Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phương án tính giá cơ sở xăng dầu mới: Sửa sai để dân bớt thiệt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để sửa sai việc chênh lệch giữa mức thuế nhập khẩu (NK) ưu đãi (MFN) với mức thuế NK...

Kinhtedothi - Để sửa sai việc chênh lệch giữa mức thuế nhập khẩu (NK) ưu đãi (MFN) với mức thuế NK ưu đãi đặc biệt từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) của mặt hàng xăng dầu khiến các DN được lợi, trong khi người dùng mất oan tiền tỷ, Bộ Tài chính đã đưa ra phương án tính giá xăng dầu mới. Theo đó, mức thuế NK trong giá cơ sở điều hành giá bán lẻ xăng dầu được tính theo mức bình quân gia quyền của các biểu thuế MFN và FTA.

Doanh nghiệp hưởng hơn 3.500 tỷ đồng hoàn thuế

Trong thông cáo phát đi cuối tuần qua, Bộ Tài chính thừa nhận, mức thuế MFN của mặt hàng xăng dầu hiện đang cao hơn so với mức thuế NK ưu đãi đặc biệt theo các FTA. “Đến nay, Việt Nam đã ký kết 11 FTA trong và ngoài khu vực. Theo cam kết tại các FTA, các mức thuế suất thuế NK ưu đãi đặc biệt đối với mặt hàng xăng dầu đang trong lộ trình giảm dần. Theo đó, việc chênh lệch thuế suất MFN và thuế suất thuế NK ưu đãi đặc biệt theo các hiệp định là tất yếu” - thông cáo của Bộ Tài chính cho biết.
Người tiêu dùng mua xăng trên phố Hào Nam.  	Ảnh:  Quỳnh Linh
Người tiêu dùng mua xăng trên phố Hào Nam. Ảnh: Quỳnh Linh
Theo cách tính giá cơ sở hiện hành, thuế NK với dầu là 10%, xăng là 20%, trong khi thuế NK thực tế từ một số thị trường thấp hơn rất nhiều, thậm chí là bằng 0%. Theo mức cam kết hội nhập Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (Atiga), thuế NK từ các nước ASEAN vào Việt Nam áp dụng từ năm 2015 với dầu diesel và mazut là 5% và từ 1/1/2016 là 0%. Ngoài ra, từ đầu năm 2016, thuế NK dầu diesel từ Hàn Quốc về Việt Nam cũng giảm về 5%, thuế xăng về 10%. ASEAN từ trước đến nay vẫn là thị trường NK xăng dầu lớn nhất của Việt Nam. Như vậy, giá xăng dầu trong nước đã gánh thêm một khoảng vênh 5 - 10% tiền thuế với diesel và 10% với xăng. Đây là số tiền mà DN xăng dầu đang hưởng lợi từ tháng 5/2015 đối với dầu diesel nhập từ ASEAN và từ đầu năm 2016 đến nay với xăng nhập từ Hàn Quốc.

Thông tư số 38/2015/TT-BTC quy định, đối với hàng hóa NK theo Biểu thuế NK ưu đãi đặc biệt nhưng chưa nộp được chứng từ chứng nhận xuất xứ tại thời điểm khai hải quan, người khai hải quan khai theo mức thuế suất MFN hoặc thông thường. Khi nộp bổ sung chứng từ chứng nhận xuất xứ trong thời hạn theo quy định tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, người khai hải quan khai bổ sung theo mức thuế suất ưu đãi đặc biệt tương ứng, được hoàn trả số tiền thuế chênh lệch đã nộp. Trong năm 2015, số thuế (thuế NK, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt) đã thu từ xăng dầu NK là 35.923 tỷ đồng. Số thuế hoàn theo chứng từ DN nộp bổ sung C/O mẫu D (theo Biểu thuế Atiga) là 3.502 tỷ đồng, chiếm 9,75% tổng số thuế đã nộp. Số liệu hoàn thuế này, theo Bộ Tài chính chỉ là số liệu sơ bộ vì có thể tiếp tục được hoàn trong các tháng tiếp theo.

Đảm bảo lợi ích của các bên

Theo đại diện Bộ Tài chính, Bộ này đã phối hợp với Bộ Công Thương có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và được Thủ tướng đồng ý với phương án xác định mức thuế NK tính trong giá cơ sở điều hành giá bán lẻ xăng dầu theo mức bình quân gia quyền của các biểu thuế MFN và FTA. Tỷ trọng xăng dầu NK từ các nước ký biểu thuế FTA được xác định theo quý (dùng số liệu của quý trước để tính cho quý sau) do Tổng cục Hải quan tổng hợp, xác định qua hệ thống hải quan điện tử. Việc dùng mức thuế NK bình quân gia quyền sẽ đảm bảo sát với thực tế hàng hóa NK từ các nguồn khác nhau của DN xăng dầu, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng, DN và Nhà nước.

Ngoài ra, nhằm giảm bớt chênh lệch giữa mức thuế MFN với mức thuế NK ưu đãi đặc biệt từ các FTA của mặt hàng xăng dầu, theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế NK, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 48/2016/TT-BTC giữ nguyên thuế MFN 20%. Các mặt hàng dầu diesel, dầu hỏa, mazut, nhiên liệu bay, thuế MFN giảm từ 10% và 13% xuống 7%.