KTĐT - Ngày 19/1/1960, tại Washington, Thủ tướng Nhật Bản Nobusuke Kishi và Tổng thống Mỹ Dwight Eisenhower đã ký một hiệp ước an ninh và hợp tác, một hiệp ước mà cho tới nay vẫn là nền tảng của liên minh giữa hai quốc gia từng là kẻ thù của nhau trong Chiến tranh Thế giới thứ II.
Tên chính thức là Hiệp ước An ninh và Hợp tác Lẫn nhau Nhật-Mỹ để điều chỉnh “sự bất bình đẳng” trong hiệp ước mà hai nước đã ký vào năm 1951. Hiệp ước sửa đổi đa loại bỏ điều khoản cho phép Mỹ có thể can thiệp vào Nhật Bản trong trường hợp xảy ra các cuộc nổi dậy. Bên cạnh đó, hiệp ước này cũng làm rõ hơn trách nhiệm của Mỹ trong việc bảo vệ Nhật Bản nếu nước này bị tấn công quân sự, đồng thời cho phép Mỹ sử dụng các căn cứ quân sự ở Nhật Bản. Chính nhờ hiệp ước này, mà trong thời gian chiến tranh lạnh, tại châu Á, Mỹ đã có thể dựa vào đồng minh Nhật Bản trong việc hạn chế ảnh hưởng tại châu Á của Siêu cường Liên Xô và Cường quốc Trung Quốc. Về phần mình, Nhật Bản trong nhiều năm đã được quân đội Mỹ bảo vệ.
Trong một tuyên bố chung đưa ra nhân kỷ niệm 50 năm ngày ký hiệp ước, các Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng của hai nước nhấn mạnh rằng '' Liên minh đã là nền tảng cho an ninh và thịnh vượng của chúng ta trong nửa thế kỷ qua''. Theo họ, liên minh Mỹ Nhật sẽ tiếp tục đóng vai trò trọng yếu cho hòa bình và ổn định khu vực''.
Trong bài phát biểu nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày ký hiệp ước an ninh sửa đổi, Thủ tướng Hatoyama thừa nhận quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ có lợi cho an ninh của Nhật Bản thời hậu chiến. Ông nói: “Các thỏa thuận an ninh Nhật-Mỹ đã đóng góp to lớn không chỉ cho an ninh của Nhật Bản, mà còn cho sự ổn định và phồn vinh của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Sẽ không phải là cường điệu khi nói rằng nhờ có các thỏa thuận an ninh Nhật-Mỹ mà Nhật Bản duy trì được hòa bình, trong khi tôn trọng tự do, dân chủ và tận hưởng sự phát triển kinh tế trong môi trường đó kể từ khi kết thúc cuộc Chiến tranh Thế giới cuối cùng cho đến hôm nay”. Thủ tướng Hatoyama khẳng định, Nhật Bản sẽ phối hợp với Mỹ để làm sâu sắc hơn quan hệ đồng minh giữa hai nước và hoàn thiện bức tranh mới về quan hệ đồng minh này trong năm 2010.
Về phần mình, ngày 19/1, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên tiếng kêu gọi làm mới và thúc đẩy quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật Bản nhân dịp hai nước kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp ước hợp tác và an ninh lẫn nhau. Tổng thống Obama đã ca ngợi những lợi ích của hiệp ước ký ngày 19/1/1960, thậm chí cả khi chính phủ mới ở Nhật Bản xem xét lại các hiệp định mà hai bên đã ký kết liên quan đến sự hiện diện của quân đội Mỹ tại Nhật Bản. "Cam kết của Mỹ đối với an ninh của Nhật Bản không hề thay đổi và sự hợp tác của chúng ta nhằm đối phó với những thách thức chung là một phần quan trọng trong sự can dự của chúng ta đối với thế giới".
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng nhấn mạnh: ''Mặc dù thế giới đã thay đổi rất nhiều trong 50 năm qua, nhưng liên minh này vẫn không kém phần quan trọng so với năm 1960''.
Thế nhưng, ngày kỷ niệm 50 năm hiệp ước an ninh lại diễn ra khá lặng lẽ. Ngoại trừ một buổi lễ quy tụ khoảng 300 thủy thủ Mỹ - Nhật tại căn cứ hải quân Kokosuka, không có chuyến viếng thăm ngoại giao cao cấp nào đánh dấu sự kiện này.
