Điểm nóng
Nhiều năm nay, giáo dục Hoàng Mai là “điểm nóng” của Hà Nội, với hơn 103.000 học sinh tại 3 cấp học của 97 trường. Trên địa bàn quận xảy ra tình trạng "3 thiếu": Thiếu thầy, thiếu trường, thiếu lớp. Đối với các trường công lập mầm non, sĩ số là 38,6 em/lớp; THCS 47,6 em/lớp và THCS 45,5 em/lớp. Cấp THPT trên địa bàn có 8 trường, trong đó 3 trường công lập bình quân 44,6 học sinh/lớp. Như vậy, tất cả các cấp học số học sinh/lớp trên địa bàn Hoàng Mai đều vượt quá quy chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nếu theo Thông tư số 52/2020/TT-BGDĐT về Điều lệ trường mầm non, Thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT về Điều lệ trường Tiểu học, Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT về Điều lệ trường THCS, trường THPT và phổ thông có nhiều cấp học, toàn ngành giáo dục quận Hoàng Mai hiện còn thiếu 36 trường (mầm non: 22 trường, tiểu học: 13 trường, THCS: 1 trường).
Thậm chí đầu năm học, muốn được vào Trường Mầm non Hoàng Liệt, các phụ huynh còn phải tham gia bốc thăm. Đây là phường mỗi năm có tới 2.000 trẻ sơ sinh chào đời, áp lực hạ tầng xã hội lớn nhất Thành phố.
Về đội ngũ giáo viên, theo quận Hoàng Mai, năm học 2022 - 2023, khối trường mầm non, tiểu học, THCS công lập tăng 71 lớp so với năm học trước. Tính ra, quận Hoàng Mai thiếu 214 định biên (169 giáo viên, 45 nhân viên). Ngay cả Phòng Giáo dục và Đào tạo quận cũng đang thiếu định biên (hiện chỉ 10 người), chỉ có 1 Phó trưởng phòng (phụ trách mầm non).
Hướng đi riêng
Đứng trước những khó khăn như thế, Quận ủy, HĐND quận, UBND quận Hoàng Mai đã có nhiều nghị quyết, kế hoạch để từng bước giải quyết khó khăn cho ngành giáo dục. Trong đó chỉ đạo các phường, tổ chức đoàn thể tích cực vận động xã hội hóa giáo dục, ưu tiên các chủ đầu tư mở trường tư thục.
Quận Hoàng Mai khép lại năm học 2022 - 2023 với thành tích điểm trung bình của hơn 4.200 học sinh kỳ thi vào lớp 10 THPT đạt 39,58 điểm, thuộc tốp dẫn đầu Thành phố và chuẩn bị khánh thành dự án Trường Tiểu học Tân Mai, công trình gắn biển cấp Thành phố chào mừng 20 năm thành lập quận (2003 - 2023).
Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai Phạm Đàm Thục Hạnh
Đầu năm 2023, HĐND quận Hoàng Mai phải tiến hành giám sát chuyên đề UBND quận, UBND các phường trong công tác quản lý Nhà nước về hoạt động của các sơ sở mầm non tư thục, các trường học dân lập trên địa bàn để cải thiện sớm tình hình.
Trong Kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025, quận Hoàng Mai đã bố trí kinh phí đầu tư xây mới, cải tạo 43 trường học các cấp. Quyết tâm trong năm 2023, thời điểm Hoàng Mai kỷ niệm 20 năm ngày thành lập quận sẽ đầu tư nâng cấp 9 trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó xây dựng 2 trường THCS Hoàng Mai và Tiểu học Hoàng Mai theo hướng trường chất lượng cao.
Bước sang tuổi 20, với nhiều thách thức như đã kể trên, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàng Mai đã có nhiều sáng kiến nhằm khơi dậy, phát huy được truyền thống dạy và học, lấy thi đua làm động lực cho các nhà trường, giáo viên cũng như học sinh. Bên cạnh việc đầu tư cơ sở vật chất, quận Hoàng Mai chú trọng nâng cao chất lượng dạy và học, tổ chức nhiều sinh hoạt ngoại khóa, nâng cao kỹ năng sống cho các em học sinh.
Đối với đội ngũ giáo viên, các nhà trường tạo mọi điều kiện cho thầy cô nâng cao trình độ, đến nay 92,9% giáo viên Hoàng Mai đã đạt chuẩn theo Luật Giáo dục. Giáo dục Hoàng Mai đang tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong giảng dạy, tạo sự hứng khởi cho các em khi đến trường.
Hiện trên địa bàn quận có 43 trường mầm non, tiểu học, THCS đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 38 trường được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1; 5 trường đạt mức độ 2. Dự kiến hết năm 2023, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 76,2%; năm 2024 đạt 78%; năm 2025 đạt 80% hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ IV Đảng bộ quận.
5 năm học vừa qua, chất lượng thi vào lớp 10 THPT công lập duy trì đứng vị trí tốp đầu trong 30 quận, huyện của Thành phố. Chất lượng mũi nhọn toàn ngành Giáo dục và Đào tạo luôn được duy trì và đạt nhiều kết quả cao trong các cuộc thi với 641 giải cấp quốc tế (93 Huy chương Vàng, 161 Huy chương Bạc, 250 Huy chương Đồng, 137 giải Khuyến khích) và 338 giải cấp quốc gia.