* Luật hóa đấu giá tài sản nợ xấu
Mở đường cho thị trường mua bán nợ xấu
Thảo luận về dự thảo Luật Đấu giá tài sản, các ý kiến đồng tình với quan điểm cho rằng, luật sau khi được thông qua sẽ góp phần chuyên nghiệp hóa hoạt động đấu giá và đẩy nhanh hơn quá trình xử lý nợ xấu.
Trong báo cáo của Ngân hàng Nhà nước có nêu, từ năm 2013 đến hết tháng 9/2015, VAMC đã mua về hơn 191.000 tỷ đồng, chiếm hơn 40% tổng nợ xấu, trong khi đó mới xử lý được gần 15.000 tỷ đồng tức bằng khoảng 7,7% tổng nợ xấu mua về, trong số này bán nợ xấu chỉ được khoảng 2.800 tỷ đồng, bằng 1,46% và bán tài sản đảm bảo chỉ được 1.100 tỷ đồng bằng 0,58%. "Qua số liệu này thấy kết quả đạt được quả là con số rất nhỏ, làm lãng phí đi một nguồn lực của đất nước, tôi cho rằng, nợ xấu này vẫn là một cục máu đông, làm ảnh hưởng đến việc đưa nguồn vốn của ngân hàng “bơm” ra nền kinh tế" - ĐB Trần Văn Minh (đoàn Quảng Ninh) phát biểu.
Từng chứng kiến nhiều vụ việc tổ chức tín dụng (TCTD) phải sử dụng các giải pháp để xử lý nợ, thậm chí phải khởi kiện ra tòa án để thu hồi nợ, mất nhiều thời gian và chi phí của TCTD. ĐB Trần Văn Minh nhất trí nếu đưa những vấn đề vướng mắc trên vào Luật Đấu giá tài sản và có hướng dẫn cụ thể mới nhanh chóng xử lý được hàng trăm ngàn tỷ đồng nợ xấu đã được VAMC mua về, cũng như đang do các tổ chức tín dụng nắm giữ.
ĐB Cao Sĩ Kiêm (đoàn Thái Bình) cho rằng nên thiết kế luôn trong Luật Đấu giá tài sản một chương riêng về hoạt động đấu giá của VAMC, trong đó có quy định đầy đủ trình tự, thủ tục, hồ sơ, giá khởi điểm giám định tài sản, cơ quan được tham gia đấu giá. Đồng thời, ông Kiêm cho rằng đây cũng là một tiền đề rất quan trọng để sớm hình thành nên thị trường mua bán nợ.
Đại biểu La Ngọc Thoáng (đoàn Cao Bằng) cho rằng, đây là lĩnh vực mới, Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm, để Chính phủ quy định sẽ tạo sự cơ động và linh hoạt. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ chuẩn bị kỹ nội dung này kèm theo dự thảo luật ngay trong lần thông qua tại Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội.
Sửa Luật Dược phải kéo được giá thuốc xuống
Một trong những vấn đề về quản lý dược khiến người dân bức xúc trong nhiều năm qua là giá thuốc với sự biến động "chỉ có tăng và tiếp tục tăng", với dự thảo Luật Dược (sửa đổi), giá thuốc có được kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm quyền lợi người dân?
Đại diện cơ quan soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, trong suốt thời gian qua, giá thuốc tại thị trường Việt Nam là tương đối ổn định. Thuốc chữa bệnh được xếp vào loại hàng hóa đặc biệt, nên CPI của nhóm thuốc chữa bệnh luôn đứng thứ 8, thứ 9 trong nhóm 11 mặt hàng được xác định xếp hạng và không có phần tăng đột biến. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết: "Người dân sẽ được tiếp cận với thuốc mới, thuốc tốt dễ dàng hơn với giá cả hợp lý hơn và chất lượng sẽ tốt hơn. Thuốc sử dụng trong khám chữa bệnh cũng được quản lý chặt chẽ hơn để tránh kháng thuốc, tránh lạm dụng thuốc".
