Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Phương thức lãnh đạo, điều hành kinh tế - xã hội có mặt chưa phù hợp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng nêu ra những hạn chế, yếu kém trong lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế-xã hội nhiệm kỳ 2011-2016.

Ngày 22/3, báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011 - 2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, trong nhiệm kỳ 2011 - 2016, đã nỗ lực làm hết sức mình để thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Những thành tựu, kết quả đạt được cũng như những hạn chế, yếu kém trên các lĩnh vực có phần đóng góp và trách nhiệm trong lãnh đạo, quản lý, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đọc Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ công tác của Chính phủ trước Quốc hội. Ảnh: VGP/
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đọc Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ công tác của Chính phủ trước Quốc hội. Ảnh: VGP
Năng lực dự báo còn hạn chế

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chương trình hành động của Chính phủ nhiệm kỳ 2011 - 2016 xác định 10 nhóm nhiệm vụ chủ yếu với 637 đề án lớn và được cụ thể hóa thành hơn 2.600 đề án thành phần. Như nhận định của cơ quan thẩm tra là Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thành viên Chính phủ đã tạo nên sự chuyển biến tích cực để bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực, nhất là phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tiền tệ, ngân hàng.

Cùng với những kết quả đạt được trên tất cả các lĩnh vực, Chính phủ cũng chỉ rõ những hạn chế còn tồn tại trong lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể về năng lực dự báo còn hạn chế nên việc xây dựng mục tiêu, một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội còn chưa phù hợp; một số cơ chế, chính sách còn thiếu tầm nhìn dài hạn, tính khả thi chưa cao và phản ứng chính sách trong một số trường hợp chưa thật kịp thời. Sự phối hợp chính sách và chỉ đạo điều hành trong thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô và tăng trưởng kinh tế chưa thật đồng bộ, có mặt hiệu quả chưa cao.

“Nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, quản lý sử dụng vốn vay ở một số dự án còn kém hiệu quả, khắc phục còn chậm. Thiếu nguồn lực và cơ chế chính sách hiệu quả để xử lý nhanh hơn nợ xấu và nâng cao chất lượng tín dụng. Việc phát triển thị trường trong nước, khai thác thị trường ngoài nước, nhất là những thị trường đã có Hiệp định thương mại tự do, đấu tranh với những rào cản thương mại quốc tế hiệu quả chưa cao…” - Thủ tướng chỉ rõ.
Toàn cảnh kỳ họp quốc hội
Toàn cảnh kỳ họp quốc hội
Chính phủ cũng nhìn nhận thực trạng, chậm sửa đổi, bổ sung và thiếu những cơ chế chính sách đủ mạnh để huy động, sử dụng hiệu quả cao nhất các nguồn lực và tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, thu hút đầu tư ngoài Nhà nước. Tăng trưởng kinh tế còn chưa tương xứng với tiềm năng. Năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh còn thấp, cải thiện còn chậm. Năm 2015 tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2008 nhưng bình quân cả nhiệm kỳ vẫn chưa đạt kế hoạch…

Làm rõ nguyên nhân, để có giải pháp khắc phục

Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế theo Thủ tướng Chính phủ là do công tác tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu và còn nhiều hạn chế, nhất là trong việc thể chế hóa, tổ chức thực thi pháp luật, cơ chế chính sách, sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương và công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện.

 “Phương thức lãnh đạo, quản lý, điều hành kinh tế - xã hội có mặt chưa phù hợp, hiệu lực hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển trong kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế. Tổ chức bộ máy và phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức nhiều mặt còn hạn chế, nhất là năng lực xây dựng và thực thi thể chế pháp luật, cơ chế chính sách”, Thủ tướng nhìn nhận.

Trong báo cáo thẩm tra công tác nhiệm kỳ 2011 - 2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý đề nghị: Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn về việc tổ chức triển khai những chính sách, biện pháp và tạo điều kiện thuận lợi cho DN, người nước ngoài đóng góp tích cực về ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.  Đồng thời, làm rõ nguyên nhân một số thủ tục trong hoạt động của Nhà nước còn phức tạp, rườm rà, chồng chéo, nhiều lĩnh vực vẫn còn tình trạng “xin - cho”.

“Báo cáo tổng kết của Chính phủ vẫn chưa phản ánh đầy đủ tình hình, tính chất, mức độ của thực trạng tham nhũng, lãng phí trong thời gian qua. Tham nhũng không những chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, không chỉ là nguy cơ tiềm ẩn mà ngày càng hiện hữu; tình trạng lãng phí còn xảy ra khá phổ biến trong nhiều lĩnh vực mà chưa có biện pháp khắc phục…” - Chủ nhiệm Phan Trung Lý nhận xét và cho rằng, Chính phủ cần bổ sung, phân tích sâu hơn những yếu kém, hạn chế, qua đó đề xuất những giải pháp khắc phục nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên.

Cùng này, Quốc hội đã nghe báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011 - 2016 của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao; Tổng kiểm toán Nhà nước.
 
Chủ tịch nước chưa thực hiện quyền yêu cầu Chính phủ họp
Trong báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2011 - 2016, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, đã thực hiện đầy đủ, có hiệu quả nhiệm vụ quyền hạn mà Hiến pháp và pháp luật quy định, cũng như các các nhiệm vụ được Bộ Chính trị và Ban Bí thư phân công. Trên cương vị là người đứng đầu Nhà nước, Chủ tịch nước đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng, củng cố và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… Tuy nhiên, Trước một số vấn đề quốc kế dân sinh hệ trọng và bức xúc, Chủ tịch nước chưa thực hiện quyền yêu cầu Chính phủ họp bàn những vấn đề mà Chủ tịch nước xét thấy cần thiết, theo quy định của Hiến pháp.