Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quá trình xây dựng trái phép "biệt phủ" ở Bình Phước diễn ra như thế nào?

Lâm Thiện
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2022, bà Nguyễn Thị Thanh Bình được cấp phép xây dựng công trình với diện tích 100m² nhưng đã xây dựng tới hơn 660m². Khi được cấp phép xây dựng 326m², chủ đầu tư tiếp tục vi phạm, xây dựng hơn 960m², xây dựng luôn trên đất nông nghiệp và đất quy hoạch đường giao thông.

"Biệt phủ" xây dựng sai phép trên đất nông nghiệp và đất quy hoạch gây ồn ào dư luận tỉnh Bình Phước trong thời gian qua.
"Biệt phủ" xây dựng sai phép trên đất nông nghiệp và đất quy hoạch gây ồn ào dư luận tỉnh Bình Phước trong thời gian qua.

Công trình "biệt phủ" với diện tích hàng chục nghìn mét vuông tại thành phố Đồng Xoài đã gây xôn xao dư luận tỉnh Bình Phước trong thời gian qua. Các cơ quan báo chí cũng đã nhiều lần phản ánh về vi phạm này. Bài viết này của Báo Kinh tế & Đô thị sẽ nhìn lại quá trình vi phạm trật tự xây dựng của chủ đầu tư.

Vi phạm ngay từ đầu, cơ quan chức năng biết nhưng vẫn để cho xây dựng

Ngày 22/3/2022, trên diện tích đất gần 12.000m² tại phường Tiến Thành, thành phố Đồng Xoài, bà Nguyễn Thị Thanh Bình (sinh năm 1982, thường trú tại thành phố Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) được cấp phép xây dựng công trình nhà ở cấp 4 với tổng diện tích 100m², đúng bằng diện tích đất thổ cư mà bà Bình sở hữu.

Tuy nhiên, thay vì chấp hành xây dựng theo giấy phép được cấp, bà Bình đã cho xây dựng nhiều công trình với tổng diện tích lên tới 667m², vượt 567m² so với giấy phép, thậm chí xây cả trên đất nông nghiệp và đất quy hoạch đường giao thông.

Một góc khu "biệt phủ". Ảnh: Lâm Thiện.
Một góc khu "biệt phủ". Ảnh: Lâm Thiện.

Ngày 12/7/2022, khi kiểm tra trật tự xây dựng tại công trình, tổ công tác của UBND phường Tiến Thành phát hiện chủ đầu tư đang triển khai xây dựng ba công trình với diện tích lần lượt là 323,4m², 259,6m², và 84m². Tổng diện tích xây dựng là 667m², trong khi diện tích đất ở đô thị chỉ là 100m².

Sau đó, vào ngày 28/7/2022, bà Bình được cấp thêm 300m² đất ở tại đô thị, nâng tổng diện tích đất ở lên 400m², nhưng vẫn ít hơn nhiều so với diện tích đã xây dựng trái phép.

Ngày 9/9/2022, UBND thành phố Đồng Xoài tiếp tục cấp phép xây dựng công trình cấp 3 với diện tích 226m², nâng tổng diện tích xây dựng hợp pháp lên 326m². Tuy nhiên, thực tế diện tích đã xây dựng lên tới 667m².

Một góc khác của khu "biệt phủ" sai phép. Ảnh: Lâm Thiện.
Một góc khác của khu "biệt phủ" sai phép. Ảnh: Lâm Thiện.

Vì xử lý không dứt điểm, vi phạm tiếp tục diễn ra

Ngày 23/6/2023, UBND phường Tiến Thành lại kiểm tra và phát hiện chủ đầu tư tiếp tục vi phạm, không khắc phục diện tích xây dựng trái phép. Ngày 10/7/2023, UBND phường Tiến Thành đã báo cáo vụ việc lên UBND thành phố Đồng Xoài để có hướng xử lý.

Tuy nhiên, cơ quan chức năng thành phố Đồng Xoài vẫn chưa xử lý dứt điểm, khiến công trình tiếp tục mở rộng trên đất nông nghiệp và đất quy hoạch đường giao thông. Đến ngày 25/9/2023, UBND phường Tiến Thành yêu cầu bà Nguyễn Thị Thanh Bình giải trình về hành vi vi phạm trật tự xây dựng.

Ngày 20/10/2023, UBND thành phố Đồng Xoài mới ban hành ba quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền gần 40 triệu đồng đối với bà Nguyễn Thị Thanh Bình.

Một góc hạng mục công trình khu "biệt phủ" nằm gọn trên đất nông nghiệp, quy hoạch đất giao thông. Ảnh: Lâm Thiện.
Một góc hạng mục công trình khu "biệt phủ" nằm gọn trên đất nông nghiệp, quy hoạch đất giao thông. Ảnh: Lâm Thiện.
Cổng chào hoành tráng vào khu "biệt phủ". Ảnh: Lâm Thiện.
Cổng chào hoành tráng vào khu "biệt phủ". Ảnh: Lâm Thiện.
Cần làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý các cấp

Có thể nói, đây là trường hợp vi phạm nhiều lần, vi phạm có tính chất khá phức tạp. Theo tìm hiểu, bà Nguyễn Thị Thanh Bình, người bị UBND thành phố Đồng Xoài ra tới 3 quyết định xử phạt nói trên là người thân của một lãnh đạo UBND thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.

Tại thời điểm hiện tại, khu đất gần 12.000m² đã được bao quanh bằng tường rào bê tông cốt thép cao hơn 3m. Bên trong là hàng loạt công trình nhà ở xây dựng sai phép, cùng với hồ thủy tạ rộng hàng trăm mét vuông cũng xây dựng không phép.

Ghi nhận tại "biệt phủ" ngày 26/8/2024, việc tháo dỡ, khắc phục hậu quả của chủ đầu tư chỉ mới dừng lại ở một phần mái ngói và san lấp một phần hồ thủy tạ.

Ông Đỗ Ngọc Tám, "người mua lại" công trình vi phạm trật tự xây dựng từ bà Nguyễn Thị Thanh Bình, đã cam kết tháo dỡ dứt điểm công trình sai phạm. Ông Tám cũng là người nhận san lấp mặt bằng khi công trình triển khai. 
Ông Đỗ Ngọc Tám, "người mua lại" công trình vi phạm trật tự xây dựng từ bà Nguyễn Thị Thanh Bình, đã cam kết tháo dỡ dứt điểm công trình sai phạm. Ông Tám cũng là người nhận san lấp mặt bằng khi công trình triển khai. 

Điều đó phần nào cho thấy công tác quản lý tài nguyên đất đai, xây dựng tại Đồng Xoài còn bất cập. Khi phát hiện công trình "biệt phủ" vi phạm với quy mô lớn, cơ quan chức năng thành phố Đồng Xoài xử lý chậm chạp, thiếu quyết liệt đã "vô tình tạo điều kiện" công trình trải qua hàng năm trời xây dựng trái phép, đến nay đã gần như hoàn thiện khiến dư luận bức xúc.

Báo Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục giám sát quá trình khắc phục hậu quả công trình "biệt phủ" để kịp thời thông tin đến bạn đọc.