Quận Hai Bà Trưng chủ động ứng phó trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Trung tâm Y tế (TTYT) quận Hai Bà Trưng, tính đến hết ngày 16/8, tại quận đã ghi nhận có 1.368 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (SXH), 271 ổ dịch tại 20 phường, trong đó có 206 bệnh nhân đang điều trị, 89 ổ dịch đang hoạt động tại 16 phường. 3 tuần trở lại đây, trung bình mỗi ngày ghi nhận 30-50 ca mắc, 5-12 ổ dịch mới.

Bà Nguyễn Thị Vân Anh-Giám đốc TTYT quận cho rằng, đặc thù quận Hai Bà Trưng là quận đông dân, nhiều lao động tự do, sinh viên ngoại tỉnh...; trong khi điều kiện vệ sinh môi trường (VSMT), trình độ dân trí hạn chế, nhiều khu vực thiếu nước sinh hoạt, tập quán sinh hoạt, ăn uống còn tạm bợ, nhất là các khu thuê trọ, công trường xây dựng, bãi đất hoang. Đây là những khu vực tiềm ẩn nguy cơ cao về khả năng bùng phát dịch nếu không sớm có biện pháp xử lý triệt để. Trong đó, những phường nhiều dịch như Đồng Tâm, Trương Định, Vĩnh Tuy, Thanh Lương, Bạch Đằng, Minh Khai... là những phường trọng điểm về VSMT và giáp ranh các quận nhiều dịch SXH như Đống Đa, Hoàng Mai, Hoàn Kiếm...
 TTYT quận phun hóa chất bằng xe ô tô vào ban đêm tại ĐH Xây dựng (phường Đồng Tâm)
Trước diễn biến phức tạp của dịch SXH, thực hiện chỉ đạo của Sở Y tế và TTYT dự phòng Hà Nội, quận đã thành lập và tập huấn chuyên môn cho đội phun hóa chất gồm 20 chiến sỹ và 17 cán bộ TTYT để kịp thời triển khai ngay khi TP cấp máy phun, sẽ tổ chức phun mỗi phường/1 ngày. Đáng chú ý, trong các đêm từ 13-16/8, TTYT cùng các lực lượng chức năng đã tổ chức phun hóa chất trên xe ôtô tại 7 phường trọng điểm gồm Đồng Tâm, Trương Định, Bách Khoa, Vĩnh Tuy, Bạch Đằng, Thanh Nhàn và Phố Huế, trong đó phun tại các phố chính và khu vực công cộng (đình, chùa, trường học, chợ, công trường, bãi đất trống, 4 trường đại học). Tiếp tục từ nay đến 4/9/2017, TTYT sẽ tiến hành phun cuốn chiếu diện rộng cho toàn bộ các phường còn lại và phun vét theo lịch đã có, cũng như đồng loạt phun bằng má ULV đeo vai, máy phun mù nóng và máy công suất lớn trên xe ôtô.

Không chỉ các biện pháp tích cực từ cấp quận, tại các phường cũng xây dựng và triển khai các chiến dịch VSMT, diệt bọ gậy... Điển hình tại phường Thanh Lương, trong tình hình đã có 62 ca mắc và 28 ổ bệnh, tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái, UBND phường đã xây dựng 3 kế hoạch triển khai chiến dịch VSMT và diệt bọ gậy, 1 tuần liền thực hiện “Ngày thứ Bảy xanh” tại 57 tổ dân phố, các cơ quan xí nghiệp và các trường học trên địa bàn, truyền thông tại cộng đồng để chủ động phòng chống SXH. Đến nay, 100% hộ gia đình, cơ quan, đơn vị, trường học tại phường triển khai chiến dịch này và ít nhất 90% được kiểm tra không có bọ gậy sau chiến dịch. Lãnh đạo phường cho biết, trong đêm 19/8 sẽ tiến hành phun thuốc bằng xe ô tô và từ 14-30/8 sẽ triển khai phun hóa chất diện rộng.

Để giúp địa phương ứng phó với dịch SXH, lãnh đạo TTYT quận kiến nghị UBND quận tăng cường chỉ đạo hơn với 20 phường, các trường học, cơ quan, đơn vị... duy trì “Ngày thứ Bảy xanh phòng chống SXH” và triển khai hiệu quả hoạt động của các đội xung kích diệt bọ gậy và tổ giám sát, nhất là tại các khu có ổ dịch, khu vực trọng điểm về VSMT; đồng thời bổ sung kinh phí chống dịch. Quận cũng đề nghị Sở Y tế và TTYT dự phòng Hà Nội tăng chỉ đạo, hỗ trợ phun hóa chất diện rộng tại các phường trọng điểm; TP khẩn trương cấp kinh phí bổ sung cho phòng chống dịch theo dự toán của TTYT.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà, những ngày tới, quận và các phường cần lưu ý phát huy vai trò cao hơn của các đội xung kích. Đặc biệt, TTYT cần tăng cường tập huấn cho lực lượng này để biết cách hướng dẫn người dân trong việc diệt bọ gậy tại gia đình, như thế mới chặn nguồn sinh ra muỗi. Đồng thời, cần có các hình thức tuyên truyền phong phú, hiệu quả hơn, vận động người dân trang bị các dụng cụ chống muỗi đốt; nhất là cần cho người dân thấy được tác hại của bệnh SXH nhưng tuyên truyền cũng cần mềm dẻo để tránh gây hoang mang.