Tiềm ẩn nhiều rủi ro cháy nổ
Mỗi khi nhắc đến vấn đề quản lý cơ sở kinh doanh phế liệu, nhiều người chưa quên vụ nổ xảy ra tại cửa hàng thu mua phế liệu vào trung tuần tháng 3/2016, khiến 4 người chết, 11 người bị thương ở khu đô thị Văn Phú (quận Hà Đông); hay gần đây nhất, ngày 26/10/2023, vụ cháy nghiêm trọng tại cơ sở thu mua phế liệu ở xã Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì) khiến 4 người thương vong…
Mặc dù hoạt động thu mua phế liệu góp một phần làm sạch môi trường, tiết kiệm tài nguyên và là “cần câu cơm” của không ít người lao động, tuy nhiên thực tế, loại hình kinh doanh này bộc lộ bất cập, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Bởi thông qua kết quả rà soát của phường Quan Hoa - phường đầu tiên tại quận Cầu Giấy hoàn thành kiểm tra, xử lý đối với cơ sở kinh doanh phế liệu cho thấy, đây vẫn là vấn đề khó kiểm soát, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC).
Hiện nay, trên địa bàn phường Quan Hoa có 8 cơ sở kinh doanh hoạt động thu mua và buôn bán phế liệu, trong đó, 4 cơ sở đang hoạt động trên đất nông nghiệp của các hộ dân nhưng vẫn len lỏi, xen kẽ trong các khu dân cư. Các cơ sở thu mua phế liệu chủ yếu là lán tạm dựng mái tôn, bên trong chứa nhiều nguyên vật liệu dễ cháy...
Nhận thấy sự nguy hiểm của loại hình kinh doanh phế liệu, thực hiện chỉ đạo của các cấp, ngành, những năm qua, UBND phường Quan Hoa thường xuyên phối hợp với các đơn vị có liên quan tiến hành kiểm tra công tác PCCC định kỳ hoặc đột xuất đối với loại hình này.
Qua các cuộc kiểm tra, lực lượng chức năng nhận thấy những thay đổi về nhận thức của người dân, hộ kinh doanh trong việc trang bị các dụng cụ, thiết bị PCCC như: bình, mặt nạ, kìm cộng lực… Tuy nhiên, do các cơ sở đều năm trong ngõ, ngách, thiếu lối thoát nạn thứ 2… khiến công tác PCCC tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Từ thực tế trên, lực lượng chức năng phường kết hợp tích cực tuyên truyền, tăng cường kiểm tra xử lý trường hợp vi phạm. Từ cuối năm 2023 đến nay, UBND phường đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính các cơ sở thu mua phế liệu hơn 24 triệu đồng. Tiếp đó UBND phường yêu cầu các cơ sở ký cam kết thực hiện nhiều biện pháp đảm bảo trật tự đô thị như: không bày hàng hoá lấn chiếm lòng đường vỉa hè, không xả rác thải chưa phân loại ra nơi công cộng…
Vẫn chỉ là giải pháp tình thế
Phó Chủ tịch UBND phường Quan Hoa Nguyễn Thị Nguyệt Ánh cho biết, cùng với kiểm tra, xử lý vi phạm, phường đã tiến hành làm việc với 8 chủ cơ sở thu mua phế liệu và lấy ý kiến đóng góp của Nhân dân sinh sống xung quanh về các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn PCCC.
Sau buổi làm việc, UBND phường, các hộ kinh doanh phế liệu đã thống nhất không tổ chức nấu nướng ăn uống sinh hoạt tại cơ sở, không hàn cắt các vật liệu tại cơ sở, hàng ngày không tồn trữ quá nhiều hàng hóa... Đồng thời, UBND phường đã yêu cầu 4 cơ sở đang hoạt động trên đất nông nghiệp chấm dứt hoạt động kinh doanh.
Theo Phó Chủ tịch UBND phường Quan Hoa, mặc dù đã có những kết quả ban đầu, song đây là ngành nghề hợp pháp không nằm trong danh mục các ngành nghề kinh doanh có điều kiện… nên việc yêu cầu các cơ sở thực hiện nghiêm quy định về PCCC vẫn chỉ dừng ở mức vận động, chỉ là biện pháp tình thế.
Bên cạnh đó, nhận thức về mức độ nguy hiểm của công tác đảm bảo an toàn PCCC của một số cơ sở, chủ cơ sở kinh doanh còn hạn chế, mang tính chất đối phó khi có đoàn kiểm tra đến làm việc. Việc cấp giấy phép kinh doanh đối với loại hình này hiện chỉ dựa vào một số giấy tờ, theo thủ tục giấy tờ mà không kiểm tra địa điểm để cấp giấy phép khiến công tác PCCC gặp không ít khó khăn.
Để bảo đảm công tác PCCC tại các cơ sở kinh doanh phế liệu, Phó Chủ tịch UBND phường Quan Hoa Nguyễn Thị Nguyệt Ánh cho biết, trước mắt, UBND phường đã yêu cầu 4 hộ kinh doanh trên đất nông nghiệp, đất dự án dừng hoạt động và chuyển đến khu vực khác để kinh doanh. Đồng thời, đưa ra các biện pháp ngăn ngừa nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra… Tuy nhiên, về lâu dài cần di chuyển các cơ sở này ra khỏi, ra xa khu dân cư để hạn chế thấp nhất những rủi ro.