An toàn tính mạng cho người dân là trên hết
Trên địa bàn phường Thanh Lương có khoảng hơn 30 trụ sở cơ quan, đơn vị, kho hàng và 1 hộ dân nằm sát bờ sông Hồng, UBND phường đã chủ động tuyên truyền vận động các đơn vị, hộ dân sẵn sàng ứng phó, có phương án di dời khi nước sông Hồng lên cao. Cùng đó, đơn vị Cảng Hà Nội cũng đã chủ động tuyên truyền, thông báo cho các đơn vị thuộc Cảng.
Chủ tịch UBND phường Thanh Lương Nguyễn Văn Khang cho biết, UBND phường ngay trong ngày 9/9 đã ban hành Thông báo về việc khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và chủ động ứng phó khi có mưa, lũ, sạt lở đất nước sông Hồng lên cao trên địa bàn phường, gửi tới toàn bộ cơ quan, đơn vị, hộ dân trên địa bàn. Trong đó, yêu cầu mọi đơn vị, người dân tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của TP, quận trong công tác PCTT&TKCN; bám sát những nội dung chỉ đạo của quận, phường về việc tập trung khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và chủ động ứng phó khi có mưa, lũ, nước sông Hồng lên cao.
“Đặc biệt, chúng tôi đã yêu cầu các Tổ dân phố số 19, 20, 21 có biện pháp chủ động giảm thiệt về người do mưa lũ, sạt lở bờ vở sông Hồng; các Tổ dân phố chịu trách nhiệm trước UBND quận, phường nếu để xảy ra lơ là, chủ quan trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện dẫn đến tới thiệt hại về tính mạng của người dân. Đồng thời, yêu cầu Ban chỉ huy PCTT&TKCN phường phối hợp các Tổ dân phố 19, 20, 21 kích hoạt phương án di dân khi nước sông Hồng lên cao, đảm bảo đời sống cho nhân dân trên địa bàn Tổ dân phố; Nhân dân các Tổ dân phố này chủ động có phương án di dời khi mực nước sông Hồng lên cao (trường hợp các gia đình không có khả năng tự di dời thì Tổ dân phố tổng hợp báo cáo kịp thời về Ban chỉ huy PCTT&TKCN phường)”- ông Nguyễn Văn Khang nhấn mạnh.
Đặc biệt, Bạch Đằng là phường có nguy cơ ảnh hưởng mưa lũ sông Hồng lớn nhất tại Quận Hai Bà Trưng. Qua rà soát, có khoảng 250 hộ dân với gần 1.000 nhân khẩu trên địa bàn có nguy cơ ảnh hưởng bởi nước sông Hồng dâng cao.
Có mặt tại ngõ 975 đường Bạch Đằng trưa 10/9, chúng tôi nhận thấy cả hệ thống chính trị phường Bạch Đằng cũng như mỗi người dân ở khu vực bờ vở phía mép nước sông Hồng đều sẵn sàng triển khai các phương án để di dời người, tài sản khi xảy ra mưa lũ dâng cao. Tất bật hỗ trợ người dân di chuyển đồ đạc, Tổ trưởng Tổ dân phố số 13 Đỗ Thị Kim Oanh chia sẻ, đây là khu vực nguy hiểm nhất của phường khi vị trí tiếp giáp bờ sông Hồng nhất. Trong ngõ 975 có 47 hộ dân, với khoảng 500 nhân khẩu, trong đó 16 hộ nằm trong khu vực nguy hiểm phải di dời khẩn cấp khi nước sông Hồng dâng cao.
“Ngay từ đêm qua chúng tôi đã phát thông báo đến các hộ này, trong sáng nay các lực lượng chức năng của phường đã hoàn thành hỗ trợ di chuyển hết người dân đến nơi ở an toàn. Trong đó, một số hộ dân đến ở nhà người thân, số còn lại được phường bố trí ở tạm tại Nhà văn hóa Tổ dân phố 11. Nhìn chung người dân rất ý thức chấp hành quy định của các cơ quan chức năng để bảo đảm an toàn tài sản, tính mạng”- bà Đỗ Thị Kim Oanh chia sẻ.
