Đồng lòng mong thi 3 môn
Chỉ còn khoảng 3 tháng nữa, kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội sẽ chính thức diễn ra. Điều khiến phụ huynh, học sinh sốt ruột nhất thời điểm hiện tại là năm nay Hà Nội sẽ chốt phương án thi mấy môn? Hàng chục nghìn phụ huynh, học sinh, giáo viên khi được hỏi đều có một nguyện vọng duy nhất, đó là mong Hà Nội sẽ cho thi 3 môn gồm: Toán, Ngữ văn và ngoại ngữ.
Có nhiều lý do thuyết phục được đưa ra để chứng minh rằng, việc đề xuất thi 3 môn trong kỳ thi vào lớp 10 năm nay là có cơ sở. Cụ thể như, lứa học sinh thi lớp 10 (lứa 2009) có hơn 2 năm học cấp THCS chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid- 19; là lứa học sinh THCS cuối cùng học Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Không những vậy, cả nước đã có hơn 20 địa phương công bố phương án số môn thi lớp 10; trong số đó đa phần giảm số môn thi xuống còn 3 để “giảm áp lực cho học sinh”; cá biệt, tỉnh Quảng Bình chỉ giữ 2 môn trong kỳ thi này.
Các phụ huynh, giáo viên mong TP sớm đưa ra phương án cuối cùng trên cơ sở đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho học sinh, trong đó có việc giảm áp lực thi cử và đánh giá đúng tình hình thực tế.
“Chúng em đã học xong chương trình lớp 9 và đang được ôn luyện rất kỹ các môn Toán – Ngữ văn – ngoại ngữ để chuẩn bị cho kỳ thi lớp 10. Em mong có phương án chính thức từ Sở GD&ĐT để không phải “đoán” môn thi thứ 4 nữa. Việc vừa học vừa dò này khiến chúng em bất an, lo lắng”, học sinh Nguyễn Ngọc Mai, quận Thanh Xuân chia sẻ.
Có con năm nay học lớp 9 nên chị Nguyễn Ngọc Hà, trú tại huyện Gia Lâm rất tích cực cập nhật tin tức liên quan đến kỳ thi lớp 10 năm học 2024 – 2025. Từ nhiều tháng nay câu hỏi “thi mấy môn” cứ quanh quẩn trong đầu chị.
“Tôi mong Sở sẽ quyết định phương án thi 3 môn để đảm bảo gọn nhẹ cho các bên và cũng phù hợp với tình hình của Hà Nội cũng như phương án của cả nước. Đằng nào từ giờ đến tháng 6 cũng là học, ôn tập và thi thì hãy công bố sớm phương án để học sinh đỡ thắc thỏm, có tinh thần chủ động trong học tập”, chị Hà bày tỏ.
Con cày ngày đêm, mẹ lo tìm trường dự phòng
Ngoài ôn 3 môn Toán, Ngữ văn và tiếng Anh, gần đây em Nguyễn Lan Anh, trú tại quận Hà Đông còn tăng cường cày môn Lịch sử. Theo Lan Anh, em không biết có thi môn thứ 4 hay không và nếu có thì sẽ thi môn nào nên học theo linh cảm.
“Em thấy trước đây, Hà Nội từng nhiều năm thi môn Lịch sử nên em cố gắng học môn này bởi em lo nếu công bố số môn thi muộn thì học không kịp. Mỗi ngày, em giành 1 tiếng để học và ôn môn Lịch sử. Học là vậy nhưng em vẫn mong Hà Nội chỉ thi 3 môn”, Lan Anh nói.
Không học môn Lịch sử, em Nguyễn Hạ Linh, trú tại quận Hoàng Mai lại tập trung ôn tập ôn Vật lý. Linh cho rằng, môn thi thứ 4 là môn bất kỳ trong chương trình của Bộ GD&ĐT, trong khi đó em thích nhất môn Vật lý nên em cứ học kỹ môn này.
“Nếu không thi Vật lý mà thi môn khác thì em rất tiếc công ôn luyện. Còn nếu bỏ môn thi thứ 4 thì em lại rất mừng”, Hạ Linh chia sẻ và cho biết, hàng ngày mình học đến hơn 12 giờ đêm mới đi ngủ và mỗi tuần em đi học thêm 4 ca để củng cố kiến thức cho các môn thi.
Trước sức ép của kỳ thi, của vấn đề thiếu trường lớp nên trong khi con mải miết ôn thi thì các phụ huynh lại sốt sắng tìm hiểu phương án dự phòng cho con thông qua việc nộp hồ sơ và đặt cọc giữ chỗ ở các trường THPT tư thục.
Với các trường THPT tư thục, chi phí giữ chỗ cao nhất là hơn 20 triệu nhưng với các trường trung bình, phí này khoảng 2 - 5 triệu đồng/học sinh. Đây là mức có thể chấp nhận được nên nhiều phụ huynh đã nhanh chóng lựa chọn cho con.
“Tôi vừa đặt cọc giữ chỗ cho con gái nên yên tâm được phần nào. Khi kỳ thi lớp 10 đang đến gần, phương án số môn thi chưa biết, mức độ cạnh tranh ở nội thành lớn nên không gì chắc chắn bằng việc giữ chỗ ở trường tư”, chị Hà Anh Thơ, trú tại huyện Thanh Trì bộc bạch.
Các diễn đàn phụ huynh trên mạng xã hội ghi nhận, vì quá lo lắng, có phụ huynh đã đặt cọc cho con vào 2 – 3 trường dân lập để sau thích trường nào thì còn có cơ hội lựa chọn. Tổng số tiền phụ huynh bỏ ra để đặt cọc giữ chỗ cho con không hề nhỏ so với thu nhập của họ và dù tiếc thì rất ít phụ huynh dám bỏ qua cơ hội này.
Các chuyên gia giáo dục chia sẻ tâm lý sốt ruột của phụ huynh, học sinh và cho biết, đó là trạng thái rất dễ hiểu. Tuy nhiên, trong bối cảnh này, phụ huynh cần cố gắng bình tĩnh cân nhắc để lựa chọn phương án tốt nhất nhưng tiết kiệm nhất, tránh việc lãng phí không cần thiết dẫn đến con không có lợi mà mẹ chịu thiệt hại kinh tế.
Kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập mang tính thường niên, được thực hiện từng bước, bài bản, khoa học, đúng quy chế. Chắc chắn, phương án số môn thi lớp 10 tại Hà Nội sẽ được công bố trong vài ngày tới và nguyên tắc cơ bản vẫn là đảm bảo quyền lợi cao nhất cho tất cả thí sinh.
Được biết, năm học 2023 – 2024, Hà Nội có 237 trường THPT; trong đó có 124 trường công lập, 113 trường tư thục. Ngoài ra, Hà Nội có 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên và 50 trường trung cấp, cao đẳng nghề có tuyển sinh lớp 10. Số lượng học sinh được tuyển vào lớp 10 công lập hàng năm duy trì khoảng 60%. Hà Nội đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh tốt nghiệp THCS có nguyện vọng học tiếp bậc THPT ở các loại hình trường khác nhau (công lập, tư thục, giáo dục thường xuyên và trường nghề).