Sáng 8/4, HĐND quận Đống Đa đã tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề “Bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa, lễ hội trên địa bàn quận Đống Đa”.
Theo Trưởng phòng Văn hóa quận Đống Đa Nguyễn Trọng Hải, trên địa bàn quận hiện có 76 di tích lịch sử văn hóa và 16 lễ hội truyền thống tiêu biểu của Thủ đô, cả nước. Trong đó, có 2 di tích cấp Quốc gia đặc biệt (Văn Miếu – Quốc Tử Giám; Gò Đống Đa), 49 di tích cấp quốc gia, 15 di tích cấp TP và 10 di tích chưa được xếp hạng.
Trong những năm qua, quận đã có nhiều giải pháp tập trung vào việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Hệ thống di tích lịch sử - văn hóa được tu bổ theo đúng quy định của pháp luật, kể cả di tích đã xếp hạng hoặc chưa xếp hạng. Các di vật, cổ vật tại các di tích được bảo vệ khá nghiêm ngặt; hầu hết các di tích trên địa bàn không xảy ra tình trạng mất cắp hay thất thoát, không xảy ra hiện tượng mê tín dị đoan.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời gian, chiến tranh, do tốc độ đô thị hóa nhanh và cùng với nhận thức chưa đầy đủ trong một giai đoạn lịch sử thì không ít di tích đã không còn được bảo tồn nguyên trạng. Công tác quản lý di tích tại một số nơi chưa được quan tâm đúng mức; một số lễ hội đặc trưng chưa được quảng bá rộng rãi, gắn với phát triển du lịch… Từ đó, quận Đống Đa xác định việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa, lễ hội trên địa bàn giai đoạn 2019-2025, định hướng đến năm 2030 là cần thiết, cấp bách.
Tại hội nghị đã ghi nhận nhiều ý kiến của cử tri đóng góp có tính xây dựng nhằm bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa, lễ hội trên địa bàn. Theo đó, các cử tri đều cho rằng, đối với các di tích lịch sử, văn hóa cần quan tâm tới công tác cắm mốc giới bảo vệ để các địa phương có cơ sở để xây dựng kế hoạch và làm tốt công tác quản lý. Riêng với các lễ hội, cần được tiếp tục quan tâm hơn nữa để gìn giữ và phát huy được các giá trị truyền thống. Bên cạnh đó, cử tri cũng kiến nghị, quận cần triển khai công tác bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử văn hóa, lễ hội với các chương trình công tác của quận và phải gắn với phát triển du lịch bền vững. Đặc biệt, phải xây dựng thành chương trình hành động và địa phương nơi có di tích sẽ đóng vai trò giám sát để tạo động lực trong bảo tồn, phát huy giá trị di tích.
Tiếp thu ý kiến của các cử tri, lãnh đạo quận Đống Đa cho biết, thời gian tới quận sẽ tăng cường hơn nữa công tác quản lý về di tích, lễ hội. Đồng thời, nghiên cứu để đa dạng giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân, giới trẻ trong việc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử văn hóa, lễ hội trên địa bàn quận.