Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

PVN, EVN hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong tình hình kinh tế thế giới và trong nước còn đối mặt nhiều khó khăn đã tác động không tốt tới hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) nhưng năm 2013 cả 2 tập đoàn kinh tế lớn: Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã hoàn thành toàn diện và về đích trước trong mọi chỉ tiêu kế hoạch được Chính phủ giao.

Tại buổi họp báo đầu năm 2014 diễn ra chiều 7/1, lãnh đạo PVN cho biết, năm 2013, tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 762,86 ngàn tỷ đồng, vượt 18% kế hoạch năm và về đích trước kế hoạch 50 ngày. Đặc biệt trong điều kiện thu nộp ngân sách năm 2013 nhiều khó khăn, PVN vẫn nộp vượt 46,8 ngàn tỷ đồng - tương đương 2,22 tỷ USD so với kế hoạch, góp phần quan trọng trong việc cân đối ngân sách. Công tác tái cấu trúc DN được triển khai khẩn trương, nghiêm túc, đảm bảo tiến độ yêu cầu và đã đạt kết quả bước đầu sau gần một năm đề án được phê duyệt tháng 1/2013. Cụ thể, Tập đoàn đã hợp nhất xong 2 tổ chức tín dụng thành Ngân hàng PVcombank, với vốn tham gia giảm từ hơn 70% về hơn 50%, hợp nhất 2 tổ chức: Viện Dầu khí với trường Đại học Dầu khí. PVN dự kiến đến năm 2015 PVN sẽ thoái vốn khỏi Oceanbank với chủ trương thoái vốn vững chắc.

Năm 2014, PVN đã thống nhất triển khai 12 nhóm giải pháp để phát huy những thế mạnh, hạn chế tối đa khó khăn để thực hiện vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch SXKD: Gia tăng trữ lượng dầu khí, phấn đấu vượt 20% so với kế hoạch Chính phủ giao; khai thác dầu khí vượt 0,92%; tổng doanh thu 673,3 ngàn tỷ đồng, vượt 6,8%; nộp ngân sách 144,5 ngàn tỷ đồng, vượt 4,8% kế hoạch được giao… 

Cùng ngày, tại buổi gặp gỡ báo chí, ông Phạm Lê Thanh - Tổng Giám đốc EVN chia sẻ, năm 2013, lần đầu tiên hệ thống điện cả nước không chỉ đáp ứng đầy đủ công suất điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước mà còn có dự phòng. Công suất của toàn hệ thống điện đã đạt khoảng 30.000 MW (trong khi năm 2013, công suất tiêu thụ lớn nhất khoảng trên dưới 20.000 MW). Không chỉ làm tốt công tác kinh doanh (đầu tư nâng cấp hệ thống điện với tổng vốn đầu tư hơn 104.000 tỷ đồng), EVN còn tham gia tích cực vào chương trình an sinh xã hội trong việc nâng tỷ lệ số xã có điện trong cả nước đến năm 2013 đạt 98,63%. Đặc biệt, lần đầu tiên EVN đưa điện lưới Quốc gia ra đảo Cô Tô, Phú Quốc (dự kiến khánh thành trong tháng 1/2014), hoàn thành nhiều công trình điện tại các xã khó khăn trên nhiều tuyến biên giới… góp phần nâng cao đời sống người dân, khẳng định chủ quyền biên giới, biển đảo của Việt Nam. Bên cạnh công tác đầu tư, kinh doanh, với việc tạo những bước chuyển biến mạnh mẽ trong khâu dịch vụ khách hàng, EVN đang từng bước lấy lại niềm tin của khách hàng với ngành điện.

Năm 2014, cùng với mục tiêu không chỉ bảo đảm đủ điện với chất lượng ngày một cao hơn, EVN cũng thực hiện đẩy mạnh đầu tư (với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 120.000  tỷ đồng) theo Tổng sơ đồ điện 7 và bảo đảm điện cho miền Nam, thực hiện tái cơ cấu, thoái vốn đầu tư ngoài ngành. Ngoài ra, lãnh đạo EVN cũng cam kết quyết liệt trong việc tối ưu hóa chi phí, đẩy mạnh thực hiện minh bạch hóa các chi phí và phát triển thị trường điện cạnh tranh.