Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quản lý chất lượng nông sản: Khó đủ bề

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hàng loạt các vụ vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) được phát hiện trong thời gian qua như chè "bẩn", tôm chứa tạp chất… cho thấy việc thực thi Luật ATTP xem ra còn rất gian nan.

Ý thức chấp hành kém

Thời gian qua, thông tin về chè "bẩn" tại các vựa chè của cả nước như Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên… được phản ánh đã khiến cho dư luận lo ngại. Chỉ vì lợi nhuận trước mắt, nhiều hộ sản xuất, chế biến chè đã pha tạp chất như phân lân, bột đá, xi măng, bùn, cháo ngô… để tăng trọng lượng cho chè. Tại Yên Bái, qua kiểm tra 20 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh chè, các đoàn kiểm tra của tỉnh đã phát hiện và xử lý 15 cơ sở vi phạm, buộc tiêu hủy gần 8 tấn chè "bẩn". Quá trình kiểm tra cũng cho thấy, hầu hết các cơ sở sản xuất chè nhiễm vi sinh vật vượt quá giới hạn cho phép, môi trường không đảm bảo vệ sinh…

Tương tự, tại các tỉnh ven biển, cũng vì hám lợi, không ít người sản xuất, kinh doanh đã bơm tạp chất làm tăng trọng lượng vào tôm. Từ tháng 7 đến nay, lực lượng kiểm tra của các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Nam Định… đã phát hiện và xử lý hàng loạt các vụ vận chuyển, kinh doanh tôm chứa tạp chất. Trong đó, riêng tại Cà Mau đã phát hiện gần 20 vụ với hơn 6 tấn tôm sú nguyên liệu có chứa tạp chất Agar. Theo kết quả kiểm tra của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT), tỉ lệ mẫu thực phẩm có vi sinh vật gây bệnh và tồn dư thuốc bảo vệ thực vật quá giới hạn cho phép của nước ta vẫn ở mức cao so với các nước châu Âu như: Thủy sản gần 2%, rau 6 - 8%...

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản cho biết: Mặc dù Luật ATTP đã có hiệu lực gần 2 tháng nhưng ý thức của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm vẫn còn yếu kém. Trong khi đó, việc quản lý chất lượng thực phẩm gặp rất nhiều khó khăn do thói quen sản xuất, kinh doanh manh mún và nhỏ lẻ. Thời gian qua, các vụ ngộc độc thực phẩm xảy ra chủ yếu là do thực phẩm đã có dấu hiệu hư hỏng nhưng vẫn cố tận dụng để chế biến, sử dụng chất bảo quản…

Xử lý nghiêm sai phạm

Nông sản thực phẩm kém chất lượng không chỉ tác động xấu đến sức khỏe của người tiêu dùng mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành nông nghiệp Việt Nam. Do đó, việc quản lý chất lượng nông sản là nhiệm vụ trọng yếu của ngành nông nghiệp trong năm 2011. Theo ông Đoàn Anh Tuân, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam, để ngăn chặn các vi phạm về ATVSTP, cần có biện pháp quản lý chặt chẽ và chế tài xử phạt đủ sức răn đe. Như vụ chè bẩn, ngay khi báo chí phát hiện, các cơ quan đã vào cuộc mạnh mẽ và dập tắt được vấn nạn trên.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lương Lê Phương nhấn mạnh, Luật ATTP đã có hiệu lực nhưng các cơ quan cấp dưới cùng với địa phương cần tham mưu, đề xuất các văn bản hướng dẫn dưới luật. Đồng thời xử lý nghiêm minh các sai phạm để răn đe, ngăn chặn tình trạng mất ATVSTP. Bên cạnh đó, cần phân tích, đánh giá nguy cơ rủi ro từ những sản phẩm ở cả trong và ngoài nước. Từ đó lên danh sách những vùng, doanh nghiệp, sản phẩm hay công đoạn có nguy cơ mất ATVSTP cao để gia tăng kiểm tra, giám sát.

Cùng với đó, một vấn đề quan trọng là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong sản xuất, chế biến nông sản. Tại buổi nhận bàn giao thiết bị kiểm nghiệm ATVSTP do Bộ NN&PTNT và Cơ quan phát triển quốc tế Canada trao tặng ngày 22/8, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Xuân Việt cho rằng, ngoài việc đào tạo đội ngũ thanh, kiểm tra thường xuyên thì việc hỗ trợ người nông dân, đặc biệt là phụ nữ ở nông thôn nâng cao ý thức sản xuất an toàn có vai trò rất quan trọng đảm bảo chất lượng nông sản.
 
Mỗi năm, Hà Nội sản xuất khoảng 380.000 tấn thịt, 50.000 tấn thủy sản, 150.000 tấn rau và 1,1 triệu tấn ngũ cốc. Toàn thành phố có 3.000 điểm bán lẻ, 12.000 ha rau... Tuy nhiên, đa số các điểm sản xuất, kinh doanh đều nhỏ lẻ nên việc đảm bảo ATVSTP là hết sức khó khăn.

                                                                 Ông Trần Xuân Việt

                                                    Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội