Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quận Hoàng Mai - dấu ấn 20 năm phát triển, trưởng thành

Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 6/11/2003, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 132/2003/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập quận Hoàng Mai.

Sau 20 năm phát triển và trưởng thành, đời sống người dân và bộ mặt đô thị của Hoàng Mai đã có nhiều sự thay đổi theo hướng tích cực.

Đổi mới, phát triển kinh tế bền vững

Năm 2003, quận Hoàng Mai được thành lập trên cơ sở toàn bộ diện tích, dân số của 9 xã thuộc huyện Thanh Trì và 5 phường thuộc quận Hai Bà Trưng.Thời đầu thành lập, quận có dân số khoảng 190.000 người, với hạ tầng kỹ thuật đô thị manh mún, chắp vá, đời sống người dân phần lớn còn gặp nhiều khó khăn. Khi đó, nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của địa phương, thương mại - dịch vụ còn manh mún.

Sau 20 năm thành lập, bộ mặt đô thị quận Hoàng Mai đã thay đổi đáng kể. Ảnh: AT
Sau 20 năm thành lập, bộ mặt đô thị quận Hoàng Mai đã thay đổi đáng kể. Ảnh: AT

Để phát triển kinh tế - xã hội, suốt 20 năm Đảng bộ và Nhân dân Hoàng Mai đã tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển thương mại, dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp; huy động mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, đời sống văn hóa.

Sau 20 năm phát triển, dân số quận Hoàng Mai đã trên 700.000 người, kinh tế của Hoàng Mai liên tục phát triển, duy trì tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 10 - 16,5%, ổn định, bền vững. Cơ cấu kinh tế địa phương chuyển dịch đúng định hướng: tăng dần tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp, thủy sản.

Năm 2004, công nghiệp Hoàng Mai chiếm tỷ trọng 55,18%, thương mại dịch vụ chiếm 37,62% và nông nghiệp chiếm 7,2% thì đến nay tỷ trọng thương mại - dịch vụ đạt 54,1%; ngành công nghiệp - xây dựng đạt 45,72%; ngành nông nghiệp, thủy sản đạt 0,18%. Quận Hoàng Mai đã và đang ưu tiên phát triển những ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh như thương mại, dịch vụ logistics, giáo dục, y tế chất lượng cao, tài chính ngân hàng, vui chơi giải trí, du lịch, ẩm thực, lưu trú. Đến nay, sản xuất nông nghiệp Hoàng Mai chỉ còn tỷ lệ 0,14% trong cơ cấu kinh tế và đang hướng đến nông nghiệp sạch, chất lượng cao.

Trụ sở Quận ủy - HĐND - UBND quận Hoàng Mai
Trụ sở Quận ủy - HĐND - UBND quận Hoàng Mai

Hàng năm, thu ngân sách quận Hoàng Mai đều đạt và vượt so với kế hoạch TP giao, tạo nguồn lực quan trọng đầu tư phát triển trên địa bàn. Tổng thu ngân sách sau 20 năm thực hiện: 53.676 tỷ đồng, hàng năm tăng thu khoảng 9%. Nếu năm 2004, thu ngân sách quận đạt 90 tỷ đồng, đến năm 2023 dự kiến đạt 4.468 tỷ đồng, gấp hơn 49 lần. Trong đó, giai đoạn từ năm 2014 - 2023 đạt 43.811 tỷ đồng, gấp 4,5 lần so với giai đoạn 10 năm đầu thành lập quận.

Các thành phần kinh tế Hoàng Mai phát triển mạnh tăng trưởng cả về số lượng và quy mô sản xuất. Số DN trên địa bàn quận tăng nhanh, hiện có 19.223 DN đang hoạt động, tăng gấp 45,6 lần so với năm 2004 (421 DN). Số hộ kinh doanh cá thể là 19.664 hộ, tăng gấp 18,5 lần so với năm 2004 (1.063 hộ kinh doanh); số hợp tác xã hiện có trên địa bàn là 60 hợp tác xã, tăng gấp 20 lần so với năm 2004 (3 hợp tác xã).

Bộ mặt đô thị thay đổi nhanh

Sau 20 năm thành lập, bộ mặt đô thị quận Hoàng Mai thay đổi đáng kể, trở thành một trong những quận có tốc độ phát triển đô thị nhanh nhất Thủ đô. Đến nay, đường ngõ trong các khu dân cư, tổ dân phố trên địa bàn 14 phường được đầu tư, cải tạo; các cơ sở giáo dục, y tế được xây mới, nâng cấp. Nếu giai đoạn 2003 - 2013 tổng vốn đầu tư công ngân sách quận 3.800 tỷ đồng thì giai đoạn 2014 - 2023 tổng vốn đầu tư công của quận 10.045 tỷ đồng, gấp 2,6 lần giai đoạn 10 năm đầu thành lập.

Liên hoan văn nghệ chào mừng 20 năm thành lập quận
Liên hoan văn nghệ chào mừng 20 năm thành lập quận

Trên địa bàn có 4 dự án giao thông đã và đang triển khai từ nguồn ngân sách TP với tổng kinh phí 5.185 tỷ đồng; 5 dự án nhà tái định cư từ quỹ đầu tư phát triển TP với tổng kinh phí 1.151 tỷ đồng; 696 dự án từ nguồn ngân sách quận với tổng kinh phí 13.845 tỷ đồng. Trong số các dự án đầu tư từ nguồn ngân sách quận, đã thực hiện đầu tư 8 dự án lĩnh vực giao thông, hạ tầng thuộc nhiệm vụ chi ngân sách TP, với tổng mức đầu tư 1.669 tỷ đồng, triển khai 121 dự án ngoài ngân sách với tổng mức đầu tư trên 56.000 tỷ đồng.

Bên cạnh việc thực hiện chủ trương đầu tư các dự án kết nối hạ tầng giao thông, quận cũng chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện các công trình hạ tầng, khu nhà ở, khu đô thị mới theo quy hoạch. Các dự án Công viên Yên Sở, khu đô thị Times City - Park Hill, Gamuda Land, The Manor Central park, Louis City Hoàng Mai, trường học quốc tế đã tạo điểm nhấn cảnh quan đô thị văn minh, hiện đại. Hiện quận Hoàng Mai đã hoàn thành quy hoạch vùng bãi sông Hồng tỷ lệ 1/2000, hiện đang tiếp tục triển khai để phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, trong đó có hơn 100ha làm logistics.

Nâng cao đời sống người dân

Đối với lĩnh vực an sinh xã hội, giáo dục, văn hóa - xã hội, Quận ủy, HĐND và UBND quận Hoàng Mai luôn luôn quan tâm, dành nguồn lực đầu tư đáng kể. Hàng năm, ngân sách quận đều dành trên 50% đầu tư cho giáo dục. Nếu như năm 2004, trên địa bàn toàn quận có 47 trường công lập; 5 trường ngoài công lập; 49 nhóm trẻ tư thục thì đến nay quận Hoàng Mai đã có 59 trường công lập, 33 trường ngoài công lập, 372 nhóm trẻ tư thục; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 76,2%. Hầu hết các trường đều được xây mới khang trang, hiện đại, cơ sở vật chất đầy đủ đáp ứng được yêu cầu dạy và học hiện đại; chất lượng giáo dục được nâng cao, luôn đứng tốp đầu của TP.

Sức trẻ Hoàng Mai
Sức trẻ Hoàng Mai

Hàng năm, tỷ lệ gia đình văn hóa của quận Hoàng Mai đạt 89%, tổ dân phố văn hóa đạt 82%. Hiện nay, trên địa bàn quận không còn hộ nghèo (20 năm qua đã xóa 1.859/1.859, đạt 100% kế hoạch; 6 tháng đầu năm 2023 xóa 6 hộ nghèo đạt 200% kế hoạch; giảm cơ bản hộ cận nghèo), Hoàng Mai luôn giải quyết việc làm cho khoảng 5.600 - 7.000 lao động/năm. Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho người dân luôn quận được chú trọng. Trong 2 năm chống dịch Covid-19, quận Hoàng Mai là điển hình xây dựng mô hình “Vùng xanh an toàn” bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho người dân.

Vị thế, uy tín ngày càng được nâng cao

20 năm qua, công tác xây dựng chính quyền, cải cách hành chính luôn được UBND quận quan tâm, bộ máy cán bộ các phòng, ban, ngành, đơn vị cơ sở ổn định bảo đảm tinh gọn; hoạt động ngày càng đi vào nền nếp, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được Nhân dân tín nhiệm. 100% thủ tục hành chính được giải quyết theo cơ chế “Một cửa”, “Một cửa liên thông”. Suốt 2 thập kỷ qua, công tác an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của quận Hoàng Mai luôn được giữ vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Nhìn tổng quát, 20 năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân quận Hoàng Mai đã nỗ lực phấn đấu không ngừng xây dựng từ một vùng ven đô trở thành quận nội thành có bước phát triển mới vượt bậc. Vị thế, uy tín của quận ngày càng được nâng cao, nhiều năm liên tục đạt danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu, nhiều danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước và TP.

Nằm ở cửa ngõ phía Nam Hà Nội, thuận lợi về giao thông, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân quận Hoàng Mai nỗ lực phấn đấu có được vị trí, vai trò quan trọng khi TP triển khai Quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, Trung tâm logistics Hoàng Mai có diện tích khoảng 100ha có vị trí thuận lợi, tận dụng lợi thế về cảng biển, cảng sông, ga đường sắt đầu mối Ngọc Hồi, có thể kết nối được với các phương thức vận tải khác nhau và liền kề hoặc với các khu công nghiệp.

Ngoài ra, Trung tâm Thương mại Giáp Bát (Hoàng Mai) diện tích hơn 8ha đi vào hoạt động sẽ thu hút lao động địa phương và hàng trăm công ty kinh doanh các dịch vụ hỗ trợ, biến quận Hoàng Mai trở thành trọng điểm vùng kinh tế phía Nam Thủ đô. Hai dự án lớn trên cùng với dự án đường Vành đai 2,5, dự án tuyến đường Lĩnh Nam… sẽ là những dự án trọng điểm, mang tính đột phá để cải thiện bộ mặt của địa phương, giúp Hoàng Mai tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tiếp theo.

 

Quận Hoàng Mai vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2008), hạng Nhì (năm 2018). Nhiều tập thể, cá nhân được tặng thưởng huân, huy chương, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của các bộ, ban, ngành và TP Hà Nội.