Sau 12 năm trăn trở với âm nhạc dân tộc bằng phương pháp sáng tác và biểu diễn được Phó An My và Đặng Tuệ Nguyên gọi là “Đối thoại”, năm 2017 Phó An My và Đặng Tuệ Nguyên tiếp tục muốn khai phá để chuyển tiếp sang một chu trình sáng tạo mới.
|
Từ trái qua: Contrabass Đỗ Hải Nam, nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên và pianist Phó An My |
Nếu coi “Đối thoại” là vòng đời sáng tạo thứ nhất (12 năm) với những khoảnh khắc trò chuyện thú vị với Tuồng- Lửa, Hầu Văn- Bóng, Chèo- Gió... thì vòng đời sáng tạo thứ hai này của Phó An My và Đặng Tuệ Nguyên sẽ là những phút giây thăng hoa của bút pháp sáng tác, nghệ thuật độc tấu và hòa tấu nhạc cụ bám rễ sâu, nở hoa từ âm nhạc cổ truyền. Phương thức sáng tác mới có thể gọi là “Độc thoại” dân gian được thể hiện bằng ngôn ngữ âm nhạc thính phòng giao hưởng đương đại.
Chia sẻ trong buổi họp báo, pianist Phó An My cho biết “Độc thoại” là những tác phẩm âm nhạc hoàn chỉnh lấy chất liệu âm nhạc bằng motif nguyên tố nhỏ nhất, hoặc bằng hơi “không khí âm nhạc” dân gian. Âm nhạc “Độc thoại” được mô phỏng như những khoảnh khắc tự ngẫm, tự cảm, tự vấn của người nghệ sĩ bám sâu, bám chắc vào mảnh đất văn hóa cội nguồn của mình.
Những tác phẩm hoàn chỉnh được liên kết thành một bức tranh toàn cảnh của một không gian cảm súc sáng tạo và biểu cảm thống nhất. “Và lần này trên chặng đường “Độc thoại”, đêm diễn đầu tiên được ra mắt với cái tên: ‘Độc hành’, lấy bối cảnh đời sống văn hóa, âm nhạc dân gian của đồng bào Tày Nùng vùng Đông Bắc làm nền sáng tạo”.
Người Tày và người Nùng những cộng đồng dân cư sinh sống đan xen và gần gũi nhau trên vùng núi phía Đông Bắc Việt Nam. Người Nùng và người Tày cùng sử dụng chung chữ Nôm Tày cổ, có chung cây Tính Tẩu (đàn bầu), cây đàn đặc dụng trong tín ngưỡng thờ Then (Trời). Tuy nhiên mỗi dân tộc, mỗi vùng có nhiều nét riêng, người Tày có hát lượn, người Nùng có hát Shi, người Tày có múa Chầu, người Nùng có múa Xiên Tâng... Người Tày ở Thái Nguyên, Bắc Cạn có hát nàng ới, hát lượn, cọi... Người Nùng có nhiều ngành, mỗi ngành Nùng có một lối hát giao duyên khác nhau, đặc biệt như người Nùng Phàn Sình ở Lạng Sơn, Bắc Cạn, người Nùng An ở Cao Bằng có hát Shi Xoong Hâu (này ơi), 2 bè tự nhiên.
Ngoài ra, trong chương trình lần này còn có sự góp mặt của tay trống Trần Xuân Hòa, Contrabass Đỗ Hoàng Nam. Qua những sáng tác của Đặng Tuệ Nguyên, ngón dương cầm bão tố Phó An My, chương trình hứa hẹn sẽ đưa khán giả yêu quý của mình viễn du vào miền đất lại, những nền văn hóa mới. Hãy lắng nghe, thả mình vào tiếng đàn, để nghe tiếng núi rừng, tiếng của cây đàn Tính, đàn bầu, của tiếng hát lượn, hát shi, của điệu múa chầu, hay cả điệu múa Xiên Tâng trong đám ma của người Tày.