Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phong trào thi đua “Người tốt việc tốt” tại Hà Nội: Phát triển ngày càng sâu và rộng

Trần Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Qua 26 năm tuyên dương "Người tốt, việc tốt", gần 10 năm trao tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú”, những phong trào thi đua này đã thực sự trở thành “thương hiệu” nổi bật của Thủ đô.

 Trưởng ban TĐKT TP Hà Nội Nguyễn Công Bằng
Và những người làm công tác thi đua khen thưởng (TĐKT) của TP cũng luôn có những cách làm đổi mới, sáng tạo để phát triển phong trào ngày càng sâu và rộng hơn. Đó là nhận định của Trưởng ban TĐKT TP Hà Nội Nguyễn Công Bằng khi trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị quanh vấn đề này. 
Hôm nay, ngày 9/10, đúng vào dịp kỷ niệm 64 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, TP Hà Nội tổ chức biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt (ĐHTT, NTVT), vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” năm 2018. Thưa ông, phong trào NTVT cũng như việc xét tặng "Công dân Thủ đô ưu tú" năm nay có những điểm nổi bật nào?

- Trước hết, năm nay, các phong trào thi đua của TP, đặc biệt phong trào NTVT đã cụ thể hóa hơn, đi sâu vào cuộc sống, thể hiện ở 3 điểm rất rõ. Thứ nhất, năm 2018, TP đã sửa đổi quy chế tuyên dương, khen thưởng NTVT, tập trung vào cá nhân có những đóng góp, nghĩa cử ngoài chức trách nhiệm vụ. Thông qua ban hành quy chế này, tiêu chuẩn, tiêu chí, quy trình xét NTVT rõ ràng hơn. Chính vì vậy, số lượng NTVT được khen thưởng năm 2018 nhiều hơn, đối tượng được khen thưởng rất đặc thù, tập trung chủ yếu là người lao động trực tiếp, trên các lĩnh vực đời sống xã hội.
Thứ hai, trong công tác tổ chức thực hiện, TP tiếp tục đẩy mạnh các cuộc thi viết về gương ĐHTT, NTVT. Cuộc thi năm 2018 đã thu được 2.309 bài viết và tác phẩm báo chí (tăng 128% so với năm 2017), qua đó, nhiều gương NTVT đã được phát hiện. Đây cũng thể hiện rõ nét phong trào NTVT đã đi vào cuộc sống. Cuộc thi đã trở thành cánh tay nối dài của những người làm công tác TĐKT, bởi đã thu hút rất nhiều người dân tham gia, tuyên truyền, phát hiện gương ĐHTT; thông qua bài viết, giới thiệu để các cấp trong thẩm quyền xem xét khen thưởng. Theo tôi, đó là một cách để xã hội hóa công tác TĐKT.
 
Thứ ba, TP cũng tiếp tục đẩy mạnh việc phát hiện ĐHTT, NVTV và trao trực tiếp tại các đơn vị. Nhiều gương NTVT qua báo đài, qua phát hiện của các cơ sở, cơ quan thường trực là Ban TĐKT TP đã trực tiếp được sự ủy quyền của lãnh đạo TP đến tận nơi công tác, làm việc, lao động, sản xuất… để trao thưởng, tạo sức tuyên truyền, lan tỏa rất lớn.

Từ những điểm đổi mới này, có thể nói chất lượng của phong trào NTTV thời gian qua ngày càng hiệu quả hơn, nâng lên một tầm cao mới.

Về việc tổ chức Hội nghị tuyên dương cấp TP, năm nay, Hà Nội cũng có những nét đổi mới, tiến hành hội nghị với tinh thần cải cách "3 trong 1": Biểu dương NTVT; các DN, doanh nhân tiêu biểu và các vận động viên, huấn luyện viên đạt thành tích cao tại Đại hội Thể thao châu Á năm 2018 (ASIAD 18); vinh danh "Công dân Thủ đô ưu tú". Dự kiến, có khoảng 1.200 đại biểu tham dự, trong đó có hơn 700 gương ĐHTT, NTVT; gần 300 DN, doanh nhân tiêu biểu cùng 38 vận động viên, huấn luyện viên đạt thành tích cao tại ASIAD 18.

Riêng việc xét tặng danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm nay cũng như các năm trước, theo quy định xét tặng 10 gương mặt trên các lĩnh vực, là những người lao động trực tiếp tham gia lao động, sản xuất tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP. Đặc biệt, sau 9 năm thực hiện, đầu năm 2018, TP cũng ban hành quy chế mới, với quy trình xét tặng chặt chẽ hơn về mặt tiêu chuẩn và quy trình. Trong những năm qua, TP cũng chưa có bất cứ đơn thư, khiếu nại nào về việc xét tặng danh hiệu này.

Với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng TĐKT TP, thời gian qua, Ban TĐKT TP đã có những đề xuất, cách làm mới nào trong tổ chức xét chọn cũng như biểu dương ĐHTT, để phong trào thực sự lan tỏa, thưa ông?

- Để nâng cao việc xét chọn các danh hiệu TĐKT nói chung, đặc biệt xét NTVT, Công dân Thủ đô ưu tú nói riêng, Ban TĐKT liên tục có những nghiên cứu đề xuất với TP để ban hành những cơ chế, chính sách, đặc biệt đẩy mạnh các phong trào thi đua gắn với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của TP, qua đó, phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng các ĐHTT. Đặc biệt, TP đã có những đổi mới, thiết thực hơn trong việc đồng hành cùng các sở, ngành, quận, huyện, gắn các phong trào thi đua theo chuyên đề, xây dựng các tiêu chí ban hành ngay từ khi phát động.

Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm, Ban TĐKT đã tham mưu với TP, chỉ đạo các cấp, ngành, đặc biệt là các quận, huyện thành lập các tổ chuyên đề để kịp thời phát hiện những gương ĐHTT, khen thưởng theo cấp có thẩm quyền và đề xuất TP xem xét, trình cấp Nhà nước khen thưởng cao hơn.

Thực tế thời gian qua cũng cho thấy, hoạt động của tổ công tác tại Ban TĐKT TP rất hiệu quả trong việc phát hiện, khen thưởng gương ĐHTT. Vậy theo ông, có nên nhân rộng mô hình này ra các địa phương?

- Theo kế hoạch ban đầu, thành lập tổ công tác ở cấp TP nhưng TP giao cho Ban TĐKT thành lập ở Ban, từ đó, tổ công tác được thành lập do đồng chí Trưởng ban làm Tổ trưởng. Qua hoạt động, thấy mô hình tổ công tác là cần thiết nhân rộng, Ban cũng đã tham mưu Chủ tịch UBND TP có văn bản chỉ đạo các ngành thành lập tổ công tác. Đến nay, trên 30 quận, huyện, thị xã, sở, ngành đã thành lập tổ công tác, trong đó, có 6 sở quản lý Nhà nước ở các lĩnh vực (nông nghiệp, công thương, giáo dục, lao động…) cũng đã thành lập các tổ công tác, để qua đó, kịp thời phát hiện, tuyên truyền về những gương ĐHTT, NTVT.

Việc thành lập các tổ công tác đã mang lại hiệu quả cao trong việc thực hiện Chỉ thị 39 của Bộ Chính trị về việc cần phải nâng cao chất lượng các phong trào TĐKT. Đây là một sáng kiến trong ngành với hình thức cụ thể, bằng những con người, việc làm cụ thể để thực hiện nhiệm vụ công tác TĐKT sâu rộng hơn.

Xin trân trọng cảm ơn ông!