Sinh sống tại ngõ 975 phố Bạch Đằng gần 50 năm nay, bà Vũ Thị Phương Hiền (60 tuổi) chứng kiến nhiều đợt ngập lụt do nước sông Hồng dâng cao, nhưng không vì thế mà bà cũng như các hộ gia đình ở đây chủ quan, vẫn tích cực hợp tác với chính quyền phường để di dời đến nơi an toàn.
“Nhiều ngày nay nghe thông báo của phường cũng như các phương tiện thông tin đại chúng, 4 thành viên trong gia đình đã chuẩn bị phương án di dời đến nơi ở an toàn. Chúng tôi cảm thấy rất an tâm khi lực lượng chức năng của phường trực tiếp xuống thông báo, hỗ trợ dọn dẹp đồ đạc để di dời”- bà Phương Hiền bày tỏ.
Vừa hỗ trợ người dân dọn dẹp tài sản đến nơi an toàn, Phó Chủ tịch UBND phường Bạch Đằng Trần Nam Sơn vừa cho biết: "Lâu rồi người dân trên địa bàn mới chứng kiến đợt mưa lũ nhanh đến vậy, nên cùng với việc tuyên truyền vận động người dân, các lực lượng chức năng của phường còn hỗ trợ người dân di dời. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị liên quan cắt điện, nước để bảo đảm an toàn khi lũ sông Hồng dâng cao".
Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch UBND phường Bạch Đằng Nguyễn Hoành Dũng cho biết, ngay sau khi nhận được công điện của TP và quận, UBND phường đã có thông báo đề nghị người dân khu vực số nhà lẻ đường Bạch Đằng (bờ vở phía mép nước sông Hồng) chủ động có biện pháp di dời người và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm khi nước sông Hồng lên cao do xả lũ hồ thủy điện Tuyên Quang, Thác Bà có thể xảy ra ngập lụt, sạt lở bờ sông.
UBND phường đã giao trách nhiệm cho Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng dân phố, Trưởng ban CTMT các tổ dân phố số 8, 10, 11, 12, 13 chủ động xây dựng lực lượng, phương án, kế hoạch của tổ dân phố sẵn sàng triển khai, thực hiện di dời Nhân dân khi xảy ra ngập lụt, sạt lở bờ sông. Các tổ dân phố số 7, 8, 11 thu dọn, sắp xếp mặt bằng tại các điểm nhà sinh hoạt cộng đồng, bảo đảm VSMT và chuẩn bị các điều kiện để tiếp nhận các hộ dân di chuyển đến nếu có.
Để chủ động ứng phó với mưa lũ, UBND phường Bạch Đằng cũng đã giao Công an phường chỉ đạo lực lượng cảnh sát khu vực nắm bắt nhân hộ khẩu ăn ở tại khu vực bờ vở sông Hồng, nhất là khu vực số 975 Bạch Đằng; phối hợp các Tổ dân phố đi từng ngõ, gõ từng nhà để tuyên truyền các hộ dân chủ động động các phương án di chuyển người, tài sản đến nơi an toàn khi xảy ra ngập lụt, sạt lở bờ sông.
Chủ động các phương án phòng, chống mưa lũ
Thực hiện Công điện số 13/CĐ-UBND về việc tập trung ứng phó lũ lớn trên các tuyến sông, UBND Quận Hai Bà Trưng vừa ban hành Công điện về việc tập trung khắc phục hậu quả cơn bão số 3, chủ động ứng phó khi có mưa, lũ, nước sông Hồng lên cao.
Đặc biệt, ngay trong sáng nay, 10/9, Chủ tịch UBND - Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) Quận Hai Bà Trưng Nguyễn Quang Trung đã đi kiểm tra thực tế công tác phòng, chống mưa lũ của các hộ dân hai phường ngoài đê sông Hồng là Bạch Đằng, Thanh Lương, Vĩnh Tuy. “Chúng tôi đã yêu cầu 3 phường ven đê chủ động phối hợp các phòng, ban, ngành, kích hoạt phương án di dân khi nước sông Hồng lên cao, bảo đảm đời sống cho Nhân dân”- ông Nguyễn Quang Trung cho biết.
Ngay sau cuộc họp trực tuyến của UBND TP với các đơn vị, địa phương, ngay trong trưa nay, 10/9, Chủ tịch UBND quận Nguyễn Quang Trung đã chủ trì họp khẩn với đại diện lãnh đạo các đơn vị, phường liên quan trên địa bàn để bàn các giải pháp ứng phó với tình hình nước sông Hồng dâng cao có thể ảnh hưởng đến người dân ở các phường Bạch Đằng, Thanh Lương và một phần phường Vĩnh Tuy.
