Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản lý chặt liên kết dạy ngoại ngữ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, các trung tâm ngoại ngữ với hàng chục giáo trình tiếng Anh liên kết ồ ạt “nhảy” vào các trường phổ thông, đặc biệt ở bậc tiểu học.

Quản lý chặt liên kết dạy ngoại ngữ - Ảnh 1
Những năm gần đây, các trung tâm ngoại ngữ với hàng chục giáo trình tiếng Anh liên kết ồ ạt “nhảy” vào các trường phổ thông, đặc biệt ở bậc tiểu học. Không ít câu hỏi đặt ra: Chương trình có đảm bảo chất lượng? Ai là người quản lý chất lượng của những trung tâm ngoại ngữ này? Bà Bùi Thị Minh Nga – Trưởng phòng Giáo dục có yếu tố nước ngoài, Sở GD&ĐT Hà Nội đã trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị xung quanh những thắc mắc này.

Ngoài giáo trình tiếng Anh của Bộ GD&ĐT biên soạn, các trường vẫn liên kết với các trung tâm ngoại ngữ đưa các chương trình khác nhau vào giảng dạy, nhất là ở cấp tiểu học. Vì sao có tình trạng này, thưa bà?
- Việc liên kết trong trường học xuất phát từ nhu cầu thực tế của học sinh (HS) và mỗi trường có nhu cầu riêng. Chương trình có thể phù hợp với HS trường này nhưng lại không phù hợp với trường kia vì trình độ tiếp nhận cao, thấp khác nhau, do đó, mỗi trường có lựa chọn riêng cho phù hợp. Để làm việc này, Sở GD&ĐT có những căn cứ pháp lý cụ thể. Thứ nhất là Nghị quyết 29 - NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, trong đó có mục số 9 về hợp tác quốc tế. Thứ hai là chương trình hành động của UBND TP nói rõ phải chủ động mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế và mở rộng các chương trình liên kết. Vậy nên trong kế hoạch nhiệm vụ năm học, chúng tôi đồng ý về mặt chủ trương cho các trường thực hiện liên kết giảng dạy tiếng Anh với những đơn vị đủ năng lực, trong đó có giáo viên (GV) người nước ngoài tham gia giảng dạy.
Giờ học cô và trò trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, quận Hai Bà Trưng.              Ảnh: Trung Quý
Giờ học cô và trò trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Trung Quý
Thưa bà, với những quy định, quy chuẩn nào thì các trung tâm này đủ điều kiện vào dạy trong các nhà trường?

- Trước hết, các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, THCS phải xây dựng đề án liên kết, báo cáo phòng GD&ĐT quận, huyện theo công văn hướng dẫn của Sở chỉ đạo từ 18/8/2009. Đề án bao gồm: Mục tiêu, nội dung, phương thức, quy mô đào tạo, kế hoạch hoạt động, đối tượng, quy chế tuyển sinh... Ngoài ra, phải có hồ sơ pháp lý của đối tác nước ngoài. Hồ sơ pháp lý phải bảo đảm đúng yêu cầu pháp luật, phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, văn bằng, chứng chỉ của GV nước ngoài, có hợp đồng lao động, có giấy phép lao động do Sở LĐTB&XH cấp.

Ai là người quản lý và duyệt các giáo trình giảng dạy này, thưa bà?

- Với đầy đủ giấy tờ nhà trường gửi các cấp quản lý (quận, huyện), sau đó Sở sẽ thẩm định các chương trình. Nếu giáo trình nước ngoài thì HS phải được học đúng giáo trình nguyên bản (không học giáo trình photocopy). Sở có trách nhiệm thẩm định chương trình, Phòng Giáo dục có yếu tố nước ngoài kiểm tra tính pháp lý của GV nước ngoài. Hồ sơ của GV nước ngoài phải bảo đảm có hợp đồng lao động, có bằng cấp chuyên môn. Ngoài ra còn có phân cấp: Đối với cơ sở liên kết, người chịu trách nhiệm cao nhất là hiệu trưởng, nhà trường phải có biên bản đồng thuận của Ban giám hiệu liên tịch gồm tổ trưởng chuyên môn các bộ môn, đặc biệt là tổ trưởng tổ GV ngoại ngữ.

Nhiều phụ huynh phản ánh, học phí thu mỗi nơi một kiểu. Bà có ý kiến gì về vấn đề này?

- Về vấn đề thu, chi tài chính, chúng tôi yêu cầu các trường phải có thỏa thuận với phụ huynh HS, HS phải có đơn tham gia tự nguyện. Sở yêu cầu hết sức minh bạch trong thu, chi; các khoản thu, chi của HS chỉ phục vụ cho HS, ví dụ như hoạt động ngoại khóa, các câu lạc bộ tiếng Anh... hoặc đầu tư cơ sở vật chất như màn hình, loa... Phải nhấn mạnh rằng, đây là chương trình tự nguyện, không ai được ép buộc HS, còn kinh phí thỏa thuận trên nguyên tắc bảo đảm quyền lợi người học.

Đối với những HS không tự nguyện, HS học giỏi, thích học nhưng không có điều kiện tham gia, làm thế nào để các em đỡ thiệt thòi?

- Chúng tôi nhắc nhà trường phải bảo đảm cho các cháu được tham gia đầy đủ bằng cách các trung tâm tạo suất học bổng cho HS. Thực tế, rất nhiều trung tâm đã hỗ trợ cho những HS không có đủ điều kiện tham gia. Còn số HS không tự nguyện tham gia, yêu cầu các nhà trường tuyệt đối không có tình trạng bắt ép.

Sở GD&ĐT thực hiện việc kiểm tra, quản lý hoạt động này như thế nào để đảm bảo chất lượng dạy, học trong các nhà trường, thưa bà?

- Thông thường duyệt đề án vào tháng 8, tháng 9 triển khai. Ngay sau đó, Sở đã thành lập các đoàn thanh, kiểm tra vào tháng 10, đặc biệt là đầu học kỳ II của năm học. Khi kiểm tra thấy một số vấn đề: GV hết hạn visa, hết hạn giấy phép làm việc..., Sở yêu cầu trung tâm phải báo cáo sự thay đổi với cấp quản lý, phải điều chuyển những người đủ trình độ giảng dạy. Ngoài ra, chúng tôi kết hợp với đoàn kiểm tra liên ngành, trong đó có Công an, Sở Nội vụ, Sở Ngoại vụ. Trong quá trình kiểm tra, lỗi sai thuộc bên nào, chúng tôi “tuýt còi” dừng ngay việc thực hiện dạy, có hình thức xử lý nghiêm khắc. Với phương châm nâng cao chất lượng dạy – học, Sở quản lý chặt chẽ ở tất cả mọi khâu.

Xin cảm ơn bà!