Phát huy nội lực
Thời điểm năm 2010, trước khi thực hiện chương trình xây dựng NTM, Phú Xuyên chỉ có 2 xã đạt và cơ bản đạt từ 8 - 10 tiêu chí, 12 xã đạt từ 5 - 6 tiêu chí, các xã còn lại đạt từ 1 - 4 tiêu chí. Trên cơ sở khảo sát, huyện đã chọn xã Đại Thắng là xã điểm thực hiện xây dựng NTM và chọn 12 xã thực hiện giai đoạn 1 từ năm 2011 - 2015; các xã còn lại thực hiện giai đoạn 2 từ năm 2015 - 2020. Để chương trình đạt hiệu quả, huyện tập trung chỉ đạo các xã rà soát, lập kế hoạch đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội theo hướng đạt chuẩn NTM.
Huyện chỉ đạo các xã tận dụng tối đa hạ tầng sẵn có, đầu tư tu sửa nâng cấp những công trình chưa đáp ứng tiêu chí, chỉ đầu tư mới những công trình còn thiếu và thật sự cần thiết. Năm 2012, huyện đã tập trung cao độ cho đầu tư hạ tầng giao thông thủy lợi nội đồng phục vụ dồn điền đổi thửa. Toàn huyện đã dồn được 8.874ha, đạt 103% kế hoạch TP giao. Đồng thời, tập trung đầu tư nâng cấp, tu sửa hệ thống giao thông. Bài học “khó vạn lần dân liệu cũng xong” đã được triển khai vào chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn, để huy động nguồn lực, phát huy dân chủ từ cơ sở và người dân làm chủ trong xây dựng NTM. Nhiều tuyến giao thông lầy lội, nhỏ hẹp đã được Nhân dân đồng lòng mở rộng, được đổ bê tông sạch đẹp. Tiêu biểu trong vận động Nhân dân hiến đất làm đường, xây dựng NTM như thôn Vĩnh Thượng - xã Khai Thái, thôn Duyên Yết - xã Hồng Thái, thôn Thần Quy - xã Minh Tân…
Nhân dân đã tự nguyện đóng góp hàng tỷ đồng xây dựng đường làng ngõ xóm. Nhiều nơi, Nhân dân đã tự nguyện hiến đất nông nghiệp làm đường giao thông nội đồng. Sau dồn điền đổi thửa, Nhân dân trong huyện đã hiến gần 58ha đất nông nghiệp để làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng.
Trong phát triển kinh tế, huyện tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển các mô hình kinh tế, đưa các giống cây, con mới vào sản xuất. Đến nay, toàn huyện có 73 trang trại chăn nuôi, thủy sản và hàng trăm mô hình chuyển đổi từ ruộng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang mô hình VAC. Nhiều mô hình sản xuất cho hiệu quả kinh tế cao như mô hình trồng măng tây xanh tại xã Hồng Thái, mô hình trông hoa tại Văn Nhân, Quang Trung, thị trấn Phú Xuyên, mô hình chăn nuôi tập trung tại xã Quang Lãng… Các mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 15 - 20 lần so với trồng lúa.
Tập trung cho các xã đạt chuẩn
Sau 4 năm triển khai xây dựng NTM, năm 2014, huyện Phú Xuyên có 3 xã được TP công nhận đạt chuẩn NTM là Đại Thắng, Văn Nhân, Nam Triều. Năm 2015, tiếp tục có 4 xã là Quang Trung, Vân Từ, Khai Thái và Văn Hoàng đăng ký hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng NTM. Để đạt mục tiêu đề ra, ngay từ đầu năm, Phú Xuyên đã tập trung cho 4 xã này. Huyện đầu tư kinh phí 25,4 tỷ đồng để các xã thực hiện những tiêu chí chưa đạt; tăng cường kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, hoàn thành trong thời gian sớm nhất nhưng phải đảm bảo chất lượng.
Chỉ đạo phê duyệt xong đề án, điều chỉnh quy hoạch xây dựng NTM phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Cả 4 xã đã hoàn thành cắm mốc chỉ giới các công trình hạ tầng theo quy hoạch NTM được phê duyệt. Đối với tiêu chí giao thông, thủy lợi nội đồng, các xã này đã và đang triển khai thực hiện các gói công trình cứng hóa giao thông nội đồng theo Quyết định phê duyệt của UBND huyện. Các nhóm tiêu chí về văn hóa, y tế, môi trường cũng đã và đang được triển khai thực hiện.
Vừa qua, Ban chỉ đạo Xây dựng NTM, Hội đồng thẩm định huyện Phú Xuyên đã tổ chức kiểm tra, chấm điểm các tiêu chí công nhận xã đạt chuẩn NTM tại 4 xã này. Qua chấm điểm, cả 4 xã đều đạt và cơ bản đạt 19/19 tiêu chí xây dựng NTM. Hội đồng thẩm định huyện Phú Xuyên đã hoàn thiện hồ sơ trình UBND TP thẩm định công nhận xã đạt chuẩn NTM trong năm 2015. Theo kế hoạch, Phú Xuyên phấn đấu năm 2016 có thêm 6 xã đạt chuẩn NTM.