Ông Nguyễn Quang Trung yêu cầu Ban Chỉ huy quân sự quận, Công an quận chỉ đạo công an các phường, các lực lượng quân đội đóng trên địa bàn chủ động phối hợp với UBND các phường triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ, chủ động sơ tán sớm, di dời dân cư ra khỏi khu vực nguy hiểm, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai khi có yêu cầu.
Đồng thời, chủ động trong công tác chỉ đạo khi có sự cố thiên tai xảy ra, xử lý kịp thời, hiệu quả, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn bảo đảm an toàn giao thông tại các khu vực bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn.
Các đơn vị, lực lượng chức năng của quận tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, mưa lũ trên địa bàn; chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, hiệu quả theo “phương châm bốn tại chỗ”. Trong đó lưu ý công tác truyền thông, bảo đảm mọi người dân nắm được thông tin về nguy cơ mưa lũ, úng ngập, sạt lở đất, tổ chức kiểm soát, hướng dẫn giao thông trong thời gian xảy ra mưa lũ, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, khu vực nước ngập sâu, thông tin cảnh báo kịp thời đến người dân để chủ động phòng tránh.
UBND quận đã chỉ đạo bố trí lực lượng, phương tiện, lương thực, nhu yếu phẩm tại các khu vực xung yếu có nguy cơ xảy ra chia cắt khi mưa lũ lớn, sạt lở đất, ngập lụt để kịp thời thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn, hỗ trợ người dân khi có tình huống; chủ động huy động phương tiện, lực lượng, ngân sách và các nguồn lực của phường để triển khai ngay công tác khắc phục hậu quả thiên tai.
"Riêng với 2 phường Thanh Lương và Bạch Đằng, tôi đề nghị tiếp tục thống kê, rà soát số hộ dân, các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là các hộ sống dọc ven sông Hồng. Trong đó, tập trung tuyên truyền cảnh báo lũ, không cần đợi báo động mà phải chủ động các phướng án khi xảy ra sạt lở khi nước sông Hồng dâng cao. Tiếp tục kiểm tra các khu vực có nguy cơ sạt lở tại chân đê và ứng trực 24/24 để không bị động. Tuyệt đối không để ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của người dân. Trước mắt, ngay trong chiều nay, quận sẽ thành lập Sở chỉ huy tiền phương đặt tại trụ sở UBND phường Bạch Đằng; đồng thời bảo đảm sẵn sàng kích hoạt các kịch bản ứng phó với mưa lũ khi nước sông Hồng tiếp tục dâng cao những ngày tới” - ông Nguyễn Quang Trung nhấn mạnh.
Chiều nay, 10/9, Bí thư Quận ủy Hai Bà Trưng Nguyễn Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND Quận Hai Bà Trưng Phan Văn Phúc và các thành viên Ban chỉ huy PCTT&TKCN quận đã đến kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão tại khu vực bờ vở sông Hồng thuộc địa bàn 2 phường Bạch Đằng và Thanh Lương.
Trực tiếp kiểm tra công tác phòng, chống mưa lũ tại khu vực bến rước nước và ngõ 975 đường Bạch Đằng, Bí thư Quận ủy biểu dương UBND quận, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN quận và Đảng ủy, UBND phường Bạch Đằng đã chủ động, kịp thời triển khai các phương án phòng, chống mưa lũ và di dời người, tài sản khi lũ dâng cao. Từ đó, yêu cầu Đảng ủy, UBND phường Bạch Đằng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn của quận tiếp tục tập trung rà soát, kịp thời di dời các hộ gia đình hiện đang sinh sống sát bờ vở sông Hồng (kể cả nhà nguy hiểm và nhà kiên cố) ra khỏi khu vực nguy hiểm, đưa về nơi an toàn; kịp thời thông tin tình hình, diễn biến thời tiết và mực nước sông Hồng để người dân chủ động có các phương án tự di dời khi mực nước sông Hồng dâng cao lên mức báo động 2, báo động 3.
Đồng thời, có phương án bảo đảm lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm, nước sạch để cung cấp, hỗ trợ người dân; kịp thời chăm lo, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại về tài sản, nhất là gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người già, neo đơn, ốm yếu, gia đình chính sách...