Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phường Hàng Buồm: Công trình thuộc diện bảo tồn bị "bức tử"

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không chỉ ngang nhiên phá hoại công trình có giá trị bảo tồn, việc thi công tại địa chỉ số 13 Hàng Buồm còn khiến các căn nhà liền kề bị hư hỏng nghiêm trọng.rnrn

Thay mặt các hộ dân tại địa chỉ số 15 Hàng Buồm (phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm), phản ánh đến báo Kinh tế & Đô thị, anh Hoàng Thanh Bình cho biết, quá trình cải tạo của công trình ngay sát vách là số 13 Hàng Buồm không chỉ gây nguy hiểm cho nhà hàng xóm mà còn tồn tại hàng loạt các vấn đề liên quan đến buông lỏng quản lý xây dựng trên địa bàn khu phố cổ. Tình trạng này đã xảy ra suốt một thời gian dài nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
 Hiện trạng công trình 13 Hàng Buồm (ngày 7/5/2019), phần được bảo tồn cũng đã bị san phẳng
Cụ thể, công trình số 13 Hàng Buồm thuộc quyền quản lý của Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội và được thuê lại bởi ông Nguyễn Bá Diện cùng bà Nguyễn Thị Mai Hương. Đây là công trình có giá trị phải bảo tồn trong QĐ 6398/QĐ-UBND ngày 24/10/2013 của UBND TP Hà Nội. Vào ngày 2/5/2018, UBND quận Hoàn Kiếm đã cấp Giấy phép cải tạo công trình cho địa chỉ 13 Hàng Buồm, trong đó ghi rõ nội dung thực hiện gồm: Sửa chữa, cải tạo thay thế sàn gỗ và các cấu kiện hư hỏng trên cơ sở phục dựng nguyên gốc nhà 2 tầng, mặt lợp ngói. Đi kèm với đó là bản vẽ cấp phép cải tạo được UBND quận Hoàn Kiếm cùng Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội xác nhận.
Tuy nhiên, tới tháng 8/2018, chủ đầu tư (ông Diện và bà Hương) đã phá toàn bộ căn nhà tại số 10 Hàng Buồm. Sau 2 tháng phá dỡ lấy mặt bằng, tới tháng 10/2018, công trình này đã bắt đầu tiến hành đào móng để xây tầng hầm và kiến trúc mới hoàn toàn. Theo thiết kế công trình mới tại địa điểm trên sẽ có 5 tầng với bố trí nhiều phòng, có khả năng là làm kinh doanh khách sạn, anh Bình cho biết.
 Tình trạng lún, nứt dễ dàng nhận thấy trong công trình 15 Hàng Buồm
Quá trình thi công tại nhà 13 Hàng Buồm đã khiến các căn nhà 11 và 15 Hàng Buồm bị hư hỏng đáng kể. Trong đó, nhà số 15 Hàng Buồm có hiện trạng nền và tường nhà bị lún nứt; đặc biệt khi trời mưa nước chảy theo các vết nứt làm căn nhà có thể bị sụp đổ bất cứ lúc nào. Với tình hình như hiện tại, gia đình chúng tôi luôn phải sống trong tình trạng bị đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí là cả tính mạng, anh Bình bức xúc.
Sau khi có phản ánh của người dân quanh nhà số 13 Hàng Buồm, ngày 15/10/2018, Xí nghiệp quản lý và phát triển nhà Hoàn Kiếm (thuộc Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội) đã phối hợp cùng tổ quản lý trật tự xây dựng phường Hàng Buồm tiến hành kiểm tra thực tế và đưa ra kết luận về hàng loạt sai phạm so với giấy phép được cấp của công trình này.
Cụ thể, phần công trình tiếp giáp mặt phố trục chỉ cho phép sửa chữa và cải tạo trên cơ sở phục dựng nguyên gốc nhà 2 tầng nhưng chủ đầu tư đã phá dỡ tường tiếp giáp với công trình xung quanh; Phần hành lang sàn vỉa gạch dầm gỗ tầng 1 và cầu thang chung phải giữ nguyên hiện trạng nhưng thực tế lại bị phá dỡ.
Tại thời điểm đó, các bên có chức năng đã lập biên bản đình chỉ thi công toàn bộ công trình số 13 Hàng Buồm, nhưng tới lần kiểm tra thứ 2 vào ngày 18/10/2018, việc thi công vẫn tiếp tục được tiến hành. Không những thế đơn vị thi công còn đang tiến hành thêm việc ép cừ nhằm chuẩn bị đào móng. Tới lúc này, đoàn kiểm tra lại tiếp tục lập biên bản và yêu cầu đơn vị thi công đình chỉ thi công toàn bộ công trình.
