Phụ huynh được tham gia chọn sách giáo khoa

Bắc Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ GD&ĐT đã công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn lựa chọn sách giáo khoa (SGK) trong cơ sở giáo dục phổ thông (GDPT), với nhiều nội dung đáng chú ý. Đặc biệt, ngoài việc giáo viên “áp đảo” trong Hội đồng lựa chọn SGK, đại diện phía phụ huynh cũng được tham gia vào nhóm 11 người “đầy quyền lực”.

 Bộ sách giáo khoa lớp 1 của Nhà Xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Giáo viên “áp đảo” trong Hội đồng
Dự thảo nêu rõ, SGK được lựa chọn phải thuộc danh mục đã được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT phê duyệt; mỗi môn học, hoạt động giáo dục ở mỗi khối lớp lựa chọn 1 SGK. Việc lựa chọn SGK đảm bảo công khai, minh bạch, đúng pháp luật. Tiêu chí lựa chọn SGK phải phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội của địa phương và điều kiện tổ chức dạy học tại cơ sở GDPT. Hội đồng lựa chọn SGK do người đứng đầu cơ sở GDPT thành lập. Mỗi trường tiểu học, THCS, THPT thành lập 1 hội đồng. Đối với trường phổ thông có nhiều cấp học, mỗi cấp học thành lập 1 hội đồng.
Hội đồng lựa chọn SGK gồm người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, tổ trưởng chuyên môn, đại diện giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục có SGK lựa chọn, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh trường. Số lượng thành viên hội đồng là số lẻ, tối thiểu 11 người, trong đó có ít nhất 2/3 tổ trưởng chuyên môn và giáo viên. Những người đã tham gia biên soạn, thẩm định SGK của các nhà xuất bản không được tham gia hội đồng lựa chọn SGK.
Hội đồng làm việc theo nguyên tắc tập trung, dân chủ, khách quan, minh bạch. Cuộc họp của Hội đồng lựa chọn SGK được coi là hợp lệ khi có ít nhất 2/3 số thành viên tham gia, trong đó có Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thư ký. SGK được lựa chọn phải được trên 50% số thành viên của hội đồng bỏ phiếu đồng ý. Dự thảo cũng nêu rõ, người đứng đầu cơ sở GDPT công bố công khai danh mục SGK được lựa chọn và niêm yết tại trường trước khi bắt đầu năm học mới ít nhất 5 tháng.
Chỉ áp dụng tạm thời
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị xung quanh dự thảo Thông tư trên, ông Nguyễn Xuân Thành – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD&ĐT cho hay, dự thảo Thông tư đã làm rõ vai trò của đội ngũ chuyên môn, đặc biệt là các Tổ bộ môn, Tổ chuyên môn. Đây sẽ là thành phần mang tính quyết định trong quá trình lựa chọn SGK, bởi họ có nhiệm vụ nghiên cứu, đánh giá và đưa ra những nhận định, sau đó đề xuất lên Hội đồng, lãnh đạo nhà trường. “Việc quy định chỉ cần trên 50% số thành viên Hội đồng nhất trí là sách đã được lựa chọn cho thấy, vai trò vô cùng quan trọng của các tổ chuyên môn” – ông Thành nhấn mạnh.
Nói về câu chuyện sau ngày 1/7/2020 – Luật Giáo dục có hiệu lực, trong đó quy định UBND cấp tỉnh sẽ là đơn vị lựa chọn SGK cho địa phương mình (thay thế cơ sở giáo dục như hiện tại), ông Thành cho biết thêm: “Chúng tôi đã tính đến tình huống này. Có thể hiểu, bản dự thảo Thông tư nói trên sẽ giải quyết mang tính lâm thời, áp dụng cho đến khi Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực. Chúng tôi sẽ xây dựng một Thông tư khác theo hướng hủy bỏ Thông tư nói trên hoặc sửa đổi, bổ sung để phù hợp với quy định của luật”.
Trước băn khoăn về việc khi Luật Giáo dục có hiệu lực, chính quyền cấp tỉnh sẽ là cơ quan lựa chọn SGK. Như vậy, có thể ảnh hưởng hoặc không đảm bảo tính chuyên môn hay không, ông Thành cho rằng: “Người dân hãy yên tâm, khi đó Bộ GD&ĐT sẽ là cơ quan ban hành văn bản hướng dẫn cách thức triển khai, do đó, sẽ không có sự xáo trộn lớn nào. Chúng tôi dự kiến sẽ xây dựng theo hướng Giám đốc các Sở GD&ĐT phải là Chủ tịch Hội đồng lựa chọn SGK”.