Theo Nikkei, chính phủ Nhật Bản sẽ bắt đầu điều phối để xả thải nước thải nhiễm xạ đã qua xử lý từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima ra đại dương sớm nhất vào tháng 8, sau khi được IAEA chấp thuận. Đây sẽ là mốc quan trọng trong quá trình dừng hoạt động nhà máy bị tàn phá trong thảm họa kép động đất, sóng thần hồi năm 2011.
Liên quan đến việc này, Việt Nam cho rằng trách nhiệm bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân thuộc về quốc gia sử dụng năng lượng nguyên tử, và đồng thời đề nghị có hợp tác quốc chặt chẽ, minh bạch trong chia sẻ thông tin, ứng xử có trách nhiệm, tuân thủ đúng theo quy định luật pháp quốc tế, trong trường hợp có xảy ra sự cố hoặc tai nạn, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng khẳng định trong buổi họp báo thường kỳ ngày 6/7.
"Việt Nam ủng hộ phát triển sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình", bà Hằng nhấn mạnh. Đồng thời, Việt Nam đề cao việc duy trì hòa bình ổn định trong khu vực, bảo vệ môi trường biển và tài nguyên biển phù hợp với các quy định luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp quốc về Luật biển 1982, và các quy định liên quan của cơ quan năng lượng quốc tế IAEA, Người Phát ngôn cho biết.
Cũng tại buổi họp báo, liên quan đến tình hình bạo loạn tại Pháp gần đây, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã và đang thường xuyên theo dõi diễn biến, cử người túc trực đường dây nóng và hỗ trợ kịp thời công dân Việt Nam trong trường hợp gặp khó khăn hoặc bị ảnh hưởng.
"Cho đến nay chưa ghi nhận trường hợp người Việt Nam nào bị ảnh hưởng bởi vụ việc", bà Hằng thông tin.
Theo chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam tại Pháp đã có các khuyến cáo tới công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Pháp. Trong trường hợp cần thiết công dân có thể liên hệ đến đường dây nóng của ĐSQ Việt Nam tại Pháp hoặc tổng đài bảo hộ công dân. Thông tin được đăng tải trên website của Bộ Ngoại giao cũng như website của ĐSQ Việt Nam tại Pháp.