Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quận Đống Đa tập trung tháo gỡ khó khăn trong xây dựng, cải tạo chợ

Nguyên Bảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 5/6, HĐND quận Đống Đa tổ chức Phiên giải trình về “công tác đầu tư, xây dựng, cải tạo chợ; việc thực hiện các chính sách pháp luật về công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm” trên địa bàn.

Báo cáo tại Phiên giải trình cho thấy, trong những năm qua, công tác đầu tư xây dựng, cải tạo để hoạt động của chợ đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về văn minh thương mại, đảm bảo thuận lợi cho người dân kinh doanh, mua bán luôn là vấn đề được quận Đống Đa dành sự quan tâm đặc biệt. Công tác thực hiện các chính sách pháp luật về vệ sinh, an toàn thực phẩm được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm.

Đại biểu nêu ý kiến tại Phiên giải trình.
Đại biểu nêu ý kiến tại Phiên giải trình.

Theo đó, Quận ủy đã xây dựng, ban hành Chương trình công tác số 02 và Chương trình công tác số 03, trong đó đưa ra phương hướng, mục tiêu, giải pháp trọng tâm 5 năm giai đoạn 2020-2025 về kế hoạch đầu tư, xây dựng, nâng cấp hệ thống chợ; nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm từ quận tới phường. HĐND quận cũng đã phê duyệt Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 và hằng năm. Trong các kế hoạch đã đề ra mục tiêu, định hướng phát triển, thứ tự ưu tiên và các danh mục dự án đầu tư trong đó có các danh mục đầu tư về chợ. Thường trực HĐND, các Ban HĐND hằng năm xây dựng và triển khai giám sát, khảo sát về công tác đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm…

Cụ thể, tổng số chợ trên địa bàn quận hiện có là 11 chợ với 4 mô hình quản lý nằm trong hệ thống mạng lưới chợ của TP. Các chợ trên địa bàn quận được xây dựng và đưa vào sử dụng từ khoảng 25 - 30 năm trước khi có tiêu chuẩn thiết kế chợ TCVN 9211:2012 được ban hành, đã được quan tâm cải tạo, sửa chữa qua nhiều năm hoạt động.

Tuy nhiên, đa phần hạ tầng kỹ thuật các chợ đã xuống cấp như: nền chợ thấp hơn nền đường giao thông bên ngoài chợ; hệ thống cống, rãnh thoát nước bị vỡ, hỏng, nước thải bị ứ đọng; hệ thống mái xuống cấp, được sửa chữa chắp vá; các quầy hàng, bục bệ kinh doanh trong chợ xuống cấp xứt, mẻ, hoen rỉ… không đảm các điều kiện hoạt động về vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, mỹ quan đô thị, không đảm bảo các điề kiện về PCCC… theo quy định hiện hành.

Ngoài ra, theo quy định của Luật phòng cháy và chữa cháy và các văn bản pháp luật có liên quan, đến nay trên địa bàn quận có 5 chợ không đảm bảo yêu cầu về Phòng cháy chữa chữa cháy được đưa vào sử dụng trước ngày 4/10/2001…

Đối với công tác đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, UBND quận xây dựng các mô hình điểm, tuyến phố điểm về vệ sinh, an toàn thực phẩm. Cụ thể, tuyến phố dịch vụ ăn uống đảm bảo an toàn thực phẩm kết hợp hoạt động tuyên truyền về các di tích lịch sử, lễ hội. Mô hình cơ sở cơ sở dịch vụ ăn uống đảm bảo an toàn thực phẩm kết hợp hoạt động tuyên truyền về các di tích lịch sử, lễ hội trên địa bàn quận. Năm 2024, triển khai duy trì tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát tại phố Huỳnh Thúc Kháng (phường Láng Hạ) và nhân rộng tại phố Ô Chợ Dừa.

Quang cảnh Phiên giải trình.
Quang cảnh Phiên giải trình.

Đối với công tác kiểm tra, xử phạt, toàn quận đã thành lập 24 đoàn kiểm tra công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn. Trong đó, tuyến quận có 3 đoàn kiểm tra liên ngành; tuyến phường có 21 đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm. Năm 2023 xử phạt 163 cơ sở với tổng số tiền hơn 515 triệu đồng.

Trong phiên giải trình, các đại biểu kiến nghị quận Đống Đa quan tâm hơn nữa đến công tác phối hợp để đảm bảo công tác PCCC, ATTP, vệ sinh môi trường như thế nào khi nhiều chợ chưa có đủ các điều kiện để đầu tư xây dựng bài bản. Đồng thời, cho biết rõ tiến độ và dự kiến thời gian thực hiện xong việc xây dựng, cải tạo chợ; giải pháp để khắc phục tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường bán hàng và không đảm bảo các điều kiện an toàn thực phẩm; đánh giá hiệu quả công tác tuyên truyền của quận về VSATTP trong thời gian qua; giải pháp để tăng cường công tác quản lý và kiểm soát, ngăn ngừa các nguy cơ thực phẩm không đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân trên địa bàn…

Ý kiến của các đại biểu đã được lãnh đạo quận tiếp thu, giải đáp cụ thể. Đồng thời, chỉ đạo các phòng, ban, ngành chức năng của quận xem xét, giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác đầu tư, xây dựng, cải tạo chợ; việc thực hiện các chính sách pháp luật về công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm trên địa bàn theo quy định.