Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phong trào thi đua trong doanh nghiệp nhỏ và vừa: Khen công khai, thưởng xứng đáng

Ths Nguyễn Công Bằng - Ban Thi đua, Khen thưởng TP Hà Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong cộng đồng DN Việt Nam, DN nhỏ và vừa (DNNVV) là loại hình DN chiếm đa số và chủ yếu trong nền kinh tế.

Theo đó, loại hình DN này đóng vai trò quan trọng, nhất là tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, giúp huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển, xóa đói giảm nghèo… Theo thống kê, DNNVV sử dụng tới 51% lao động xã hội và đóng góp hơn 40% GDP cho đất nước.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung trao cờ thi đua và Bằng khen của TP cho các doanh nghiệp có thành tích tại Đêm Doanh nghiệp 2016. Ảnh: Thanh Hải

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành đã quan tâm ban hành nhiều chính sách tạo điều kiện để các DN thực hiện tốt phong trào thi đua, công tác khen thưởng. Nhiều DN đã thực sự coi công tác thi đua, khen thưởng như một giải pháp trong quản lý, qua đó góp phần động viên người lao động thực hiện tốt nhiệm vụ sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, hiện nay còn không ít DN nhận thức chưa đầy đủ về ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng. Vì vậy, công tác thi đua, khen thưởng trong DNNVV chưa tương xứng với vị trí của DN trong công cuộc phát triển đất nước. Trước thực trạng đó cần đổi mới nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng nhằm phát huy sáng tạo của người lao động để xây dựng DN phát triển bền vững đóng góp chung cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Để nâng cao hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng trong DNNVV cần tập trung một số nội dung sau:

Một là: Tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật và các văn bản quy phạm pháp luật về công tác thi đua, khen thưởng đối với DN.

Về lâu dài, để công tác thi đua, khen thưởng trong các DNNVV phát huy hiệu quả, thực chất, việc sửa đổi Luật và cụ thể hóa Luật bằng các văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành, địa phương là cần thiết để tạo tiền đề để DN thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng.

Hai là: Đẩy mạnh các hoạt động giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác thi đua - khen thưởng trong DN.

Tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người đứng đầu DN, cán bộ, người lao động về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng. Chú trọng tuyên truyền, quán triệt Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị; giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng; đẩy mạnh tuyên truyền phong trào thi đua yêu nước gắn với đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Căn cứ trình độ người lao động trong DN, đặc thù hoạt động của DN, quy mô DN có các hình thức tuyên truyền phù hợp đảm bảo việc tuyên truyền được thường xuyên, liên tục, hiệu quả.

Ba là: Đổi mới nội dung, hình thức, phương thức tổ chức các phong trào thi đua; nâng cao chất lượng khen thưởng.

Phong trào thi đua phát động phải có nội dung, tiêu chí cụ thể. Quá trình tổ chức phong trào thi đua phải có sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội trong DN. Tập trung đẩy mạnh việc triển khai các phong trào thi đua theo chuyên đề, theo đợt gắn với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của DN; thực hiện tốt các phong trào thi đua do địa phương nơi DN đóng trên địa bàn. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát. Kịp thời giải quyết việc khiếu nại tố cáo liên quan đến công tác thi đua, khen thưởng trong DN.

Xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí cụ thể trong thực hiện các phong trào thi đua, công tác khen thưởng làm căn cứ để bình xét khen thưởng đảm bảo công khai, công bằng, kịp thời, quan tâm khen thưởng thành tích đột xuất, khen chuyên đề, khen thưởng sáng kiến, sáng tạo, khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân. Coi đây là biện pháp đột phá trong nâng cao chất lượng khen thưởng. Chú trọng việc khen thưởng động viên bằng vật chất và tinh thần, thưởng xứng đáng với công trạng đạt được của tập thể, cá nhân.

Bốn là: Tập trung thực hiện tốt công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng các điển hình tiên tiến.

Triển khai đồng bộ cả 4 khâu: Phát hiện; bồi dưỡng; tổng kết và nhân điển hình tiên tiến: Xác định rõ đối tượng, xây dựng tiêu chí điển hình trong từng ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh; Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các tiêu chí, nội dung thi đua, qua đó kịp thời phát hiện điển hình; trên cơ sở các mô hình, gương điển hình tiên tiến đã phát hiện để lựa chọn, tiến hành xây dựng kế hoạch bồi dưỡng; Kịp thời tổng kết mô hình, điển hình, khen thưởng thành tích xuất sắc, đột xuất đối với các điển hình tiên tiến; Phát động các phong trào thi đua học tập, làm theo gương điển hình tại DN.

Năm là: Kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác thi đua, khen thưởng theo hướng chuyên nghiệp, có năng lực, trình độ phù hợp; có khả năng tổng hợp, xử lý thông tin nhanh, có tính ổn định. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy Đảng, các tổ chức chính trị, xã hội, người đứng đầu DN. Tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa tiêu cực trong công tác thi đua, khen thưởng, tránh tình trạng khen thưởng tràn lan, không thực chất.