 Phần được bảo tồn chỉ cho phép sửa chữa, cải tạo trên cơ sở nguyên trạng được nêu rõ trong hồ sở cấp phép của công trình 13 Hàng Buồm
Tuy nhiên, theo anh Bình, ngay cả khi có văn bản trên, chủ đầu tư số 13 Hàng Buồm vẫn không thực hiện đúng khi chưa có biện pháp đảm bảo an toàn cho các công trình liền kề nhưng vẫn cố tình tiếp tục thi công. Khi sự việc xảy ra, chúng tôi đã nhiều lần báo cáo lên UBND phường Hàng Buồm nhưng đều nhận được sự lảng tránh hoặc xử lý cho có của phía chính quyền, thậm chí việc chủ đầu tư tiếp tục đào sâu vào chân móng công trình cũng được lập lờ cho tiến hành trong khi chưa có biện pháp đảm bảo an toàn cho các nhà bên cạnh, anh Bình bức xúc phản ánh.
Sau một thời gian dài các hộ dân tại 15 Hàng Buồm khiếu nại lên các cấp cao hơn, tới tháng 4/2019, UBND quận Hoàn Kiếm đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị có liên quan về việc chấp hành pháp luật trong công tác quản lý công trình nhà ở, cấp phép và quản lý trật tự xây dựng tại 13 Hàng Buồm.
Trong đó yêu cầu Chủ tịch UBND phường Hàng Buồm kiểm điểm các cá nhân có liên quan trong việc không kịp thời chỉ đạo Tổ quản lý trật tự xây dựng đô thị phường lập biên bản vi phạm hành chính báo cáo UBND quận để đơn vị thi công tiếp tục phá dỡ gây ảnh hưởng đến công trình liền kề. Không tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính ngay khi phát hiện chủ đầu tư vi phạm trật tự xây dựng.
UBND phường Hàng Buồm, Phòng Quản lý đô thị quận Hoàn Kiếm, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội phải kiểm điểm trách nhiệm cá nhân trong việc không kịp thời phát hiện, tham mưu cho UBND quận có biện pháp ngăn chặn, xử lý hiệu quả để xảy ra việc phá dỡ công tình nhà ở có giá trị. Đồng thời đề nghị Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội kiểm điểm trách nhiệm của các các nhân không hoàn thành nhiệm vụ trong việc kiểm tra, giám sát để xảy ra vi phạm tại 13 Hàng Buồm.
UBND quận Hoàn Kiếm cũng yêu cầu Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội và UBND phường Hàng Buồm giải quyết việc thỏa thuận đền bù thiệt hại cho các công trình liền kề bị ảnh hưởng do quá trình thi công sai phạm của công trình số 13 Hàng Buồm.
Đáng chú ý, chủ đầu tư 13 Hàng Buồm sẽ phải khôi phục lại phần nhà ở có giá trị cần bảo tồn theo đúng giấy phép được cấp, xong trước ngày 30/4/2019. Nếu quá thời hạn trên, chủ đầu tư chưa khôi phục xong sẽ xem xét đến khả năng thu hồi giấy phép cải tạo đã được cấp trước đó, UBND quận Hoàn Kiếm nhấn mạnh.
Mặc dù hạn chót được UBND quận Hoàn Kiếm đưa ra cho chủ đầu tư khắc phục sai phạm nhưng tới thời điểm hiện tại (7/5/2019), công trình 13 Hàng Buồm vẫn giữ nguyên hiện trạng bị phá tan hoang và chưa có bất kỳ động thái khắc phục nào.
Nhằm tìm hiểu thêm thông tin về công trình 13 Hàng Buồm, phóng viên Kinh tế & Đô thị đã có trao đổi với ông Trần Khánh Dương - Phó Chủ tịch phường Hàng Buồm. Vị Phó Chủ tịch cho rằng phía phường đã làm đủ hết các trách nhiệm có liên quan từ việc lập hồ sơ vi phạm đến phối hợp xử lý với các bên, giờ khắc phục thế nào là việc của Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội. Khi được hỏi công trình 13 Hàng Buồm dù chỉ nằm cách UBND phường chưa đầy 200m nhưng tại sao chỉ sau khi bị phá vỡ gần như toàn bộ phía phường mới biết, ông Dương đã từ chối trả lời vấn đề này.
Tới thời điểm này, chúng tôi mong muốn các cơ quan nhà nước vào cuộc nhằm làm rõ cũng như tiến hành xử phạt người có trách nhiệm trong việc để diễn ra tình trạng phá hoại công trình cần được bảo tồn trên khu phố cổ nhằm đem lại sự an tâm cho người dân. Bên cạnh đó, giúp phân xử công bằng khi yêu cầu chủ đầu tư tại số 13 Hàng Buồm có biện pháp bồi thường thiệt hại tài sản bị hư hỏng của chúng tôi gặp phải trong quá trình thi công sai phạm nói trên, anh Bình chia sẻ nguyện vọng của những hộ dân tại số nhà 15 Hàng Buồm.
Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này !