Tuy nhiên, trên bình diện chung, theo PGS. TS Phạm Khánh Phong Lan - Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh (đoàn TP Hồ Chí Minh), vẫn chưa quản lý hết được giá thuốc, nhất là đối với thuốc nhập khẩu, thuốc biệt dược, phân phối độc quyền. "Về quy định là không cho DN có vốn nước ngoài phân phối thuốc tại Việt Nam, nhưng thực tế là khi thuốc nhập vào nước ta đã lòng vòng qua mấy khúc, thổi lên mấy giá rồi bác sĩ kê đơn thuốc đắt tiền để hưởng phần trăm hoa hồng của dược viên" - PGS.TS Phong Lan phân vân vì dự thảo Luật Dược (sửa đổi) chưa đề cập rõ việc quản lý giá thuốc. "Quản lý thuốc chặt chưa, dù đã đấu thầu thuốc và có cả Luật Đấu thầu nhưng thuốc quản lý vẫn chưa phải chặt do đó yêu cầu đặt ra sửa Luật Dược phải kéo được giá thuốc xuống" - đại biểu Phạm Ý Nhi (đoàn Hà Nội) chia sẻ.
Trong khi đó, ĐB Đỗ Kim Tuyến và Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) và nhiều đại biểu đều chỉ ra hiện tượng "mua thuốc dễ như mua rau" mà không cần toa ở bất cứ nhà thuốc nào. "Kháng sinh, thuốc giảm đau, kháng viêm, thuốc ngừa thai khẩn cấp… là những thứ thuốc rất dễ mua ở Hà Nội" - đại biểu Khiết nêu, đồng thời dẫn ra số liệu thống kê gần đây của Bộ Y tế cho thấy 88 - 91% hiệu thuốc bán kháng sinh không cần đơn. "Khoản 1 Điều 40 của Nghị định 176 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế quy định cảnh cáo, phạt tiền 200.000 - 500.000 đồng đối với hành vi bán thuốc trong danh mục thuốc bán theo đơn mà không có đơn bác sĩ. Tuy nhiên, số lượng nhà thuốc bị phạt bởi hành vi này rất ít ỏi" - ĐB Đỗ Kim Tuyến khẳng định.
Theo các đại biểu, tới đây phải xử phạt thật nặng hành vi bán thuốc không cần toa, hành vi thuốc giả, quảng cáo thuốc sai sự thật… bán thuốc cao hơn giá kê khai, đồng thời việc ban hành Luật Dược cần điều kiện thuận lợi cho ngành dược Việt Nam phát triển, bởi qua 10 năm thi hành Luật Dược, hiện nay thị trường thuốc ở Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào nước ngoài, nhập khẩu 90% nguyên liệu làm thuốc và 50% tổng số thuốc.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội. Ảnh : Ngọc Linh
|
Sẽ xử lý nghiêm các bác sĩ không kê toa đúng quy định Bên lề hành lang Quốc hội sáng 19/11, nói về quan điểm, suy nghĩ của Bộ trưởng về việc mua thuốc "dễ như mua rau ngoài chợ", Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến lý giải, thứ nhất, người dân không muốn đi khám bệnh nên mỗi khi có bệnh đều đến các tiệm thuốc tự mua; Thứ hai, quy định các nhà thuốc đạt chuẩn GPP thực hành tốt bán hàng thuốc không thực hiện nghiêm luật bán hàng theo toa; Thứ ba, cán bộ y tế, thầy thuốc cũng ghi toa một cách tương đối dễ dàng, có thể là ghi 1, 2, 3 thuốc cần phải chỉ định chặt chẽ. Tình trạng này theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, nguy hiểm nhất là có thể dẫn đến kháng thuốc, kháng kháng sinh mà Bộ Y tế hiện nay đang quyết liệt vào cuộc. "Trong Tháng hành động để chống kháng kháng sinh này, giải pháp đầu tiên là tuyên truyền cho người dân về việc dùng kháng sinh bừa bãi sẽ có hại cho sức khỏe, cần phải dùng theo đơn của bác sĩ. Đội ngũ cán bộ y tế, bác sĩ, điều dưỡng phải thực hiện nghiêm chế độ kê toa, không kê bừa bãi, xử lý nghiêm các bác sĩ không kê đúng quy định. Đồng thời, quản lý chặt chẽ các quầy thuốc bán lẻ, thực hiện nghiêm theo quy định chuẩn nhà thuốc và xử phạt nghiêm". |