùi Thế Kiên, Nguyễn Thị Tam (Nguyễn Thị Minh Tam), Phan Thị Dung (Phan Thị Kim Dung), Nguyễn Thị Lan, Bùi Quốc Thi, Ngô Văn Đảm, Nguyễn Hữu Kiêm thuộc loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian; loại hình tập quán xã hội và tín ngưỡng gồm NNƯT Lưu Ngọc Đức, lĩnh vực tri thức dân gian thuộc về NNƯT Chu Tiến Công, Nguyễn Văn Thành và Phạm Thị Tuyết (Ánh Tuyết). Cùng với đó TP Hà Nội cũng có 60 hồ sơ do Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ trình Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng danh hiệu NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể cho các nghệ nhân tiêu biểu như ông Nguyễn Văn Mạnh, bà Nguyễn Thị Kim Thanh, ông Nguyễn Văn Định lần lượt thuộc về các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, tri thức dân gian. Trong lần đề xuất lần này, rất nhiều nghệ nhân trẻ trong lĩnh vực ca trù có tên trong danh sách. Theo nghệ nhân Ánh Tuyết, việc được đề xuất công nhận hay công nhận là ghi nhận sự cống hiến cho nghề qua năm tháng của các nghệ nhân. “Phần lớn các nghệ nhân cũng như tôi, khi làm nghề đều không suy tính cống hiến để được công nhận, nhưng rõ ràng danh hiệu cũng để phân biệt sự sáng tạo của người này với người khác ở các mức độ khác nhau” – NNƯT Ánh Tuyết bày tỏ.
Thực hiện quy định tại điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định số 62/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu NNND, NNƯT trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, Bộ VHTT&DL đăng tải danh sách lấy ý kiến Nhân dân từ ngày 7 đến hết ngày 27/7 trước khi Hội đồng cấp Nhà nước tổ chức phiên họp theo quy định. Đây là đợt xét danh hiệu NNND, NNƯT ở lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần III. Lễ trao tặng danh hiệu NNND, NNƯT dự kiến diễn vào tháng 9/2021.