KTĐT - Sau bài phản ánh một số băn khoăn của giáo viên liên quan đến quy định đánh giá học sinh (HS) tiểu học mới, nhiều độc giả đã gửi thư phản hồi đến tòa soạn với tâm trạng lo lắng. Theo một số phụ huynh, một số quy định trong bản đánh giá mới này sẽ gây áp lực lớn cho HS.
Khó đánh giá mức độ "bất thường"
Trong thư gửi về tòa soạn, chị Đoàn Thị Hồng Thủy (giáo viên tiểu học ở xã Lê Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Bình) cho biết, cuối học kì I vừa qua, cháu Quân, con trai chị bị cảm, ho và hơi sụt sịt nhưng hai vợ chồng vẫn phải quấn khăn cho cháu đi làm bài kiểm tra. Chị Thủy cho biết, nếu điểm kiểm tra cuối kì có bất thường, con trai chị vẫn được làm bài kiểm tra lại. Tuy nhiên, theo chị Thủy, khó có thước đo chính xác để đánh giá thế nào là "bất thường". Vả lại, là giáo viên nên chị hiểu rõ, để con làm bài một mình hoặc làm cùng với vài bạn nữa khi chỉ có một cô giáo trông thi, cháu sẽ lo lắng và làm bài không tốt. Vì vậy, tốt nhất cứ cố cho con đi kiểm tra cho yên chuyện.
Chị Thanh Hương (ở địa chỉ hòm thư huongdothi_216@yahoo.com) viết: "Tôi có hai cháu học tiểu học: một cháu học lớp 5, một cháu học lớp 1. Con gái tôi bị hen, sức khỏe của cháu không tốt, vậy nên kỳ thi vừa rồi, kết quả của cháu không được cao. Tôi rất lo lắng về quy định này, thương con mình vì mỗi tối cháu làm bài tập cô giao cho xong là rất mệt, nên dồn áp lực thi cử cuối năm lên đầu trẻ nữa thì quá tội".
Qua thư, bạn đọc Thúy Hằng cũng cho rằng, nếu tiếp tục áp dụng quy định này, sẽ có nhiều bất cập và thiệt thòi cho các cháu. Theo phân tích của bạn đọc này, từ trước đến nay, việc tính điểm tổng kết vẫn theo cách lấy điểm trung bình là chuẩn vậy tại sao giờ lại thay đổi khiến nhiều phụ huynh thấy rối tung lên. "Thí dụ con trai tôi học kỳ I thi các môn khác toàn điểm 9 và 10. Sang học kỳ II, môn khoa học được 5 điểm. Vậy nếu học kỳ I giỏi mà kỳ II có một môn trung bình thì lại bị trung bình cho cả năm. Tôi thấy quá bất hợp lý và dễ dẫn đến việc phụ huynh sẽ phải đi "quan hệ" với giáo viên để tăng điểm vào dịp cuối nãm. Như thế quá thiệt thòi cho HS khác", bạn đọc Thúy Hằng viết.
“Học mà chơi, chơi mà học, như thế trẻ mới thích”. |
Từ ngày 11/12/2009, HS tiểu học trên cả nước sẽ được đánh giá cả hạnh kiểm và học lực theo cách mới. Về mặt học lực, các môn học được chia làm hai loại: môn học đánh giá bằng điểm kết hợp với nhận xét và các môn chỉ đánh giá bằng nhận xét trong quá trình học tập, không có bài kiểm tra định kỳ. Học sinh hoàn thành chương trình đồng thời thể hiện rõ năng lực học tập môn học có thể được đánh giá ở mức hoàn thành tốt (A+). Kết quả đánh giá xếp loại về hạnh kiểm và học lực sẽ được kết hợp để nhà trường xét lên lớp, xét hoàn thành chương trình tiểu học, xếp loại giáo dục và xét khen thưởng đối với học sinh. Để được xếp loại giỏi, học sinh tiểu học cần được xếp loại hạnh kiểm "Thực hiện đầy đủ", đạt loại giỏi đối với các môn học có đánh giá bằng điểm (đạt điểm 9 và 10) và đạt loại hoàn thành (A) đối với các môn học có đánh giá bằng nhận xét. Về hạnh kiểm, có 5 nội dung liên quan đến hạnh kiểm của HS tiểu học cần phải đánh giá. Điểm học lực môn cả năm của HS sẽ chỉ được tính bằng điểm thi kiểm tra định kỳ cuối năm của môn học đó. Nếu điểm kiểm tra định kỳ có bất thường so với kết quả học tập hàng ngày hoặc không đủ điểm kiểm tra định kỳ, có thể được kiểm tra bổ sung. |