Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản chặt chất lượng cá tầm thương phẩm

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, công tác quản lý việc nhập khẩu cá tầm thương phẩm dùng làm thực phẩm được Sở NN&PTNT Hà Nội đặc biệt quan tâm. Các trường hợp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm đều bị xử lý nghiêm.

Trên địa bàn Hà Nội hiện có 42 DN kinh doanh thủy sản được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện. Trong số này, có 10 DN kinh doanh cá tầm. Theo tìm hiểu, 10/10 cơ sở đều nhập khẩu cá tầm từ Trung Quốc. Trong đó, có 2/10 cơ sở bên cạnh kinh doanh cá tầm có nguồn gốc từ Trung Quốc còn buôn bán cả cá tầm được nuôi trồng trong nước tại các tỉnh: Sơn La, Lào Cai, Lai Châu…
Ghi nhận cho thấy, cá tầm sau khi được nhập khẩu về được phân phối đến tay người tiêu dùng chủ yếu qua kênh siêu thị, nhà hàng và cửa hàng buôn bán nhỏ lẻ. Ngoài ra, một số chợ đầu mối, hoặc chợ có tính chất đầu mối cũng kinh doanh mặt hàng này như: Chợ Long Biên (quận Ba Đình); chợ Yên Sở và chợ Đền Lừ (quận Hoàng Mai)…
 Cá tầm được nuôi trồng tại một số tỉnh phía Bắc. Ảnh: Hoàng Long
Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, để chủ động kiểm soát chất lượng cá tầm thương phẩm, vừa qua, đơn vị đã thành lập đoàn công tác, tiến hành kiểm tra tại 4 DN có nhập khẩu sản phẩm này. Theo tờ khai hàng hóa nhập khẩu và giấy chứng nhận kiểm dịch, cá tầm tại cả 4 đơn vị được kiểm tra đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Ngoài ra, 2/4 DN có buôn bán thêm cá tầm nuôi trong nước.

“Quan kiểm tra, 3/4 DN đã xuất trình được giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm cho hoạt động kinh doanh thủy sản. Hợp đồng mua bán nhập khẩu cá tầm, giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản nhập khẩu của các đơn vị cũng tương đối đầy đủ…” - bà Nguyễn Thị Thu Hằng thông tin thêm.

Đối với cơ sở kinh doanh có vi phạm, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản Hà Nội chủ trương xử phạt nghiêm. Theo đó, DN không xuất trình được giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh an toàn thực phẩm theo quy định đã bị đoàn công tác xử phạt số tiền 35 triệu đồng.

Dù chưa ghi nhận vi phạm đối với hoạt động nhập khẩu cá tầm thương phẩm dùng làm thực phẩm trên địa bàn TP, tuy nhiên Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát nguồn gốc, chất lượng đối với thủy sản nhập khẩu nói chung. Đặc biệt là đối với cá tầm thuộc danh mục quy định tại Công ước Quốc tế về buôn bán các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES).

Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đề nghị Bộ NN&PTNT chỉ đạo các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của Sở trong việc kiểm nghiệm, giám sát nguồn gốc, xuất xứ, cũng như chủng loại cá tầm trên địa bàn TP. Xử lý nghiêm các vi phạm trong nhập khẩu thủy sản nói chung cũng như các quy định về an toàn thực phẩm.