KTĐT - Vụ đụng độ cuối tuần qua là căng thẳng nghiêm trọng nhất giữa Thái Lan và Campuchia trong nhiều năm. Sự kiện này cho thấy tranh chấp quanh đền Preah Vihear kéo dài hơn một thế kỷ vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm.
Một thế kỷ tranh chấp
Đền Preah Vihear được xây dựng chủ yếu trong thế kỷ 11 và 12 khi đế chế Khmer đang ở thời cực thịnh. Những tấm bản đồ của Siam (tên gọi cổ của Thái Lan) và do người Pháp đô hộ Campuchia vẽ từ thế kỷ 19 đều mô tả ngôi đền này thuộc đất Campuchia. Nhưng sang các thập kỷ sau đó, người Thái cho rằng các tấm bản đồ này không chính thức nên không có giá trị.
Sau nhiều thập kỷ bất đồng, Toà án Tư pháp Quốc tế ra phán quyết năm 1962 về việc đền Preah Vihear thuộc quyền quản lý của người Campuchia. Thái Lan chấp nhận Campuchia có chủ quyền với ngôi đền, nhưng cho phong toả hầu hết khu vực bao quanh khiến người Campuchia chỉ có thể tiếp cận cơ sở tôn giáo này từ một sườn dốc hiểm trở.
Tranh chấp giữa Thái Lan và Campuchia bùng phát mạnh vào năm 2001 khi quân đội Thái phong toả toàn bộ ngả đường dẫn vào đền Preah Vihear trong suốt hơn một năm. Căng thẳng sau đó leo thang vào tháng 7/2008, sau khi Campuchia thành công trong việc vận động để Unesco công nhận ngôi đền là một di sản của thế giới.
Tháng 4/2009, binh sĩ hai bên giao tranh tại biên giới gần ngôi đền khiến 2 lính Thái Lan thiệt mạng. Xung đột tái diễn vào cuối tuần trước, sau khi toà án Campuchia kết án hai thành viên của một phong trào dân tộc Thái Lan vì tội hoạt động gián điệp.
Campuchia cho biết đền Preah Vihear đã bị hư hại nghiêm trọng với một phần bị đánh sập trong vụ giao tranh, trong khi Thái Lan phủ nhận việc tấn công ngôi đền và cáo buộc Campuchia đã biến một cơ sở tôn giáo thành căn cứ quân sự.
Chia rẽ sâu sắc
Cả hai bên đều cáo buộc lẫn nhau đã nổ súng trước và báo cáo tình hình bằng văn bản lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Cách tiếp cận vụ giao tranh cũng đang có sự chia rẽ. Phnom Penh muốn có bên thứ ba là Liên Hợp Quốc can thiệp, trong khi Bangkok kiên quyết với quan điểm rằng hai nước nên tự mình giải quyết căng thẳng.
Vào ngày thứ tư của cuộc giao tranh hôm 7/2, Thủ tướng Campuchia Hun Sen kêu gọi Liên Hợp Quốc can thiệp bằng cách lập một vùng đệm tại khu vực biên giới đang xảy ra tranh chấp giữa Thái Lan và Campuchia. Trong khi đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon hối thúc hai bên "hết sức kiềm chế".
Ông Hun Sen cũng cho rằng cuộc đụng độ "đang đe doạ đến an ninh khu vực". "Chúng tôi cần Liên Hợp Quốc cử lực lượng tới đây và thiết lập một vùng đệm để đảm bảo rằng sẽ không có thêm giao tranh", BBC dẫn lời người đứng đầu chính phủ Campuchia.
Thủ tướng Campuchia yêu cầu Hội đồng Bảo an giúp ngăn chặn hành động mà ông gọi là "liên tục gây hấn" của Thái Lan. Bangkok thì gửi thư cho Hội đồng Bảo an để phản đối việc "binh sĩ Campuchia liên tục có hành động tấn công vô cớ". Bộ Ngoại giao Thái Lan cũng khẳng định binh sĩ của họ chỉ hành động "tự vệ".
Đây là đợt đụng độ nghiêm trọng nhất giữa hai nước láng giềng Đông Nam Á trong nhiều năm qua. Giao tranh làm 5 người thiệt mạng, gồm hai binh sĩ và một dân thường Campuchia cùng một binh sĩ và một dân thường Thái Lan. Ngoài ra còn có hàng nghìn người địa phương của cả hai phía sống gần ngôi đền phải di tản.
Nguy cơ tiềm ẩn
Do sức ép từ cộng đồng quốc tế, hai bên hiện đã tạm ngưng tiếng súng nhưng binh sĩ Thái Lan và Campuchia đóng tại khu vực rộng 4,6 km vuông xung quan đền Preah Vihear vẫn trong tình trạng báo động cao. Chính phủ Thái Lan cho biết họ sẵn sàng đàm phán với Campuchia tại nước thứ ba để giải quyết bất đồng.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng bác bỏ đề xuất của Thủ tướng Campuchia Hun Sen về việc triệu tập họp khẩn cấp vì vụ tranh chấp đền Preah Vihear. Chủ tịch hội đồng Maria Luiza Ribeiro Viotti tuyên bố, vấn đề này nên được giải quyết ở cấp khu vực. ASEAN thì kêu gọi hai nước đàm phán có thể với sự giúp đỡ của hiệp hội mà cả hai nước đều là thành viên này.
Kể từ đầu tuần này, không còn các vụ giao tranh dữ dội giữa Thái Lan và Campuchia nhưng bầu không khí tại khu vực đền Preah Vihear vẫn đặc biệt căng thẳng, với cây cối ngổn ngang cùng những vết cháy xém và hố sâu do đạn pháo gây ra trong cuộc chạm trán kéo dài 4 ngày cuối tuần qua.
Một lính bộ binh Campuchia có tên Muong Van đang cố thủ tại công sự cho biết: "Chúng tôi đang sẵn sàng chiến đấu vì không thể tin người Thái thêm được nữa".
Còn tại tỉnh Si Sa Ket bên phía Thái Lan, gần 17.000 người sống gần biên giới Campuchia đã phải đi sơ tán. Tỉnh trưởng Si Sa Ket là Somsak Suvarnsujarit nói : "Vẫn còn rất nhiều bất ổn và chúng tôi chỉ cho người dân quay về làng của mình khi có dấu hiệu rõ ràng từ quân đội cho thấy tình hình đã trở lại bình thường".