Và, chỉ mong lúc nào mẹ cũng quấn chiếc khăn vuông nâu trên đầu che lấp đi. Sắp Tết rồi mẹ ạ. Tôi thông báo, mẹ thở dài, Tết nhất chỉ buồn thôi.
Tôi đứng dậy, ra bến đò, có vài khách đang đợi. Thấy tôi khuôn mặt họ rạng rỡ hẳn, chắc vì đợi đã lâu. “Cô về nhà ăn cơm, chúng tôi biết nên đợi” - Một người già nhất trong số đó nói, tôi “vâng”, bước lên đò, đẩy cho nó sát bờ hơn rồi mời khách lên, nhổ neo, chèo.
Bến đò mùa đông lạnh và buồn. Những ngày cuối năm, lèo tèo khách. Không có một chút gì không khí sắp Tết. Gió rười rượi thổi, đôi chút hờ hững. Dù đã cùng mẹ chở đò mấy năm nay, nhưng tôi vẫn chưa thành thạo sông nước. Một điều lạ là tôi bơi rất kém, kém nhất trong những đứa bạn cùng chơi, chuyện khó tin nhưng đó là sự thật. Mẹ tôi khác, mẹ làm nghề chở đò ít nhất ba chục năm. Khúc sông này chỗ nông, sâu nào mẹ cũng tường tận. Con sông chứng kiến mái tóc mẹ suôn dài, đen óng mượt chuyển màu. Thời gian nghiệt ngã phải không sông?
Anh là người đàn ông găm vào tôi nỗi nhớ. Một khách đi đò, lần đầu đã khiến tôi tơ tưởng bởi ánh mắt và nụ cười, cuốn hút không cưỡng được. "Anh có thể thay em chở đò không?". Tôi cười, mặt nóng ran: "Anh muốn thì cứ làm, em không cản". Thế mà anh chèo thật, thành thục như đã từng nhiều năm sông nước. Tôi nhìn anh cười, thấy gần gũi không tả xiết.
- Anh chèo giỏi quá!
- Tôi có thể cả ngày đưa khách thay em.Tôi đùa:
- Vậy ngày mai anh lại đến nhé.
Anh bước lên bờ, xốc lại chiếc cặp có dây quàng qua vai, đánh rớt một nụ cười làm tôi mê mị. Lần đầu tiên tôi có cảm tình với một ánh mắt. Tôi chưa biết tên anh.
Tưởng anh đùa thôi, vậy mà hôm sau anh đến thật. Hôm đó tôi đi một chuyến, về nhà quấn thêm chiếc khăn, quay ra thì thấy anh đứng đó.
- Em chở muộn vậy à? Anh hỏi.
- Không, em chở xong một chuyến rồi đó chớ.
Anh cùng tôi bước lên đò, một vài khách đứng trên kia với tay bảo đợi. Chúng tôi dừng, đợi họ lên. Khi tất cả yên chỗ ngồi, anh lấy sào đẩy thuyền đi.
Mẹ tôi gặp cha cũng ở bến sông. Tình yêu nảy nở từ khúc sông này, một chiều hè hay chiều thu, tôi không nhớ chính xác lần mẹ kể. Rồi hai người cưới nhau, sinh ra tôi. Cha tôi là người làng bên, dạy học cấp II. Sau khi có tôi, cha không chịu được cảnh sống đạm bạc của một anh giáo làng vì đồng lương èo uột. Ông ra phố tìm kiếm cơ hội. Rồi ông cũng được như ý nguyện. Mẹ tôi con gái làng chài, mấy bà buôn cá nói thả cho chồng đi rồi có ngày mất. Mẹ chỉ cười, làm sao thế được, tôi giữ chặt lắm. Mẹ tin cha. Nhưng chẳng ngờ được, cha đã có một người đàn bà khác nơi phố xá thật. Mẹ không tỏ ra quá tức giận khi cha trở về, nhưng hờ hững. Lúc đó tôi được hai tuổi rưỡi, không hiểu rõ những chuyện của người lớn, chỉ nấc lên khi thấy mẹ khóc. Một ngày, cha gằn giọng từng tiếng, phũ phàng trước những lời nói đẫm nước mắt của mẹ. Cha đi, nói sẽ không về nữa. Và cha tôi không về. Lúc đó tôi đứng trân trân. Cha đi ngang qua, không nhìn lại, không chút nuối tiếc. Cha không thương con gái sao?
