Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quan hệ giữa EU - Nga: Lực bất tòng tâm

Bắc Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong thời gian vừa qua, mối quan hệ giữa EU và Nga trở nên xấu đi nghiêm trọng và nhanh chóng. Nếu chỉ nhìn vào cách thức bên này đối xử với bên kia thì cảm nhận chung không thể tránh khỏi là dường như chiến tranh lạnh đang trở lại châu lục.

 Ảnh minh họa
Nguyên do không chỉ ở có một phía mà đều thấy có ở cả hai bên. Nguyên do còn ở chỗ Mỹ đóng vai trò rất quyết định. Chính quyền mới ở Mỹ với tân Tổng thống Joe Biden từ sau khi chính thức nhậm chức ở Mỹ đã thể hiện quan điểm cứng rắn đối với Nga và chủ ý sẵn sàng đi vào căng thẳng với Nga chứ không còn như chính quyền tiền nhiệm. Nhờ vậy, EU có đồng minh và cơ hội để gia tăng áp lực đối với Nga. Hai lĩnh vực mà Mỹ và EU đặc biệt gay gắt với Nga là vấn đề Ucraine và chuyện dân chủ, nhân quyền, nhà nước pháp quyền ở Nga, biểu hiện cụ thể trong cách thức Nga đối xử nhân vật đối lập người Nga Alexeij Nawalny. Trên cả hai phương diện này, EU và Mỹ thật sự cùng hội cùng thuyền.
Chỉ có điều cả EU lẫn Mỹ và Nato hiện tại vẫn trong tình trạng bế tắc chính sách đối với Nga, tức là vẫn chưa có được chiến lược thích hợp giúp họ đạt được mục đích là khuất phục Nga. Liệu pháp được họ áp dụng xưa nay mỗi khi xung khắc và bất hòa với Nga là tìm mọi cách cô lập Nga về chính trị và trừng phạt Nga về kinh tế, tài chính và thương mại. Suốt từ năm 2014 đến nay, tức là từ sau khi Nga tiếp nhận Crimea, họ đã vận dụng biện pháp chính sách này. Nga bị gây khó khăn và khó xử không hề nhỏ, nhưng vẫn không hề nhượng bộ và thỏa hiệp. Cả hiện tại cũng vậy. Mỹ và EU bàn thảo cách gia tăng mức độ trừng phạt và o ép Nga nhưng rồi hình thức vẫn nặng hơn thực chất. Mỹ và EU lực bất tòng tâm trong xử lý quan hệ với Nga bởi chỉ có quá ít con chủ bài trong tay, bởi công cụ trừng phạt kia càng ngày càng kém hiệu quả và bởi họ vẫn có nhu cầu hợp tác với Nga nên không dám để đổ vỡ hoàn toàn quan hệ với Nga.