Nhiều khu đô thị mới với kết cấu hạ tầng đồng bộ và không gian đẹp; những con đường tuyến phố văn minh đô thị không chỉ nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn, mà còn góp phần tích cực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của TP Hà Nội.
Những trục đường văn minhTừ phố Nguyễn An Ninh ra đến đường Giải Phóng, trục đường đông đúc nhưng thông thoáng từ lòng đường đến vỉa hè. Những con đường ở các xóm cũ, khu dân cư cũng được cải tạo khang trang. Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàng Mai Vũ Quỳnh cho biết, đó là kết quả của chương trình “Chỉnh trang tuyến đường Giải Phóng là tuyến đường kiểu mẫu về trật tự văn minh đô thị; giảm ùn tắc và ATGT Bến xe Giáp Bát, Bến xe Nước Ngầm, tuyến đường Giải Phóng trên địa bàn quận” năm 2017.
Việc cải tạo, chỉnh trang vỉa hè, hệ thống cây xanh đã góp phần nâng cao cảnh quan kiến trúc tuyến đường Giải Phóng, cùng với công tác tổ chức, phân luồng, hướng dẫn giao thông giảm ùn tắc giúp bộ mặt đô thị chuyển biến tích cực. Đây là một trong những cách thực hiện có hiệu quả các tiêu chí về trật tự, văn minh đô thị, ATGT, nhằm tạo mô hình kiểu mẫu để nhân rộng trên các tuyến đường, phố chính của quận.Bên cạnh đó, quận còn tiến hành chỉnh trang mái đê đường Nguyễn Khoái, hữu Hồng tại các phường Vĩnh Hưng, Thanh Trì, Lĩnh Nam, Trần Phú, Yên Sở văn minh, sạch đẹp. “Quận thường xuyên chú trọng công tác tuyên truyền, vận động. Vì vậy, người dân và các tổ chức hai bên tuyến đê Nguyễn Khoái, hữu Hồng đã đồng thuận và chủ động góp kinh phí, công lao động, máy móc chỉnh trang vệ sinh tuyến đê, san gạt, vận chuyển rác thải, trồng cỏ hoa trang trí... Cảnh quan kiến trúc trên toàn tuyến đê Nguyễn Khoái nhờ đó được cải thiện, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội” - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Đỗ Thanh Tùng chia sẻ.Xử lý nghiêm vi phạmVới đặc thù là quận cửa ngõ Thủ đô, tốc độ đô thị hóa nhanh, Hoàng Mai đối mặt với nhiều thách thức về tình trạng vi phạm trật tự xây dựng. Chính vì vậy, lãnh đạo quận đã chỉ đạo cương quyết xử lý nghiêm vi phạm, không để phát sinh vi phạm mới. Trong giai đoạn đầu (2004 - 2007), có 2.592 công trình vi phạm trên tổng số 3.737 công trình xây dựng, chiếm gần 70%. Tuy nhiên, số công trình xây dựng vi phạm đã giảm trong giai đoạn tiếp theo (2008 - 2017), còn 16,85% so với tổng số công trình xây dựng (2.093 công trình vi phạm/12.417 công trình xây dựng). Đặc biệt, trong 9 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ công trình xây dựng đúng theo nội dung giấy phép xây dựng chiếm 96,2%, tỷ lệ công trình xây dựng vi phạm chỉ còn chiếm 3,8% (39 công trình vi phạm/1.026 công trình xây dựng). Từ đó, có thể nhận thấy sự quyết tâm của UBND quận Hoàng Mai trong quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng.Ngoài ra, quận cũng cưỡng chế xử lý cưỡng chế công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị, điểm trông giữ ô tô, xe máy không phép tại bờ phải sông Tô Lịch đoạn từ cầu Lủ đến cầu Dậu và tại ô đất số 17 dự án khu đô thị Đại Kim – Định Công; vi phạm tại khu đất bờ trái sông Tô Lịch đoạn từ ngã ba sông Lừ - sông Tô Lịch đến nút giao cầu Dậu (đối diện 3 tòa nhà xã hội khu Bắc Linh Đàm), các bãi xe không phép tại khu vực Khu đô thị Kim Văn – Kim Lũ phường Đại Kim; bãi xe số 299 mặt đường Vành đai 3, phường Yên Sở; bãi xe Võ Minh, hai bãi xe dưới gầm cầu Vành đai 3 tại vị trí 1B - Pháp Vân và gầm cầu ngã ba Nguyễn Hữu Thọ - Nghiêm Xuân Yêm, phường Hoàng Liệt; xử lý, giải tỏa các phương tiện dừng đỗ trái phép trong khu đô thị Vĩnh Hoàng – phường Hoàng Văn Thụ…Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Đỗ Thanh Tùng chia sẻ, để giữ vững trật tự đô thị, cần sự vào cuộc tích cực, đồng bộ từ quận đến cơ sở. Trong đó, phát huy vai trò giám sát của Nhân dân, nêu cao vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo các phường trong việc xử lý nghiêm các vi phạm. Có như vậy, lòng tin của Nhân dân mới được củng cố. Công việc còn bộn bề, song với sự quyết tâm và đồng thuận của toàn Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong quận, thời gian tới Hoàng Mai sẽ phát triển trở thành điểm sáng đô thị ở phía Nam Thủ đô.