Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phú Xuyên cương quyết xử lý vi phạm đất đai, xây dựng

Công Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng đi vào nền nếp, Huyện ủy, UBND huyện Phú Xuyên đã ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch, đồng thời các cấp, ngành vào cuộc xử lý dứt điểm vi phạm tồn tại.

Cùng với sự quyết liệt, thực hiện đồng bộ giải pháp, thời gian gần đây, ngay sau khi phát hiện vi phạm mới manh nha, các đơn vị, địa phương đã áp dụng biện pháp mạnh, cương quyết xử lý dứt điểm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh cho biết, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020, UBND huyện đã ban hành 74 quyết định xử lý hành chính (xử phạt 56 trường hợp, 18 trường hợp áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả), chủ yếu tập trung tại các xã Nam Tiến, Đại Xuyên, Tân Dân, thị trấn Phú Minh… Trong đó, thẩm quyền UBND huyện ban hành là 17 trường hợp và thẩm quyền xã ban hành 57 trường hợp. Có 73/74 trường hợp tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp (NN), còn lại 1/74 trường hợp vi phạm xây dựng tường rào bao quanh gây cản trở việc sử dụng đất của người khác.
 Một trong những trường hợp vi phạm đất đai trên địa bàn đã được lãnh đạo UBND huyện Phú Xuyên quyết liệt chỉ đạo xử lý dứt điểm trong thời gian qua. Ảnh: Công Tâm
Tổng số tiền gần 450 triệu đồng xử phạt đối với 56/74 trường hợp đã, đang được các đơn vị hoàn thiện thủ tục nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định. Quan điểm của UBND huyện không để vi phạm mới phát sinh. Đối với vi phạm tồn tại cũ phù hợp với quy hoạch sẽ được xem xét giải quyết theo đúng quy định.
Theo quan sát và tìm hiểu của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, hàng chục năm về trước, do nhận thức của người dân địa phương còn hạn chế, công tác quản lý đất đai, xây dựng tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện chưa được kiểm soát chặt chẽ. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến những năm gần đây việc các cấp, ngành của huyện phải quyết liệt vào cuộc xử lý hàng trăm trường hợp vi phạm tồn tại cũ, cương quyết không dung túng, bao che cho vi phạm.
Quá trình kiểm tra nếu phát hiện vi phạm sẽ tập trung tuyên truyền, vận động chủ hộ tháo dỡ công trình vi phạm hoặc áp dụng biện pháp hoàn thiện hồ sơ rồi cưỡng chế theo quy định. Nhờ đó, số vụ vi phạm đã thuyên giảm, còn diện tích vi phạm không lớn, chỉ là những công trình lều lán tạm hoặc xây dựng tường rào bao quanh.
Đại diện phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Phú Xuyên chia sẻ, trên địa bàn huyện hiện nay có khoảng 300ha đất bãi ven sông Hồng tại các xã Hồng Thái, Khai Thái, Quang Lãng… chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả. Toàn bộ số diện tích quỹ đất này nhiều năm trước đây do các chủ lò gạch thủ công tận dụng khai thác nên khi đưa trở lại vào mục đích sản xuất NN đã gặp phải rất nhiều khó khăn.
Trong đó, có một số khu vực diện tích đất để hoang hóa làm bãi tập kết rác thải sinh hoạt lưu cữu gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của Nhân dân ở liền kề. Không chỉ gây ô nhiễm môi trường không khí, quá trình rác phân hủy còn thẩm thấu làm ô nhiễm cho nguồn nước sông Hồng.
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh, thực tế hiện nay trên địa bàn TP đã, đang có các huyện gồm: Thanh Trì, Thường Tín, Ứng Hòa, Gia Lâm, Chương Mỹ xây dựng mô hình nông trại giáo dục mang đậm tính nhân văn, giáo dục sâu sắc giúp các em học sinh có thời gian bổ ích trải nghiệm nhận thức về giá trị lịch sử, tiếp cận trực tiếp với phương tiện, công cụ sản xuất NN. Vì vậy, việc phát triển các mô hình sản xuất NN trên địa bàn Phú Xuyên đã được Huyện ủy, HĐND, UBND huyện quan tâm chỉ đạo.
Đặc biệt, đối với các mô hình sản xuất NN gắn với giáo dục trên diện tích đất khó canh tác, cần được cải tạo (sau việc sử dụng đất của các chủ lò gạch thủ công) như tại vùng ngoài bãi sông Hồng thuộc xã Hồng Thái. Đây là nội dung, việc làm rất cần được các sở, ban, ngành của TP quan tâm, tạo điều kiện cho mô hình NN phát triển và có giải pháp cụ thể để đưa đất vào sử dụng một cách hiệu quả, tránh bỏ hoang hóa, gây lãng phí.