Có người nói vùng này người ta có cái rớp phản bội vợ. Tôi đã không tin, nhưng sau này vài ba trường hợp như vậy, và tìm hiểu lại trước đó từng có rất nhiều, tôi không thể không tin. Ông Tư, chú Tím là những ví dụ. Họ đều bỏ vợ mà đi, rất đơn giản, chỉ vì vài chuyện đâu đâu. Người ta nói họ có ý bỏ vợ nên làm nhiều cách để xa lánh, khiến vợ chán nản, rồi chia tay. Tôi đắng đót nghĩ về điều đó. Mẹ tôi ở vậy, chèo chống nuôi tôi và thân xác gầy còm của mẹ. Thương sao mẹ vẫn yêu đời, tốt với mọi người và nhiều đêm trằn trọc dưới ánh trăng, ầng ậc nước mắt.Anh trêu:
- Chở đò mà vui thế này, anh chở suốt đời cho em cũng được
- Vậy thì anh cứ làm như thế nhé.
Anh tên Đông, cái tên mà sau này anh khiến tim tôi nhói đau. Một mùa đông ném vào lòng tôi đầy đủ cái xạc xào buốt giá của nó.
Đông là kỹ sư trẻ, theo đoàn về thiết kế thi công cây cầu bắc qua sông. Chỉ một thời gian nữa, khi cây cầu thông, con đò này, bến đò này chỉ còn là một chút hoài niệm, như chiếc lá tre trôi dạt trên dòng thu heo hút. Với tôi và mẹ, và cả những người dân trong làng, đó là một niềm chờ đợi, rất lâu rồi. Và nó sắp thành hiện thực. Nhưng từ trong sâu thẳm trái tim tôi gợn lên một nỗi niềm khó nói. Tôi thương con đò mình, con đò tôi thay mẹ lái. Tôi thương thời con gái tôi gắn bó với sông, với đò. Vì hoàn cảnh, tôi không được ra phố học hành. Không còn chở khách, tôi sẽ lại làm ruộng, và có thể, tôi được một người thương, người đó sẽ lấy tôi về làm vợ. Cuộc sống sẽ kéo ký ức về con đò trôi xuôi…
Anh còn lái đò cho tôi nhiều lần nữa. Có lúc chỉ tôi và anh, tôi lái anh ngồi, và ngược lại. Tôi nói về những ước mơ. Anh nói về sự thành đạt, những kế hoạch của công ty và cây cầu đang hình thành. Đôi lúc, tôi lại thấy lâng lâng vui vì sẽ được ngồi sau xe máy của anh đi qua cầu. Có cây cầu, cuộc sống của người làng tôi sẽ khấm khá hơn.
Công ty cho công nhân về. Và công việc để dựng xây cây cầu được bắt đầu. Những thủ tục với cán bộ xã, thôn được hoàn thiện. Đông là thư ký của sếp, xăng xái lo việc và giám sát thi công. Công nhân làm việc lấy hẳn tầng hai và tầng ba ngôi nhà bác An mới xây làm chỗ ở. Anh cũng ở đó. Buổi tối, anh thường hẹn tôi.
- Trăng quê đẹp quá, Vy nhỉ. Em đứng dưới trăng đẹp hơn.
Đông thì thào bên mái tóc dài mượt của tôi. Có lúc anh gần như hôn vào má tôi. Tôi cứ để mặc anh vậy, chỉ cảm nhận được anh sắp sửa hôn mình. Anh đã làm điều đó thực sự.
