Đó là những đánh giá tại Tọa đàm “Sáng tạo, làm chủ công nghệ trong hoạt động bảo dưỡng các công trình dầu khí” chiều ngày 24/11.
Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, Trưởng ban Truyền thông và Văn hóa doanh nghiệp PVN Trần Quang Dùng chia sẻ tại sự kiện. |
Trong bối cảnh vô cùng phức tạp và khó khăn của đại dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu, khi chuyên gia không thể sang Việt Nam, kinh phí hạn hẹp…, các đơn vị của PVN đã thành công hoàn thành bảo dưỡng giàn Đại Hùng, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, Nhà máy Đạm Cà Mau. Đây là những thành tích đáng ghi nhận và tự hào. Để làm được điều đó, ngành Dầu khí đã không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, người lao động Dầu khí là tấm gương cho người lao động cả nước noi theo.
Chia sẻ tại tọa đàm, Phó Tổng Giám đốc Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) Nguyễn Anh Minh cho biết: Trong 10 năm qua, DQS sửa chữa đóng mới khá nhiều tàu dịch vụ, tàu chở dầu. Hiện, DQS đang đóng mới tàu 350.000 tấn phục vụ cho thị trường châu Phi. Trong 2 năm qua, doanh nghiệp liên tiếp sửa chữa nhiều giàn khoan khai thác, trong đó có giàn Đại Hùng - một trong những giàn lớn nhất của Việt Nam. Yêu cầu của chủ đầu tư rất khắt khe (75 ngày - chưa được thời gian 1/2 so với trước kia).
Trong đó, DQS phải làm sạch hơn 55 ngàn m2, hàng chục ngàn mét đường ống, thay hàng chục ngàn mét tôn chống ghỉ… Đại Hùng là giàn nửa nổi, nửa chìm nên việc kéo giàn vào bảo dưỡng là cực kỳ nguy hiểm và mất nhiều thời gian, nhưng nhờ việc khảo sát kỹ luồng lạch, chuẩn bị đầy đủ vật tư thiết bị, áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật mới, DQS đã đưa được giàn Đại Hùng vào bờ an toàn. Một trong những sáng tạo quan trọng trong quá trình bảo dưỡng, DQS áp dụng giải pháp xông nitơ và nước vào trong các đường ống dẫn dầu, vừa giảm nguy cơ cháy nổ vừa rút ngắn thời gian được 18 ngày".
Ngoài ra, các đơn vị đã làm chủ công tác BDSC, công suất các nhà máy trong Tập đoàn duy trì ở mức cao so với thời điểm bắt đầu đưa nhà máy vào hoạt động. Những kỷ lục thời gian hoạt động liên tục được phá vỡ, chẳng hạn như Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã duy trì hoạt động được 1.800 ngày không có sự cố dừng máy ngoài kế hoạch (không tính thời gian tạm dừng vận hành để bảo dưỡng), Nhà máy Đạm Cà Mau vận hành liên tục 330 ngày, thể hiện việc vận hành và BDSC đã được thực hiện rất tốt, sự khẳng định đối với năng lực, sự trưởng thành của đội ngũ nhân sự vận hành và BDSC.
Tham luận tại tọa đàm về công tác bảo dưỡng sửa chữa Nhà máy xử lý Khí Dinh Cố, Phó Giám đốc Công ty Chế biến Khí Vũng Tàu (KVT) Phan Tấn Hậu chia sẻ: Nhà máy xử lý Khí Dinh Cố đi vào hoạt động được 21 năm. Hiện nay, nhà máy xử lý 5,8 triệu m3 khí/ngày đêm. Chỉ có lần đầu tiên bảo dưỡng tổng thể nhà máy là phải thuê nhà thầu Nhật Bản. Từ năm 2009 đến nay, toàn bộ công tác BDSC đều được cán bộ công nhân viên PV GAS chủ động hoàn tất. Đặc biệt là đợt bảo dưỡng tổng thể vào năm 2012 với 12 ngày đêm bảo dưỡng toàn bộ các thiết bị công nghệ của nhà máy.
Theo Phó Giám đốc Nhà máy, Trưởng Ban Quản lý Bảo dưỡng Nhà máy Đạm Cà Mau Đặng Quang Hùng, chi phí của Nhà máy Đạm Cà Mau giảm sâu và liên tục qua từng năm do liên tục rà soát các chỉ số bảo dưỡng. Trong đó, mỗi thiết bị đều được theo dõi, đánh giá từ khi đưa bào sử dụng đến khi hư hỏng. Từ đó tìm ra các quy luật, tại sao hỏng, đến lúc nào phải thay thế, tìm ra giải pháp xử lý các lỗi do thiết bị ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống. Do quản trị khoa học công tác BDSC, chi phí BDSC liên tục giảm, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh Đạm Cà Mau. Đặc biệt, Nhà máy Đạm Cà Mau đang vận hành với công suất 112%, đây là điểm quan trọng giúp PVCFC về đích trước 55 ngày so với kế hoạch năm 2020 – một năm nhiều biến động do dịch bệnh và cả sự xâm ngập mặn đất nông nghiệp tại Cà Mau và các tỉnh miền Tây gây sụt giảm doanh thu của Đạm Cà Mau.
Có thể khẳng định, với đội ngũ nhân lực giàu kinh nghiệm, làm chủ công nghệ BDSC các nhà máy lớn có công nghệ tiên tiến về lọc hóa dầu, chế biến khí, điện, đạm, PVN đang đặt mục tiêu đưa dịch vụ BDSC các công trình công nghiệp vươn tầm quốc tế.
BSR liên tục đổi mới sáng tạo, vận hành an toàn, từ năm 2016 đến nay, Nhà máy đã đạt được hơn 28 triệu giờ công an toàn. Việc đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người lao động và cả nhà thầu là điều đáng tự hào nhất của BSR. Thời gian BDSC cũng được rút ngắn liên tục, từ 61 ngày, xuống 51 ngày đêm. Giám đốc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất Mai Tuấn Đạt |