KTĐT - Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) ngày 7/5 cho biết nồng độ phóng xạ trong tòa nhà chứa lò phản ứng số 1 của nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 đã giảm thấp xuống mức nhân viên có thể vào tác nghiệp nếu đeo mặt nạ phòng độc.
TEPCO sẽ tiếp tục cho tuần hoàn khí để khử chất phóng xạ và đưa nhân viên vào đo mức phóng xạ trong tòa nhà chứa lò phản ứng số 1, sau đó sẽ thảo luận việc bắt đầu cho phép nhân viên thực hiện các công việc trong tòa nhà này.
Việc khởi động hệ thống tuần hoàn khí khử phóng xạ trong tòa nhà chứa lò phản ứng số 1 được bắt đầu chiều 5/5 và nồng độ đồng vị phóng xạ iốt đã tăng từ 0,0025 Becquer/cm3 lên 0,01 Becquer/cm3 do hiện tượng không khí bên trong tòa nhà bị pha trộn.
Sau đó, nồng độ phóng xạ bắt đầu giảm và đến sáng 7/5 đã xuống mức 0.005 Becquer/cm3.
TEPCO cũng thông báo sẽ thay đổi đường bơm nước vào lò số 3, thay từ đường bơm nước dùng trong trường hợp khẩn cấp sang đường bơm nước trực tiếp vào lò. Từ cuối tháng Tư vừa qua, nhiệt độ trong lò này tiếp tục tăng, nên TEPCO cho rằng lượng nước trong lò chưa đủ, cần tăng lượng nước bơm vào lò.
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, Ủy ban Đối phó với sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 đã tuyên bố sẽ mở rộng điều tra tình trạng ô nhiễm phóng xạ trong nước biển và ảnh hưởng đối với các loài hải sản.
Theo quyết định trên, số địa điểm thu mẫu nước biển sẽ tăng từ 48 lên 105 địa điểm và những loài hải sản là đối tượng điều tra cũng tăng lên, không chỉ là các loài cá sinh sống ven bờ biển, mà cả các loài cá du cư. Cuộc điều tra sẽ kéo dài đến tháng 12 năm nay.
Từ trước đến nay, TEPCO đảm nhận việc giám sát mức độ ô nhiễm trên biển ở trong phạm vi 30km từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 và ở các vùng nước nông ven biển.
Trong khi đó, Bộ Giáo dục và Khoa học cùng Cục Bảo an trên biển đảm nhận việc giám sát, điều tra, phân tích mức độ ô nhiễm ở các vùng nước sâu trong khu vực bán kính từ 30-40km tính từ nhà máy này.
Tuy nhiên, do khu vực phát hiện ra chất phóng xạ đã lan rộng và xuất hiện ảnh hưởng đối với các loài cá biển, nên Nhật Bản đã mở rộng điều tra đến vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Miyagi đến Ibaraki.
Liên quan tới việc Chính phủ Nhật Bản yêu cầu ngừng hoạt động toàn bộ các lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Hamaoka ở tỉnh Shizuoka do cơ sở này nằm gần các đường đứt gãy địa chất nguy hiểm, ngày 7/5, Công ty Điện lực miền Trung Nhật Bản đã tiến hành phiên họp khẩn cấp ban lãnh đạo, thảo luận về ảnh hưởng của việc đóng cửa nhà máy điện đối với công việc kinh doanh và các biện pháp đảm bảo nguồn cung cấp điện ổn định.
Việc đóng cửa nhà máy điện hạt nhân Hamaoka sẽ dẫn đến thiếu hụt khoảng 3,6 triệu KW điện trên tổng sản lượng 30,89 triệu KW của Công ty Điện lực miền Trung Nhật Bản.
Các chuyên gia dự báo Nhật Bản sẽ rơi vào tình trạng thiếu điện trầm trọng trong mùa Hè này./.