Và anh đã làm thế sau gần hai tháng kể từ ngày quen nhau. Đông nói lời yêu, êm như trăng mộng và lãng mạn như hoa lá múa nhảy mùa xuân. Tôi rụt rè lui lại. Anh tiến lên. Đàn ông vẫn mạnh mẽ và chủ động. "Em yêu anh nhé?" Tôi không trả lời ngay. Đến khi anh ôm chặt ngang lưng tôi, áp sát môi mình vào môi tôi thì tôi không thể kìm nén cảm xúc. Tôi róng riết trong vòng tay anh, ngấu nghiến hạnh phúc. Mẹ biết chuyện, hỏi: "Con yêu nó thật chưa? Còn nó có yêu con không?". Tôi thưa: "Con yêu thật, anh ấy cũng yêu thật. Mẹ thấy anh ấy thế nào?". "Mẹ chưa tiếp xúc với nó nhiều, mẹ chưa biết. Con hãy suy nghĩ kỹ, tình yêu đầu thường mong manh. Hãy thận trọng khi quyết định việc này. Phần mẹ, chỉ biết động viên con thôi". Tôi “vâng”. Một vài lần đưa anh về nói chuyện với mẹ. Hôm đó mẹ nấu mấy món ngon. Mẹ nói trông anh cũng đàng hoàng, gật đầu ưng thuận. Tôi xăng xái với niềm vui mới.
Tôi tự hào đi bên anh, xênh xang những buổi chiều nghỉ giám sát. Anh nói đã nhờ một người khác. "Anh lười nhỉ?". Tôi nhìn sâu vào mắt anh đùa. "Ừ, lười! Anh là kẻ lười nhác mà, lười nhác vì yêu!". Cả hai cười khúc khích.
Tôi đã yêu hết mình. Những ngày này, mẹ chèo đò một nửa ngày còn nửa ngày phần tôi. Mẹ nói con cũng nên giữ mình. Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu. Tôi khẽ “vâng” để mẹ yên lòng.
Tình yêu mê đắm khiến tôi mụ mị, anh rót vào tai tôi niềm tin ngọt bùi. Tôi không giữ mình, hiến dâng hết. Tôi hướng về anh và một mái ấm. Mấy đứa bạn nói tôi dại dột hơn chúng. Có lẽ vậy. Anh nói, chúng mình sẽ cưới nhau. Đằng nào hai đứa cũng là vợ chồng.
Đúng nửa năm trời thi công, công trình cầu Làng Chài đã thông, hiên ngang bắc qua sông. Đó cũng là ngày tôi và mẹ không còn chèo đò nữa. Con đò sẽ bỏ đó, cả cây sào đã gắn bó với hai mẹ con suốt bao ngày vất vả. Tôi sẽ rất nhớ tiếng gọi ời ời của khách những ngày mưa...
Ngày khai thông cầu, bàn giao công trình, tôi hồi hộp chờ đợi anh về. Trước đó, Đông nói bận đi làm một công trình khác, ngày cây cầu này thông, anh sẽ về. Và, khi nhìn thấy anh, tôi đã lạnh người. Ngồi sau xe anh là một người con gái khác, tóc xoăn xoăn, lông mày kẻ chì đậm, môi chót đỏ. Anh hờ hững đi qua tôi như chưa từng quen biết. Tôi nhớ lúc đó có gọi nhưng anh không nghe thấy. Tôi trân trân đứng nhìn, muốn khóc.
Cuối buổi khánh thành, tôi đứng đàng xa, nhìn người ta bắt tay nhau và tiếng vỗ liên tiếp giòn giã. Cô gái lúc trước ngồi sau xe Đông tiến lại gần tôi, khinh khỉnh giọng phố thị: "Những người công nhân ở công ty có nói qua về chuyện của cô với ông Đông rồi, cô đừng tin. Tôi cũng chả là gì của ông ấy, ông ấy cũng chả là gì của tôi. Chúng tôi chỉ lợi dụng nhau thôi. Đừng hiểu lầm. Cô biết không, Đông đi làm công trình, nơi nào cũng có một kẻ nhẹ dạ như cô hiến dâng".