Những rạn nứt này dường như xuất phát từ việc chính quyền mới của Nhật Bản muốn thoát dần khỏi tầm ảnh hưởng của Mỹ và xây dựng một quan hệ bình đẳng hơn với Mỹ. Dấu hiệu đầu tiên cho thấy điều này là trong cương lĩnh tranh cử trước cuộc bầu cử Hạ viện Nhật Bản 2009, DPJ đã cam kết nỗ lực xây dựng “quan hệ đồng minh gần gũi và bình đẳng với Mỹ”. Sau chiến thắng áp đảo của DPJ trong cuộc bầu cử Hạ viện, Thủ tướng Hatoyama đã gây sốc cho dư luận Mỹ bằng bài viết “Triết lý chính trị của tôi” đăng trên tạp chí Voice (phiên bản tiếng Nhật), trong đó khẳng định “sự sụp đổ của trào lưu chính thống thị trường và chủ nghĩa tư bản tài chính mà Mỹ đã ủng hộ kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc đã gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu gần đây”. “Do thất bại của cuộc chiến Iraq và cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua, kỷ nguyên toàn cầu hóa do Mỹ dẫn dắt sắp đi tới hồi kết và chúng ta đang thoát ra khỏi thế giới đơn cực do Mỹ lãnh đạo để hướng tới kỷ nguyên của thế giới đa cực”.
Quan hệ giữa Washington và Tokyo đã gặp nhiều rắc rối kể từ khi chính phủ cánh trung tả của Thủ tướng Hatoyama lên cầm quyền ở Nhật Bản tháng 10/2009. Ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng Hatoyama đã công bố ý tưởng về việc xây dựng Cộng đồng Đông Á nhưng không nhắc tới sự tham gia của Mỹ. Ông cũng nỗ lực để nhanh chóng thực hiện các cam kết tranh cử như chấm dứt sứ mệnh tiếp nhiên liệu của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) cho các chiến dịch chống khủng bố của lực lượng đồng minh do Mỹ cầm đầu ở Ấn Độ Dương. Ngày 15/1/2010, SDF đã chấm dứt sứ mệnh tiếp nhiên liệu ở Ấn Độ Dương.
Quan hệ Washington - Tokyo căng thẳng thêm kể từ khi chính phủ Hatoyama loan báo quyết định xét lại một hiệp định về việc tái bố trí lực lượng Mỹ ở Nhật Bản. Hiệp định này đã được hai nước ký kết vào năm 2006, lúc mà cánh hữu còn cầm quyền ở Tokyo. Theo hiệp định, căn cứ không quân Futenma của Mỹ, nằm ngay giữa một khu đô thị của Okinawa, sẽ được dời đến một khu vực ít dân cư hơn trên đảo này. Thế nhưng, chính phủ Hatoyama nay dự trù dời căn cứ nói trên ra khỏi Okinawa, để giảm bớt gánh nặng đối với đảo này, mà cho tới nay vẫn là nơi đồn trú của phân nửa trong tổng số 47.000 quân Mỹ ở Nhật. Về phía Washington thì yêu cầu Tokyo phải thực hiện hiệp định 2006 đúng như dự kiến.
Trong Thông cáo chung ngày 19/1/2010, các bộ trưởng Mỹ Nhật chỉ nói phớt qua vấn đề này, tức là chỉ nói đến sự cần thiết phải duy trì lực lượng Mỹ ở Nhật Bản, nhưng phải giảm bớt tác động của các căn cứ lên đời sống của cư dân.
Theo các nhà phân tích, 50 năm sau khi ký hiệp ước an ninh, Mỹ và Nhật Bản hiện chưa biết là liên minh giữa hai nước sẽ thay hình đôi dạng như thế nào. Tuy vậy, có một điều chắc chắn, đó là dù gì đi nữa thì Tokyo vẫn phải trông chờ vào sự hiện diện quân sự của Mỹ ..
Vào đầu tháng này, Ngoại trưởng Nhật Bản Katsuya Okada đã gặp người đồng nhiệm Hillary Clinton của Mỹ ở đảo Hawaii nhưng cả hai bên đều không đạt được tiến triển trong các vấn đề nóng bỏng hiện nay như vấn đề căn cứ Futenma. Mặc dù vậy, các chuyên gia phân tích cho rằng, sự thay đổi chính sách ngoại giao mang tính quyết định của Nhật Bản vẫn chưa xảy ra hoặc sẽ không xảy ra trong tương lai gần./.