Những kỷ lục được lập nên, những mô hình, đề án mới được triển khai – là kết quả nỗ lực không mệt mỏi của các ngành chức năng.
Những con số kỷ lụcMột năm đã trôi qua, nhìn lại, những vụ vi phạm điển hình về ATTP không khỏi khiến nhiều người giật mình. Điển hình là vụ, lực lượng an ninh kinh tế và Quản lý thị trường TP Hà Nội đã đồng loạt kiểm tra 6 địa điểm sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng của Công ty TNHH Thương mại SLIM HMN Việt Nam và phát hiện số lượng thực phẩm vi phạm lớn nhất từ trước đến nay. Ngay sau khi nắm thông tin, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 đã yêu cầu UBND TP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị chức năng khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm theo pháp luật. Bên cạnh đó, cũng trong năm, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường Hà Nội phối hợp với lực lượng quản lý thị trường bắt hàng chục vụ sản xuất, vận chuyển mỡ động vật “siêu bẩn”, nội tạng, da trâu bò thối. Ngoài ra, hàng trăm vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ rượu ngoại, thủy hải sản, trái cây, bánh kẹo, gia vị, nước giải khát các loại.Lực lượng liên ngành kiểm tra mẫu thực phẩm tại chợ Đền Lừ. Ảnh: Văn Thắng |
Một vấn đề khiến người tiêu dùng hoang mang, lo ngại nhất trong năm qua, khi mà ngành chức năng bắt nhiều vụ buôn bán, kinh doanh chất tạo nạc Sabutamol trái phép, nhiều lò mổ vi phạm bị phanh phui, tiêu hủy sản phẩm. Đằng sau đó, vấn đề quản lý chất cấm trong chăn nuôi như chất vàng ô, chất tạo nạc một lần nữa lại được xới lên khi quản lý còn quá nhiều kẽ hở. Mặc dù Hà Nội chưa phát hiện vụ vi phạm nào lớn nhưng mối lo ngại thực phẩm chứa chất cấm được tuồn từ các tỉnh, thành vào khó kiểm soát.
Ngoài ra, những mối lo luôn rình rập khi thực phẩm mất vệ sinh, thức ăn đường phố tiềm ẩn nhiều nguy cơ, hóa chất, phẩm màu bán tràn lan. Đây cũng là những cái khó của ngành chức năng. Tuy vậy, theo báo cáo của UBND TP, năm 2016, nhiều con số đáng ghi nhận, trong đó, con số kỷ lục với 1.440 đoàn thanh, kiểm tra được thành lập, 5 đoàn liên ngành kiểm tra đột xuất những điểm nóng về ATTP. 92.488 lượt cơ sở được kiểm tra, phát hiện 15.571 cơ sở vi phạm ATTP, phạt tiền 4.400 cơ sở với số tiền phạt cũng kỷ lục: 24,6 tỷ đồng. Các đoàn thanh tra, kiểm tra đã chuyển xử lý hình sự 3 vụ, xử lý hàng nghìn sản phẩm không đảm bảo ATTP.Truy tận gốc thực phẩm bẩnNếu như trước đây, Hà Nội cũng như cả nước, công tác thanh tra ATTP luôn là vấn đề khó khi địa phương nào cũng thiếu nhân lực. Hơn một năm qua, Hà Nội cùng TP Hồ Chí Minh đã triển khai thí điểm thanh tra ATTP tuyến quận, huyện, xã, phường. Chưa thể kỳ vọng, mới một năm triển khai ở 5 quận và 10 phường, công tác thanh tra ATTP ở Hà Nội đã làm nên những kỳ tích mới. Nhưng rõ ràng, đã có sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền địa phương trong lĩnh vực này. Đánh giá hiệu quả của mô hình này, ông Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) cho biết, kết quả xử lý vi phạm hành chính trong thanh tra chuyên ngành ATTP cao hơn so với kiểm tra ATTP. Ông Nguyễn Thanh Phong đề nghị các địa phương cần quyết liệt hơn nữa trong công tác bảo đảm ATTP, tăng tần suất thanh tra chuyên ngành, tập trung thanh tra đột xuất các địa bàn trọng điểm (chợ, lò giết mổ…), thức ăn đường phố, các nhóm hàng nổi cộm (rau, thịt)…Lấy mẫu rau quả để kiểm tra tại chợ đầu mối Minh Khai. Ảnh: Thắng Văn |
Tại Hà Nội, UBND TP cũng đã giao Sở Y tế (Thường trực Ban Chỉ đạo công tác ATTP TP) chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã, đơn vị liên quan để tiếp tục nhân rộng thí điểm thanh tra chuyên ngành ATTP toàn TP.
