Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phụ nữ khởi nghiệp từ những làng nghề truyền thống

Phương Đoàn
Chia sẻ Zalo

KTĐT- Ngày 06/9, Hội LHPN TP Hà Nội đã tổ chức Toạ đàm Phát huy vai trò của phụ nữ trong khởi nghiệp và phát triển các làng nghề truyền thống. Nhằm phát huy vai trò của phụ nữ trong khởi nghiệp và phát triển các làng nghề truyền thống phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế.

Tọa đàm nằm trong khuôn khổ Đề án “Hỗ trợ phụ nữ Thủ đô khởi nghiệm giai đoạn 2018 – 2025”, tại đây các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về những thuận lợi, khó khăn trong phát triển các làng nghề truyền thống hiện nay; những tác động tới lao động nữ và vai trò của phụ nữ trong phát triển làng nghề, những cơ hội, thách thức đặt ra đối với chị em phụ nữ tại các làng nghề. Từ đó, đưa ra các giải pháp cần thiết để tuyên truyền, vận động phụ nữ tham gia phát triển làng nghề truyền thống và mạnh dạn khởi nghiệp từ chính các làng nghề. Đồng thời, kết nối với hiệp hội làng nghề, các sở ngành liên quan đề xuất với UBND TP có các cơ chế chính sách hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp tại các làng nghề.
Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Lê Thị Thiên Hương, Hà Nội hiện có 47 nghề trong tổng số 52 nghề truyền thống của cả nước. Các sản phẩm của làng nghề đa dạng, nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị thường trong và ngoài nước. Lực lượng lao động tại các làng nghề cũng có tới 65% là lao động nữ, trong đó tập trung chủ yếu ở các làng nghề mây tre đan, nghề nón, may mặc, dệt và thêu ren, lụa, chế biến nông sản thực phẩm,…

 

 Toàn cảnh Toạ đàm
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Công thương Hà Nội, công tác phát triển nghề và làng nghề vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Các làng nghề vẫn thiếu mặt bằng để sản xuất tập trung, thiếu đội ngũ lao động có tay nghề, thiếu vốn để đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị máy móc nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm. Khả năng cạnh tranh của làng nghề thấp, nguồn nguyên liệu không ổn định. Ngoài ra, qua nhiều năm phát triển, kết cấu hạ tầng các làng nghề, nhất là đường giao thông cũng không đồng bộ, môi trường làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng, chưa có biện pháp khắc phục. Đặc biệt, các cơ sở sản xuất chủ yếu là hộ kinh doanh gia đình, ít quan tâm tới tổ chức kinh doanh, xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh, nên chưa gây được ấn tượng và thu hút du khách quay trở lại. Đây chính là rào cản lớn đối với sự phát triển của các làng nghề nói chung và công tác phát triển, bảo tồn làng nghề, di tích văn hoá gắn với du lịch nói riêng.
Tại tọa đàm, từ thực tế địa phương, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Thường Tín Nguyễn Thị Kiều Chinh cho biết, Thường Tín có 48 làng nghề được công nhận là làng nghề truyền thống, trong đó, nghề mây tre đan, thêu, làm bông len, lược sừng là những nghề thu hút lực lượng lao động nữ rất lớn. Các cấp Hội cũng luôn quan tâm đến công tác hỗ trợ, bồi dưỡng kiến thức, năng lực cho chị em phụ nữ bằng nhiều hình thức như sinh hoạt hội viên, sinh hoạt câu lạc bộ, tham quan mô hình, tuyên truyền bảo vệ môi trường làng nghề, tổ chức các lớp nâng cao tay nghề, tập huấn kiến thức... Đặc biệt, CLB nữ doanh nghiệp của huyện hoạt động rất hiệu quả, là nơi các nữ chủ doanh nghiệp giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh, giới thiệu và quảng bá sản phẩm làng nghề.
 Phó Chủ tịch Hội LHPN TP Lê Thị Thiên Hương phát biểu tại Toạ đàm

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc trong phát triển làng nghề và đề xuất Hội và các sở ngành liên quan quan tâm, có ý kiến đóng góp với các cấp chính quyền có những chính sách phù hợp để phụ nữ có điều kiện phát triển kinh tế gắn với phát triển làng nghề. Một trong những đề xuất, kiến nghị được nhiều đại biểu đồng tình là chính sách về vốn vay ưu đãi nhằm hỗ trợ phụ nữ làng nghề khởi nghiệp gắn với nghề truyền thống. Bên cạnh đó, mặt bằng sản xuất tập trung còn thiếu; các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quản lý tài chính, thương mại điện tử, quản lý nhân sự, ứng dụng CNTT làm nền tảng chưa được các cấp quan tâm đúng mức. Đồng thời, các cấp Hội và chính quyền cần tiếp tục tổ chức các hội nghị, toạ đàm, các hội chợ giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, tổ chức chuỗi liên kết sản xuất, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp có phụ nữ làm chủ. Đẩy mạnh tuyên truyền bảo vệ môi trường tại các làng nghề; làm tốt hơn nữa công tác nhân cấy, bảo tồn nghề truyền thống của địa phương.