Giữa lúc lỗ hổng do ông Kofin Annan - Điều phối viên chung của Liên Hợp quốc (LHQ) và Liên đoàn Ả Rập (AL) về Syria từ nhiệm còn chưa được lấp đầy, việc Đại hội đồng LHQ hôm 3/8 thông qua Nghị quyết về quốc gia Trung Đông này càng đẩy thế giới vào một cuộc tranh cãi mới. Theo các nước Nga, Belarus, Venezuela, Ấn Độ, Trung Quốc, Cuba, Nam Phi,… Nghị quyết này chỉ làm bùng phát thêm những lối tiếp cận đối đầu tới giải quyết cuộc khủng hoảng Syria mà không đóng góp khả năng đưa ra một nền tảng đối thoại cho các bên. Ngược lại, Ả Rập Xê út và các nước phương Tây lại cho rằng, việc áp dụng các biện pháp trừng phạt sẽ là điều kiện tiên quyết để gây sức ép buộc chính quyền Syria ngừng sử dụng các vũ khí hạng nặng và rút quân ra khỏi các thành phố. Nghị quyết này tiếp tục cho thấy sự chia rẽ của cộng đồng quốc tế trong việc tìm kiếm một giải pháp thực sự có lợi cho người dân Syria. Nhằm chống lại những sức ép từ bên trong và bên ngoài, quân đội Syria đã giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn thủ đô Damascus sau gần 2 tháng diễn ra chiến sự tại đây. Tuy nhiên, bạo lực tại Aleppo - thành phố lớn thứ 2 của Syria vẫn diễn ra căng thẳng, trong thế giằng co giữa quân đội Chính phủ và lực lượng nổi dậy. Tại Yemen, con số nạn nhân thiệt mạng trong vụ nổ do một kẻ khủng bố tự sát thực hiện ở thành phố Abyan, tỉnh Dzhaar đã vượt quá con số 40 người. Tình hình Iraq cũng không hề yên ả khi các vụ đánh bom xe liên hoàn, tấn công khủng bố đã diễn ra một cách thường xuyên hơn, với mật độ dày đặc hơn. Về kinh tế, cuộc khủng hoảng nợ công tiếp tục "hoành hành" tại châu Âu khi chi phí đi vay của Tây Ban Nha và Italia đã trở lại ngưỡng nguy hiểm và tiếp tục làm xói mòn niềm tin của các nhà đầu tư. Trong khi đó, kinh tế toàn cầu lại phải đối mặt với nguy cơ mất động lực tăng trưởng khi Trung Quốc, Nga, Ấn Độ đang phải giải quyết những bài toán khó về hạ tầng, lạm phát, nguồn vốn,… Liên quan đến tình hình thiên tai và thảm họa, hai cơn bão lớn Saola và Damrey đã gây thiệt hại lớn về người và của cho các nước châu Á. Đặc biệt, theo LHQ, trận lũ lụt lịch sử tại CHDCND Triều Tiên hồi tuần trước đã khiến 88 người thiệt mạng, hơn 200.000 lâm vào cảnh vô gia cư. Theo Chương trình Lương thực của LHQ nếu Triều Tiên không được viện trợ lương thực ngay lập tức, quốc gia này sẽ phải đối mặt với nạn đói lớn chưa từng có. Tại Uganda, một trận dịch Ebola nguy hiểm đã bùng phát tại miền Tây nước này làm ít nhất 14 người chết và 36 trường hợp nhiễm bệnh. Kể từ khi vi rút Ebola được phát hiện từ năm 1976 đến nay, đã có hơn 1.200 người thiệt mạng trong số gần 1.900 ca mắc bệnh. Đặc biệt, việc 1 trong 5 tù nhân được điều trị Ebola vừa trốn viện đã làm dấy lên nguy cơ lây lan căn bệnh nguy hiểm vì chưa có phương thức điều trị hữu hiệu này ra toàn bộ châu Phi - châu lục nghèo đói nhất thế giới hiện nay.