Một dấu ấn của Hà Nội trong công tác kiểm soát ATTP thời gian qua phải kể đến hoạt động của 3 xe kiểm nghiệm thực phẩm tại các chợ đầu mối, siêu thị, nhà hàng... trên địa bàn. Mới đi vào hoạt động, kết quả đem lại chưa nhiều, song sự xuất hiện của những xe kiểm nghiệm thực phẩm đã khiến các hộ kinh doanh phải thận trọng hơn trong kinh doanh thực phẩm. Ngoài ra, sự vào cuộc của ngành chức năng cũng tạo niềm tin cho người dân trong tiêu dùng các mặt hàng thực phẩm.Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền – Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo ATTP TP Hà Nội cho biết, thời gian tới, Hà Nội sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất tại các chợ đầu mối, siêu thị và nơi kinh doanh dịch vụ ăn uống, truy tận gốc thực phẩm bẩn với sự hỗ trợ của các xe kiểm nghiệm lưu động. Các kỹ thuật viên, lái xe sẽ được bố trí luân phiên để có thể lên đường bất kỳ lúc nào cần, kể cả ban đêm. Bên cạnh đó, đội ngũ các kỹ thuật viên sẽ thường xuyên được đào tạo nâng cao tay nghề, đảm bảo độ chính xác và nhanh trong khi kiểm nghiệm. Quy trách nhiệm cho người đứng đầuĐóng góp ý kiến để Hà Nội thực hiện tốt hơn công tác ATTP, mới đây, tại hội thảo “Vai trò của chính quyền địa phương trong quản lý ATTP” do báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Sở Y tế và UBND quận Nam Từ Liêm tổ chức, bà Bùi Thị An – nguyên đại biểu Quốc hội thẳng thắn: Dù đã có nhiều chuyển biến trong công tác ATTP, nhưng người dân vẫn chưa yên tâm khi sủ dụng thực phẩm. Đặc biệt, thực phẩm chứa hóa chất, không rõ nguồn gốc luôn tiềm ẩn nguy cơ đối với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, vẫn còn hiện tượng người kinh doanh chạy theo lợi nhuận, sản xuất, chăn nuôi không đảm bảo an toàn. Để siết chặt hơn công tác này, chính quyền địa phương phải đóng vai trò chủ đạo trong quản lý ATTP trên địa bàn. Bên cạnh đó, bà An cũng cho rằng, về lâu dài, Hà Nội nên xóa triệt để chợ cóc, chợ tạm, trước mắt, chưa xóa được, cần phải quản chặt hơn, không thể để người kinh doanh muốn buôn gì, bán gì mặc kệ. Để quản chặt hơn ATTP, Hà Nội cũng đã đề ra nhiều giải pháp trong thời gian tới. Cụ thể, tăng cường quản lý các chợ đầu mối, chợ dân sinh, kiểm soát chặt chẽ chợ cóc, chợ tạm, siêu thị, trung tâm thương mại. Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Khắc Hiền, “Hà Nội sẽ đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, đặc biệt là thanh tra đột xuất, phối hợp chặt chẽ liên ngành giữa các tuyến quận, huyện, xã, phường, thị trấn”. Còn theo yêu cầu của UBND TP, sẽ quy trách nhiệm người đứng đầu từ cấp TP đến địa phương trong công tác đảm bảo ATTP, chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về ATTP trên địa bàn.Với những quyết tâm, đổi mới trong kiểm soát quản lý ATTP, hy vọng, Hà Nội tiếp tục có bước đột phá về công tác này. Tuy nhiên, nói như ông Nguyễn Khắc Hiền, để quản chặt ATTP, cần sự vào cuộc của ba bên, cơ quan chức năng, người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và cả chính ý thức của người tiêu dùng.Hà Nội quyết tâm siết chặt quản lý ATTP TP, đồng thời yêu cầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND các quận, huyện, mỗi tuần ít nhất một lần phải đi kiểm tra ATTP. Không thể chấp nhận chuyện lãnh đạo “đút chân gầm bàn” và nghe báo cáo. Không có vùng cấm trong kiểm tra, xử lý vi phạm về ATTP. Phó Chủ tịch UNBD TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu |