Theo kết quả giám sát ATTP nông lâm thủy sản của Bộ NN&PTNT, trong vài năm trở lại đây, mặc dù chất lượng nông sản thực phẩm đã từng bước được cải thiện, song tỷ lệ mẫu vi phạm ở một số mặt hàng vẫn cao.
Năm 2011, tỷ lệ rau quả chứa tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vượt quá giới hạn cho phép 4,43% (năm 2010 là 8,6%); tỷ lệ mẫu thủy sản nhiễm hóa chất cấm, kháng sinh, hoocmon vượt quá giới hạn cho phép 1,38% (năm 2010 là 4,3%); tỷ lệ mẫu thịt nhiễm hóa chất cấm, kháng sinh vượt quá giới hạn cho phép 0,36% (năm 2010 là 1,19%).
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết, mặc dù cơ quan chức năng và các địa phương đã vào cuộc tích cực nhưng vi phạm chất lượng trong sản xuất nông lâm sản vẫn phổ biến. Nguyên nhân do nhiều hộ nông dân vì mục tiêu lợi nhuận đã lạm dụng thuốc BVTV, bón phân không đúng cách dẫn tới sản phẩm rau, củ, quả không đảm bảo chất lượng.
Bên cạnh đó, điều kiện nhà xưởng, chế biến, bảo quản sản phẩm, giết mổ gia súc, gia cầm cũng chưa đảm bảo. Để hạn chế tình trạng mất ATTP trong sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản, ngoài việc siết chặt khâu quản lý từ phía các cơ quan Nhà nước, cần sự chung tay vào cuộc của tất cả các tổ chức, đoàn thể và người dân.
Trong đó, Hội Phụ nữ có vai trò đặc biệt quan trọng, bởi hiện nay 70% dân số sống ở nông thôn và phụ nữ nông thôn là lực lượng chính sản xuất ra thực phẩm. Tuy nhiên, theo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, kỹ năng sản xuất an toàn của phụ nữ còn hạn chế, hầu hết không được đào tạo chuyên ngành.
Nhiều phụ nữ nông thôn chưa được tập huấn kỹ năng sử dụng con giống, thuốc BVTV và bảo quản sau thu hoạch.Bộ NN&PTNT cam kết đồng hành cùng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong việc thực hiện phong trào "3 không". Đồng thời, phối hợp chặt chẽ trong hoạt động giám sát dư lượng, xây dựng điểm các mô hình sản xuất an toàn tại Hà Nội và các tỉnh lân cận để rút kinh nghiệm nhân rộng ra nhiều địa phương khác.