Không ảnh hưởng quá nhiều đến nhu cầu mua sắm
Nhằm nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19, TP Hà Nội đã yêu cầu chính quyền các địa phương khẩn trương rà soát, xử lý, giải tỏa các chợ tạm, chợ “cóc” hoạt động sai quy định trên địa bàn.
Thực hiện chỉ đạo của TP Hà Nội, hàng loạt khu chợ tạm, chợ “cóc” như chợ tạm Vũ Tông Phan, chợ tạm khu vực cầu Mới; đường Nguyễn Xiển; khu vực xung quanh cụm tòa nhà HH Khu đô thị Linh Đàm; xung quanh chung cư AZ Sky (Khu đô thị Định Công)… đã được xử lý theo quy định, giảm quy mô chợ, số lượng người dân đến chợ để đảm bảo quy định về phòng, chống dịch bệnh.
Các khu chợ truyền thống đã phát huy tốt vai trò cung ứng thực phẩm cho người dân trong mùa dịch Covid-19. Trong ảnh, chợ Thái Hà. |
Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, việc giải tỏa các khu chợ tạm, chợ “cóc” nêu trên không ảnh hưởng quá nhiều đến nhu cầu mua sắm các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống Nhân dân trên địa bàn.
Chị Vũ Thị Thủy, chung cư AZ Sky cho biết, hiện nay, người dân muốn mua sắm các mặt hàng thiết yếu phải đến chợ Xanh, hoặc siêu thị, cửa hàng tiện lợi trong khu vực… “Lúc đầu, người dân còn cảm thấy phiền toái một chút vì phải đi xa hơn, giá thành hàng hóa trong chợ cũng đắt hơn một chút so với ở chợ “cóc”, nhưng dần dần, chúng tôi đã quen với việc này” - chị Thủy chia sẻ.
Tương tự, tại phường Thành Công, quận Ba Đình, thực hiện nghiêm quy định của TP, lực lượng chức năng phường đã giải tỏa khu chợ tạm, chợ “cóc”, dừng hoạt động của các cửa hàng kinh doanh không có giấy phép theo quy định, yêu cầu người dân vào chợ mua bán… Nhờ đó, tình trạng họp chợ sai quy định đã được xử lý mà vẫn đang bảo cuộc sống của Nhân dân trong khu vực.
Chị Nguyễn Thị Lan, nhà C2, khu tập thể Thành Công cho biết, từ khi lực lượng chức năng giải tỏa chợ tạm, chợ “cóc” đường thông, hè thoáng rõ rệt, không còn tình trạng lộn xộn, mất vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị như trước… "Chúng tôi hy vọng, tình trạng trên sẽ tiếp tục được kéo dài trong thời gian tới, kể cả khi Hà Nội hết thời gian giãn cách" - chị Lan cho hay.
Tiền đề xóa sổ chợ “cóc”
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quản lý đô thị cho rằng, lực lượng chức năng cần duy trì những kết quả đã đạt được trong công tác quản lý chợ tạm, chợ “cóc” trong thời điểm này để nhân rộng trong thời gian sắp tới.
“Từ những gì đã và đang diễn ra, có thể khẳng định việc giải tỏa, xử lý chợ tạm, chợ “cóc” hoàn toàn không phải là nhiệm vụ bất khả thi” - một chuyên gia nhấn mạnh.
Theo chuyên gia, các địa phương cần phát huy hiệu quả của chợ dân sinh, từ đó từng bước xóa bỏ chợ tạm, chợ ''cóc''. Trong ảnh, lực lượng chức năng phường Nhân Chính kiểm tra y tế đối với người dân vào chợ Nhân Chính. |
Lãnh đạo nhiều phường, xã trên địa bàn TP Hà Nội cho biết, sở dĩ đến thời điểm này, công tác giải tỏa chợ tạm, chợ “cóc” đang phát huy được hiệu quả vì một số lượng lớn học sinh, sinh viên, người lao động chưa về Hà Nội nên nguồn cung vẫn đáp ứng được cầu.
Bên cạnh đó, cùng với việc duy trì hoạt động của chợ truyền thống, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi… chính quyền nhiều quận, huyện còn thành lập các gian hàng lưu động vào khu dân cư (khu "vùng xanh" an toàn) đã đáp ứng một phần nhu cầu của người dân.
Do đó, để xử lý triệt để chợ tạm, chợ “cóc”, trong thời gian tới, đặc biệt trong thời điểm dịch Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động sản xuất, học tập, kinh doanh… quay trở lại trạng thái bình thường, các cơ quan chức năng cần tiếp tục duy trì sự quyết tâm cao độ trong công tác xử lý vi phạm, xem xét duy trì hệ thống cửa hàng lưu động trong khu dân cư… Đồng thời, người dân trong khu dân cư cần tiếp tục duy trì thói quen vào chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi để mua bán, nói không với hàng rong, chợ “cóc”, chợ tạm sai quy định… Bởi, khi không có người mua, chợ “cóc”, chợ tạm sai quy định sẽ tự diệt.