Quan hệ Mỹ - Đức đang “chệch hướng” sau khi Ngoại trưởng Pompeo hủy chuyến đi Berlin

Nguyễn Phương (Theo Sputnik)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhà báo Đức Diani Barreto nói trên tờ Sputnik rằng việc Ngoại trưởng Mỹ vừa hủy bỏ chuyến thăm Đức là dấu hiệu cho thấy sự thất bại trong quan hệ Berlin - Washington.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 7/5 đột ngột hủy bỏ chuyến thăm Đức vào tuần này, nơi ông dự kiến ​​có cuộc gặp với Thủ tướng Đức Angela Merkel.
“Thật không may, chúng tôi phải lên kế hoạch mới cho cuộc gặp tại Berlin do các vấn đề cấp bách. Chúng tôi mong muốn được sắp xếp lại lịch cho cuộc họp quan trọng này. Ngoại trưởng mong muốn được đến Berlin sớm", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cho biết, theo nhiều báo cáo.
 Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vừa đột ngột hủy bỏ chuyến thăm Đức hôm 7/5.
Bình luận về việc Ngoại trưởng Mỹ Pompeo bất ngờ hủy chuyến thăm Đức trong tuần này, trả lời phỏng vấn tờ Sputnik hôm 7/5, nhà báo độc lập Đức Diani Barreto có trụ sở tại Berlin cho rằng quyết định của ông Pompeo là tín hiệu cho thấy sự thất bại trong quan hệ đồng minh Mỹ và Đức.
"Điều này [việc hủy bỏ] là rất bất thường, theo các nhà ngoại giao trước đây", nữ nhà báo Barreto nói trên tờ Sputnik.
"Tôi nghĩ rằng người Đức cảm thấy hơi thất vọng. Quyết định hủy bỏ được đưa ra vào giây phút cuối cùng. Nhưng một lần nữa, rõ ràng Đức không đồng ý với phong cách ngoại giao của Ngoại trưởng Pompeo. Hiện các nước châu Âu, đặc biệt là Đức, đang gia tăng bất đồng với Tổng thống Donald Trump liên quan đến một số vấn đề, trong đó có việc  nhà lãnh đạo Mỹ chỉ trích Berlin vì không đóng góp đủ ngân sách cho Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)”, bà Barreto cho hay.
Theo nữ nhà báo Barreto, những bất đồng giữa Mỹ và Đức trong thời gian gần đây bao gồm: Berlin không thực hiện đúng cam kết tự nguyện đóng góp 2% cho NATO từ năm 2014; Dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 đưa khí đốt từ Nga đến Đức bị chính quyền Mỹ chỉ trích nặng nề và cảnh báo trừng phạt các DN Đức tham gia dự án này; Mỹ đe dọa áp thuế quan mới vì thặng dư thương mại của Đức. “Tất nhiên, sự leo thang căng thẳng có liên quan đến việc Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Hạt nhân Iran và gia tăng việc siết chặt các biện pháp trừng phạt Tehran", bà Barreto nói thêm.
Quyết định hủy chuyến thăm Đức được Ngoại trưởng Pompeo đưa ra 2 ngày sau khi Mỹ thông báo triển khai một nhóm tấn công tàu sân bay và một lực lượng đặc nhiệm ném bom đến khu vực Trung Đông, một động thái mà Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton nói là nhằm gửi một thông điệp rõ ràng tới Iran rằng bất kỳ cuộc tấn công nào vào lợi ích của Washington hoặc các đồng minh của họ sẽ bị đáp trả “một cách không thương tiếc”.
Căng thẳng giữa Iran và Mỹ ngày càng xấu đi kể từ tháng 5/2018, sau khi Mỹ rút khỏi Thỏa thuận Hạt nhân Iran, còn được gọi là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), được ký vào tháng 7/2015 giữa Iran, Mỹ và 5 cường quốc khác. Sau khi rút khỏi JCPOA, Mỹ đã áp đặt nhiều vòng trừng phạt đối với Iran với mục tiêu đưa xuất khẩu dầu mỏ của Tehran về mức bằng 0 “càng sớm càng tốt”.
Chính quyền Berlin bày tỏ sự thất vọng khi Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran. Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas đã kêu gọi thành lập các kênh thanh toán độc lập, để các doanh nghiệp châu Âu vấn có thể tiếp tục hoạt động kinh doanh với Iran, song vẫn tránh được lệnh trừng phạt của Mỹ.
Bên cạnh đó, ông Trump đã nhiều lần chỉ trích Đức về việc chi tiêu quốc phòng. Theo quy định của NATO, các nước thành viên phải dành 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho lĩnh vực quốc phòng, tờ Washington Post đưa tin. Tuy nhiên, chính phủ Đức dự kiến ​​sẽ chỉ dành khoảng 1,2% GDP cho chi phí quốc phòng trong năm nay.
Đức, cùng với các quốc gia châu Âu khác, cũng chỉ trích việc Mỹ đe dọa triển khai lực lượng quân đội ở Venezuela. Tuần trước, Cố vấn An ninh Mỹ Bolton và Ngoại trưởng Pompeo tuyên bố "hành động quân sự" vẫn đang được đánh giá là một lựa chọn khả thi.
Đối với Dòng chảy Phương Bắc 2, Thủ tướng Merkel đã nhiều lần lên tiếng bảo vệ tuyến đường ống khí đốt của Nga, nói rằng dự án này đem lại lợi ích cho Liên minh châu Âu (EU), không ảnh hưởng đến vấn đề an ninh năng lượng của khối nói chung và Đức nói riên. Trong khi đó, Washington cáo buộc rằng dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 sẽ khiến châu Âu gia tăng sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga.
"Có rất nhiều, rất nhiều tín hiệu đang xuất hiện cho thấy mối quan hệ giữa Mỹ và Đức đang ngày càng xấu đi. Mối liên kết xuyên Đại Tây Dương mạnh mẽ này dường như đang ngày càng rạn nứt nghiêm trọng", bà Barreto nhấn mạnh. "Thật đáng báo động!”, nhà báo Barreto lưu ý, đồng thời cho rằng Đức và châu Âu cần phải "tìm đường đi cho riêng mình" và không nên “quá phụ thuộc" vào Mỹ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần